Việc Lotte đổi đất cho quân đội triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khẳng định quyết tâm của Hàn Quốc bất chấp sự tức giận của Trung Quốc.

Hôm 27/2, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã thông qua phương án đổi sân golf Seongju cho quân đội nước này sử dụng vào mục đích bố trí Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Hệ thống THAAD có tầm hoạt động lên đến 200km và được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ngắn, trung bình ở giai đoạn cuối trước khi những tên lửa này tiếp cận mục tiêu.

{keywords}

Hệ thống THAAD sẽ được triển khai tại sân golf ở núi Dalma vào năm 2017. (Ảnh minh họa: Yonhap)

Bên cạnh năng lực đánh chặn, hệ thống này cũng đi kèm những cụm radar cực mạnh mà những nước như Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tuyên bố là có thể đặt ra mối đe dọa an ninh đối với những lợi ích của mình.

Sự kiện Tập đoàn Lotte đồng ý đổi đất cho quân đội được truyền thông Trung Quốc phản ánh như động thái mang tính biểu tượng cho quyết tâm của Hàn Quốc trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này, bất chấp sự tức giận của Trung Quốc.

Hãng tin Tân Hoa bình luận: “Quyết định này được dự báo sẽ đẩy nhanh những thủ tục còn lại cho việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc”.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng: “Sự kiện này đánh dấu một vòng đối đầu chiến lược mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ, và là đòn giáng mạnh vào mối tin cậy chiến lược giữa Bắc Kinh và Seoul”.

Bất chấp phản ứng gay gắt từ cả chính phủ và người dân Trung Quốc, Seoul tiếp tục trấn an Bắc Kinh rằng, việc nước này đồng ý cho Mỹ triển khai THAAD trên đất của mình hoàn toàn là nhằm đối phó với “mối đe dọa” từ Triều Tiên.

Yonhap ngày 28/2 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nguyên tắc của mình rằng việc triển khai THAAD là hành động mang tính chủ quyền và tự vệ nhằm bảo vệ đất nước và người dân Hàn Quốc trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên”.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Kim Jaecheol thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc, còn một lý do khác dẫn đến quyết định này của Seoul, đủ “quan trọng” để Hàn Quốc chấp nhận thực tế THAAD sẽ đồng nghĩa với cánh cửa khép lại các cuộc đối thoại chiến lược giữa nước này với Trung Quốc.

Giáo sư Kim khẳng định, việc Hàn Quốc đồng ý cho triển khai THAAD trên lãnh thổ của mình thể hiện việc nước này quyết tâm theo đuổi mục tiêu xây dựng một liên minh “tam giác” với Washington và Tokyo đã được cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đưa ra cách đây vài năm.

Giáo sư Kim Jaecheol nói: “Mối nghi ngờ của Trung Quốc đã xuất hiện từ khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bộc lộ ý định thành lập một liên minh tam khác khu vực giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Và hiện tại thì mối nghi ngờ của Bắc Kinh đã lên đến đỉnh điểm”.

Theo ông, trong quan điểm của Trung Quốc thì việc triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ trên đất Hàn Quốc chỉ có thể được hiểu là cột mốc đánh dấu sự hình thành của liên minh “tam giác” về quân sự nhằm vào Trung Quốc.

Do vậy, Giáo sư Kim tỏ ra nghi ngờ về khả năng của Seoul trong việc làm giảm căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh THAAD có thể được chính thức triển khai vào tháng 6 tới.

Dự báo về các hành động đối phó của Trung Quốc, ông cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ đưa vấn đề này ra các cuộc đàm phán sắp tới với Washington. “Để đổi lấy việc họ đồng ý tham gia các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Bắc Kinh có thể yêu cầu Washington cân nhắc lại quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc”.

Ngày 27/2, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, đã tới Washington và có các cuộc gặp với những cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

Giáo sư Kim dự báo, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách thỏa thuận với Mỹ về việc triển khai THAAD và sử dụng thỏa thuận này để gây sức ép với Seoul.

Có vẻ như Seoul cũng ý thức được rằng, dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tình hình có thể thay đổi, đó là lý do tại sao Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc đang đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này.

Cho dù là với động cơ và toan tính gì, thì với việc triển khai THAAD, bất hòa giữa Bắc Kinh và Seoul đã đến mức “không còn đường lùi cho cả hai bên” như nhận định của tờ Thời báo Hoàn cầu.

Tờ báo này này kêu gọi: “Trong hoàn cảnh này, Trung Quốc có thể tùy ý hành động để cho Hàn Quốc phải nếm mùi những biện pháp trừng phạt mà nước này từng ảo tưởng là có thể tránh được”.

Trong số “những biện pháp trừng phạt” được Thời báo Hoàn cầu đưa ra, trước hết phải kể đến đề xuất chấm dứt kế hoạch phát triển của Tập đoàn Lotte tại thị trường Trung Quốc.

Theo Baotintuc