Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Trước đó, ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Theo VKSND tỉnh Sơn La, đây mới là giai đoạn một của vụ án, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ hành vi sửa điểm bài thi trắc nghiệm và môn Ngữ văn tự luận của 6 bị can cùng hành vi tiếp tay cho sai phạm của hai cựu cán bộ công an tỉnh...
Hà Giang sửa số lượng bài thi nhiều hơn, Sơn La nâng điểm "bạo tay" hơn
Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT cho thấy ở Hà Giang có 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố bị sửa từ 1 điểm trở lên so với điểm thật. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm, thậm chí tăng lên đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Tại Sơn La, tổ công tác của Bộ GD-ĐT cũng đã tìm ra được 42 bài thi Ngữ văn thay đổi điểm thi. Cùng với đó, với những môn thi trắc nghiệm, có 97 bài thi có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, có bài thi được nâng tới 9 điểm. Đặc biệt, ở Sơn La mức điểm được nâng "bạo tay" hơn hẳn; trong số đó, nhiều trường hợp được sửa thẳng từ 1 vài điểm lên tới mức rất cao. Cả hai địa phương cũng xuất hiện những trường hợp tréo nghoe như từ điểm thấp bỗng vụt trở thành thủ khoa.
Phụ huynh có con được nâng điểm đều "có máu mặt"
Đa số cha mẹ của các thí sinh được nâng điểm đều là quan chức, công chức, viên chức hoặc kinh doanh. Ở Hà Giang những phụ huynh có con được nâng điểm gồm có Bí thư Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn. Những phụ huynh Sơn La có con được nâng điểm cũng được công khai như: Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chi cục trưởng Chi Cục thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó chánh thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, huyện Quỳnh Nhai...
Các "tân sinh viên" bị nhà trường trả về
114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang đã bị trả về điểm thật trước mùa tuyển sinh năm 2019.
Trong khi đó, 44 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La có 25 thí sinh đã từng theo học tại 3 trường công an. Cuối tháng 4, Cục Đào tạo (Bộ Công an) đã bàn giao 25 sinh viên được nâng điểm thi về Sơn La để làm thủ tục trả cho gia đình quản lý, không xem xét việc điểm thật của thí sinh có đủ điểm đỗ vào trường hay không. Trong số này, 7 em trúng tuyển Học viện An ninh nhân dân, 16 em đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân và 2 em vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy.
Ở các trường dân sự cũng phát hiện thí sinh có điểm thi gian lận. Tuy nhiên, các trường đều xử lý theo hướng căn cứ trên điểm thật của thí sinh. Nếu điểm thật của thí sinh không đủ điểm đỗ vào trường, thí sinh sẽ bị buộc thôi học. Nếu điểm thật của thí sinh đủ điểm đỗ vào trường, thí sinh vẫn được tiếp tục theo học.
Cán bộ có chức vụ cao nhất bị khởi tố là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT
Tại Hà Giang, liên quan đến những sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, có 5 người đã bị khởi tố.
Cụ thể, ngay sau khi tổ công tác của Bộ GD-ĐT phát hiện sai phạm, công an tỉnh Hà Giang đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam hai bị can, là Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang) và Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang) cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đọc lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 8/4, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn bằng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ba bị can trong vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ.
Các đối tượng gồm: Bà Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang). Bà Chính là người trực tiếp điều hành tổ xử lý bài thi trắc nghiệm bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự. Ông Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) về hành vi Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi được quy định tại Điều 366, Bộ luật Hình sự. Bà Lê Thị Dung (Phó Đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Còn tại Sơn La, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 gồm có: Trần Xuân Yến (cựu phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ); Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ).
Phải khẩn trương xử lý tập thể, cá nhân vi phạm
Từ ngày 29 đến 31/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp kỳ 36. Thông cáo Báo chí của Kỳ họp cho biết UBKT Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La.
Kỳ họp 36 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ảnh: Trang thông tin diện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương) |
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, nhất là công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018.
Đồng chí Phạm Văn Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT và đồng chí Hoàng Tiến Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi THPT chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục, gây bức xúc trong xã hội, để nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự.
Đồng chí Cầm Ngọc Minh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh.
Đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đồng chí Phạm Văn Thủy; khiển trách đồng chí Cầm Ngọc Minh.
UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Hoàng Tiến Đức; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và đồng chí Hoàng Văn Chất kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
UBKT Trung ương cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, UBKT Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình khẩn trương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, báo cáo UBKT Trung ương.
Ngân Anh
Đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang
- Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử.