Năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa, Thâm Quyến vẫn là một vùng nông thôn rộng lớn. Trong khi đó, Hong Kong đã là một trong những thành phố phát triển hàng đầu châu Á.

40 năm sau, tình hình đã thay đổi. Thâm Quyến chính thức vượt qua Hong Kong về quy mô kinh tế. Sự khác biệt trong câu chuyện phát triển của hai thành phố này đến từ sức mạnh công nghệ, theo South China Morning Post.

Trong khi Thâm Quyến chuyển mình từ con số 0 tới “cái nôi công nghệ” của Trung Quốc, Hong Kong có tiềm năng lớn, nhưng chưa thể tận dụng tuyệt đối sức mạnh của mình.

Giờ đây, Hong Kong đang phải cố gắng bắt kịp Thâm Quyến về mặt công nghệ. Các nhà quan sát nhận định đặc khu hành chính này cần dựa vào các cơ sở nghiên cứu khả năng thu hút nguồn lực tài chính sẵn có.

Câu chuyện của hai thành phố

Sau khi trở về Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, Hong Kong kỳ vọng công nghệ sẽ là công cụ giúp thành phố này đa dạng hóa nền kinh tế và chuyển mình trở thành “thành phố kỹ thuật số hàng đầu trong khu vực”.

Bất chấp tham vọng của chính phủ, nền kinh tế Hong Kong vẫn phụ thuộc vào bốn trụ cột chính: Tài chính, du lịch, thương mại và logistics, cũng như các ngành dịch vụ khác.

hong kong tham quyen anh 2

Ranh giới giữa Hong Kong và Thâm Quyến, ảnh chụp từ Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post.

Khi Thâm Quyến tung ra hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ từ thập kỷ trước, Hong Kong chỉ đầu tư vỏn vẹn 15 tỷ dollar Hong Kong (khoảng 1,9 tỷ USD) trong khoảng 2-3 năm qua.

Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tại Hong Kong chỉ chiếm khoảng 0,99% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố này vào năm 2020, theo dữ liệu chính thức của chính quyền thành phố. Trong khi đó, con số của Thâm Quyến (năm 2021) là 5,46%.

Ngành công nghiệp công nghệ cao tại Thâm Quyến đóng góp tới 38% tổng sản phẩm trên địa bàn, khi đây là nơi nhiều công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đặt trụ sở - như Tencent hay Huawei.

Trong khi đó, Hong Kong - nơi từng đóng vai trò quan trọng giúp Thâm Quyến chuyển mình từ một khu vực nông nghiệp tới trung tâm công nghệ của Trung Quốc - lại đang phải đuổi theo sau.

Các chuyên gia nhận định để cạnh tranh với Thâm Quyến, Hong Kong sẽ cần tận dụng nguồn lực về nghiên cứu và thu hút vốn, cũng như biến các công trình nghiên cứu thành sản phẩm có giá trị thương mại.

Trong lĩnh vực này, Hong Kong đang ghi nhận một số dấu hiệu tích cực. Số công ty khởi nghiệp trong thành phố đã tăng từ vài trăm lên 3.755 doanh nghiệp năm 2021, hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ tài chính, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng tới công nghệ logistics.

Ước tính 11 công ty khởi nghiệp Hong Kong đã đạt danh hiệu “kỳ lân” với giá trị doanh nghiệp vượt mốc một tỷ USD. Trong khi đó, 4 đại học của đặc khu hành chính này lọt vào top 100 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới, theo South China Morning Post.

hong kong tham quyen anh 3

Ông Chow Shing-yuk, Giám đốc điều hành Lalamove - một trong những kỳ lân công nghệ của Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post.

Theo ông Albert Wong, Giám đốc điều hành Công viên Khoa học Hong Kong, việc kết nối các nhà khoa học với lĩnh vực thương mại sẽ là điểm mấu chốt cần thực hiện trong những năm tới.

“Các ý tưởng tốt nhất trên thế giới không đồng nghĩa với việc sẽ được ai đó mua lại. Trong thế giới thương mại, điều quan trọng là thế giới cần gì, và chế tạo những thứ giúp giải quyết vấn đề”, ông Wong nói.

Hợp tác cùng phát triển

Khi Trung Quốc thu hồi Hong Kong năm 1997, Thâm Quyến đang trên đà phát triển nhanh chóng và được coi là nơi thử nghiệm cải cách mở cửa của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sau 25 năm, thành phố này đã tận dụng tốt cuộc cách mạng Internet để trở thành trung tâm công nghệ của Trung Quốc, theo tiến sĩ Quách Vạn Đạt, Phó chủ tịch Viện Phát triển Trung Quốc (CDI).

“Thâm Quyến có thể tận dụng cơ hội vì chính quyền quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp này với nhiều hỗ trợ về chính sách, bao gồm xây dựng các khu công nghiệp lớn, tổ chức các ngày hội thương mại công nghệ cao và miễn giảm thuế”, ông Quách nói.

Tencent được coi là một trong những biểu tượng thành công của ngành công nghệ Thâm Quyến. Được thành lập năm 1998 với sản phẩm ứng dụng nhắn tin QQ, công ty này đã vươn mình để trở thành một trong các công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc và thế giới.

Giảng viên cấp cao Simon Lee Siu-po tại Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK) có cái nhìn bi quan khi nhận định Hong Kong không thể cạnh tranh với Thâm Quyến, vì thành phố non trẻ này đã tích lũy đủ cơ sở vật chất để phát triển công nghệ.

hong kong tham quyen anh 4

Tencent là một trong những biểu tượng thành công của Thâm Quyến. Ảnh: South China Morning Post.

Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học tốn nhiều thời gian và tiền bạc và sẽ khiến các công ty gặp khó khăn nếu không thể sản xuất đủ nhanh. “Chúng ta phải đối diện với thất bại, nhưng điều này không dễ dàng ở Hong Kong - nơi mọi người nhìn vào thành quả trước mắt”.

Trong khi đó, ông Albert Wong cũng cho rằng Hong Kong không thể cạnh tranh với Thâm Quyến về quy mô, nhưng có các điểm mạnh đặc thù như trí tuệ nhân tạo, vaccine hay phát triển thuốc.

“Bất chấp căng thẳng địa chính trị, đội ngũ nhà đầu tư, thể chế pháp quyền hay khả năng tiếp cận thị trường thế giới vẫn là thế mạnh của Hong Kong”, ông nói.

Theo giáo sư Wong Kam Fai tại CUHK, Hong Kong và Thâm Quyến có thể hợp tác cùng có lợi: Dựa trên nghiên cứu tại Hong Kong, các công ty có thể sản xuất quy mô lớn và thương mại hóa tại Thâm Quyến, trước khi trở lại Hong Kong để thu hút thêm vốn và lên sàn chứng khoán.

Về phần mình, ông Quách Vạn Đạt cho rằng Hong Kong vẫn đóng vai trò quan trọng trong tham vọng công nghệ của cả khu vực đồng bằng sông Châu Giang.

“Hong Kong có các trường đại học hàng đầu thế giới và các thể chế khoa học trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học, cũng như có thể thu hút các tài năng khoa học nước ngoài”, ông nói. “Bên cạnh đó, Hong Kong sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng với tư cách trung tâm tài chính”.

(Theo Zing)