Nguy cơ tẩu tán tài sản khi có dấu hiệu bị điều tra
Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Sở dĩ như vậy vì dù công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua có bước tiến mạnh, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, với nguyên tắc "không có ngoại lệ, không có vùng cấm", nhưng vẫn còn không ít vụ án gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước nhưng tài sản thu hồi lại được rất thấp.
Trong vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, và đồng phạm, các bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ thi hành được trên 21 tỷ đồng, tức là chưa đến 1/5.
Bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước |
Vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 5% số tiền này là 500 tỷ đồng
Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chỉ thu về cho Nhà nước 500 tỷ/9.000 tỷ đồng |
Trong vụ án kinh tế Hứa Thị Phấn, tòa tuyên kê biên thu hồi tài sản là quyền sử dụng hàng chục lô đất nông nghiệp mà bà Phấn đã thế chấp để chiếm đoạt tiền.
Tuy nhiên, hơn 50 quyền sử dụng đất, ước tính giá trị hàng nghìn tỷ đồng, nay đều đã hết hạn sử dụng. Theo luật, chỉ khi bà Phấn làm thủ tục gia hạn, cơ quan thi hành án mới có thể bán đấu giá để hoàn tiền về cho Nhà nước.
Hơn 50 quyền sử dụng đất mà bà Phấn đã thế chấp, ước tính giá trị hàng nghìn tỷ đồng, nay đều đã hết hạn sử dụng. |
Cuối tháng 4 vừa qua, trong phần trả lời về nội dung thu hồi tài sản tham nhũng liên quan đến bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết, tổng số tiền bị cáo này phải bồi thường là 122 tỷ đồng. Hiện ông Thanh mới chỉ thi hành án được 31 tỷ đồng, bằng 1/4 tổng số tiền phải thi hành án.
Tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay đạt trên 30%, gấp 3 lần so với năm 2013, nhưng vẫn còn thấp.
Trước hành vi tẩu tán tài sản khi có dấu hiệu bị điều tra bị xử lý của một số đối tượng, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Pháp luật đang quy định là sau khi khởi tố vụ án mới áp dụng kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các bị cáo. Trong thời gian thanh tra, kiểm toán, kể cả khi có tin báo tội phạm cũng không áp dụng biện pháp ngăn chặn kê biên tài sản nên các bị cáo có thời gian để tẩu tán thời gian".
Bà Trần Thị Phương Hoa chỉ ra rằng việc thanh tra, kiểm tra các vụ án kinh tế lớn thường kéo dài do có số lượng bị cáo lớn. Một nguyên nhân nữa là các quy định chưa đủ mạnh khi chưa có luật đăng ký tài sản mà quy định trong luật dân sự và một số loại tài sản cho đăng ký sử dụng như quyền sử dụng đất, các phương tiện giao thông…
"Khi chưa có luật thì chúng ta chưa quản lý được tài sản chưa rõ nguồn gốc" - đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh.
Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội
Thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm hiện nay. Còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc này, như việc thực hiện giám định thất thoát trong lĩnh vực tài chính, xây dựng… thường diễn ra rất chậm; việc định giá tài sản cho vay của nhiều tổ chức tín dụng vẫn có những lỗ hổng; các biện pháp kê biên, phong tỏa chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án…đòi hỏi những điều chỉnh ngay trong quy định của luật pháp.
Trong Chỉ thị mới đây của Ban Bí thư về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được đề cập đến. Đây là các giải pháp mang tính toàn diện, căn cơ và lâu dài để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Trong đó có nhóm giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội trong Chỉ thị của Ban Bí thư, bà Trần Thị Phương Hoa cho biết thêm: "Chúng ta đang thực hiện theo cơ chế thu hồi tài sản qua kết tội bằng bản án có hiệu lực. Để thực hiện cơ chế mới chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, bắt đầu từ việc quản lý tài sản, minh bạch công khai tài sản, chi tiêu không dùng tiền mặt và đăng ký tài sản. Khi có luật đăng ký tài sản, chúng ta mới có thể yêu cầu người ta chứng minh nguồn gốc để có tài sản đó và nếu không chứng minh được thì chúng ta có thể xử lý tài sản đó. Nếu chúng ta chứng minh nguồn gốc tài sản là do phạm tội thì chúng ta cũng có thể xử lý tài sản đó ngay".
Chỉ thị của Ban Bí thư tiếp tục là một tuyên ngôn rất mạnh mẽ của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng - một cuộc chiến còn lâu dài, gian khổ.
Chỉ thị đã có, phần việc còn lại của các cơ quan chức năng là sớm nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, để không còn tình trạng cán bộ sẵn sàng "nhúng chàm", bởi nếu có bị phát hiện thì "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Tài sản tham nhũng tẩu tán được cũng giúp cho đời con, cháu được "ngồi mát, ăn bát vàng".
Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án tham nhũng yêu cầu: - Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả. - Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; - Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài. - Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ. - Tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài. |
(Theo VTV)
Nghi án Công ty Tenma hối lộ: Phát hiện một số bất cập trong kiểm tra thuế
Bộ Tài chính vừa chính thức có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nghi án Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã hối lộ một số cán bộ, công chức Việt Nam 25 triệu Yên Nhật (khoảng 5,4 tỷ đồng).