Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), giá vàng trong nước liên tục chênh lệch cao so với giá vàng trên thế giới do nguồn cung trở nên khan hiếm sau khi chính phủ siết chặt quản lý đường biên để ngăn chặn dịch Covid-19, trong khi nhu cầu dự trữ giá trị bằng vàng của người dân vẫn tăng.

{keywords}
Thời gian gần đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và trên thế giới bị nới rộng. (Ảnh minh họa: KT)

Các chuyên gia nghiên cứu của VEPR cho biết, trong khi giá vàng liên tục mất giá trên thị trường thế giới vào Quý 1/2021, xu hướng giá vàng trong nước lại được giữ ổn định, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và trên thế giới liên tục tăng lên. Mức chênh lệch đạt mức cao nhất 8,2 triệu đồng/lượng được ghi nhận vào ngày 8/3/2021.

Giá vàng trong nước tăng nhẹ trong tháng 1, sau đó giảm nhẹ vào tháng 2 và tháng 3. Tính đến cuối quý 1, giá vàng trong nước đạt 54,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn 2,61% so với đầu quý 1.

Trên thị trường thế giới, vàng liên tục mất giá trong quý 1, giảm mạnh vào tuần cuối tháng 2 và tuần đầu tháng 3, chạm mức dưới 1.700 USD/oz lần đầu tiên sau 9 tháng.

Theo nhận định của VEPR, trong năm 2020, căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh bùng phát trở lại khiến triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh, các đồng tiền lớn suy yếu, tất cả đẩy nhu cầu mua vàng của nhà đầu tư tăng cao, khiến giá vàng chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm.

Đến đầu năm 2021, nhu cầu mua vàng giảm trước kì vọng của các nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế khi những chính sách thúc đẩy tiêm chủng vaccine được thực hiện ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, dẫn đến giá vàng giảm dần trong những tháng đầu năm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo cùng với sự ổn định trở lại của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

(Theo VOV)