Theo SCMP, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập kiêm CEO Huawei, tuyên bố sẵn sàng “chuyển giao” công nghệ 5G nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ kinh doanh smartphone.
“Chúng tôi có thể chuyển giao công nghệ 5G, nhưng sẽ không bao giờ bán mảng kinh doanh thiết bị đầu cuối của mình,” ông Nhậm phát biểu trước báo giới 9/2.
Tình thế khó khăn
CEO Huawei đưa ra tuyên bố trong thời điểm bộ phận kinh doanh điện thoại của công ty gặp nhiều khó khăn. Doanh số bán ra sụt giảm sau khi bị Mỹ liệt vào danh sách cấm vận.
Mảng kinh doanh smartphone của Huawei đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Bloomberg. |
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ tháng 5/2019, Huawei đã bị liệt vào "danh sách thực thể". Theo đó, tập đoàn này bị cấm mua linh kiện, phần mềm và dịch vụ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Từ vị trí nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, sau khi vượt qua Samsung, thị phần của Huawei tính đến quý 4/2020 tụt xuống thứ 6, theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Canalys. Trong năm nay, thậm chí họ có thể rơi xuống thứ 7 như dự đoán của TrendForce.
Theo CNBC, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm bổ sung khiến Huawei không mua được chip từ TSMC, tương lai mảng kinh doanh smartphone của hãng này bị đặt dấu chấm hỏi.
Huawei đã từ bỏ một số hoạt động kinh doanh smartphone. Vào tháng 11/2020, họ bán thương hiệu con Honor nhằm giúp bộ phận chuyên sản xuất điện thoại giá rẻ này tránh được lệnh cấm của Mỹ. Đến tháng 1, Reuters đưa tin hãng công nghệ Trung Quốc tiếp tục đàm phán bán mảng kinh doanh smartphone cao cấp Mate và P.
Bất chấp điều đó, Huawei tuyên bố tiếp tục gắn bó lâu dài với lĩnh vực điện thoại. Theo các nhà phân tích, đây là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh tổng thể của Huawei.
Bộ phận không tách rời
“Thiết bị đầu cuối là một phần quan trọng trong chiến lược của Huawei”, Tarun Pathak, Phó Giám đốc phụ trách Hệ sinh thái và Thiết bị di động tại Counterpoint cho biết.
Ông giải thích, các thiết bị đầu cuối, đặc biệt là điện thoại thông minh, giúp xây dựng cơ sở người dùng, từ đó tạo ra doanh thu dịch vụ. Ví dụ điển hình nhất về điều này chính là hoạt động kinh doanh iPhone của Apple.
Smartphone là một phần của hệ sinh thái thiết bị đầu cuối. Ảnh: EPA-EFE. |
Theo mô tả của ông Nhậm, thiết bị đầu cuối là bất cứ thứ gì có thể “kết nối với người hoặc vật thể”, vì vậy định nghĩa này cũng bao gồm hệ thống radar được sử dụng trong ôtô không người lái và thiết bị Internet of Things (IoT) cho nhà thông minh.
Bryan Ma, Phó Chủ tịch Nghiên cứu thiết bị tại IDC, cho biết thiết bị đầu cuối là “biệt ngữ của ngành viễn thông” và phản ánh nguồn gốc của Huawei. Trong nhiều năm qua, hãng này là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn vào loại nhất nhì trên toàn cầu.
Một phần quan trọng của chiến lược duy trì bộ phận kinh doanh đầu cuối là hệ điều hành Harmony. Đây là tên gọi được đề cập đến từ tháng 8/2019, sau khi lệnh cấm của Mỹ ngăn Huawei sử dụng các dịch vụ từ Google, trong đó có hệ điều hành Android.
Tháng 9/2020, Huawei thông báo tất cả điện thoại ra mắt trong năm 2021 sẽ dùng HarmonyOS thay cho Android. Hãng cũng tung ra bản thử nghiệm để các nhà phát triển làm quen và bắt đầu tham gia viết ứng dụng cho nền tảng mới.
“Giữ nhịp” cho tương lai
Harmony OS không chỉ được thiết kế cho điện thoại - nó có thể sử dụng với nhiều loại thiết bị khác như máy tính bảng, máy tính và TV thông minh - tất cả đều do Huawei sản xuất.
HarmonyOS là nền tảng cơ bản cho mọi thiết bị thông minh của Huawei. Ảnh: Shutterstock. |
Huawei cũng muốn cung cấp thiết bị liên lạc và phần mềm đi kèm cho các phương tiện thông minh. Họ tạo ra nền tảng ôtô thông minh mang tên Huawei HI, vận hành trên HarmonyOS.
“Để giữ cho hệ sinh thái của mình kết nối thông suốt và phát triển liên tục, Huawei cần duy trì hoạt động kinh doanh thiết bị đầu cuối - ít nhất là ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới”, Pathak nhận xét. Ông nói thêm rằng thành công ở quê nhà có thể lan sang các nước khác với sự trợ giúp của HarmonyOS.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất mà Huawei phải đối mặt là các lệnh trừng phạt của Mỹ. Việc tìm nguồn cung ứng linh kiện quan trọng, như chip bán dẫn, trở nên khó khăn.
Vào tháng 8/2020, Richard Yu Chengdong, khi đó là Giám đốc bộ phận Kinh doanh tiêu dùng của Huawei, thừa nhận lệnh trừng phạt sẽ khiến hãng khó sản xuất và cung ứng smartphone tích hợp chip Kirin cao cấp sau năm 2020.
Tác động không chỉ giới hạn ở mảng này. Vấn đề chip là mối đe dọa đối với hầu hết sản phẩm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị đầu cuối của họ, bao gồm thiết bị điện tử tiêu dùng, hệ thống liên lạc 5G và ôtô. Tất cả đều dựa vào một loạt chip khác nhau. Huawei hiện không thể tự sản xuất hoàn toàn.
(Theo Zingnews)
Nhà sáng lập Huawei khẳng định không bao giờ bán mảng smartphone
Ông Nhậm Chính Phi đã có những chia sẻ xoay quanh chính quyền Mỹ mới cùng khả năng sống sót của Huawei trong tương lai.