Giá Bitcoin bật tăng sau nhiều ngày điều chỉnh giảm. Theo dữ liệu của Coindesk tối 3/3 (theo giờ Việt Nam), đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới lấy lại mốc 50.000 USD/đồng và có thời điểm đạt 52.537 USD/đồng.

Đà tăng giúp giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 927 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến nay, đồng tiền này đã tăng giá trị gần 70%.

Giải thích với Zing, các chuyên gia cho biết giá Bitcoin bật tăng nhờ dòng vốn mới đều đặn từ những tổ chức đầu tư và tên tuổi lớn Phố Wall. Nếu sự ổn định trở lại thị trường trái phiếu, đồng tiền này sẽ bật tăng giá.

{keywords}
Lãi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt sẽ tạo áp lực lên đà tăng giá của tiền mã hóa. Ảnh: Reuters.

Tiền đổ vào đều đặn

"Bitcoin tăng giá trở lại vì giới đầu tư nhận thấy ngày càng nhiều tổ chức lớn cam kết với blockchain và tiền mã hóa. Dường như sự quan tâm của các tổ chức vẫn ở giai đoạn đầu. Điều đó mang tới niềm tin rằng giá Bitcoin sẽ tiếp tục được đẩy cao hơn", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) giải thích với Zing.

Theo ông, mỗi ngày lại có thêm một số nhà đầu tư tên tuổi, ngân hàng đầu tư hoặc tổ chức tài chính lớn thể hiện sự quan tâm đối với Bitcoin.

Mới đây, tỷ phú Mỹ Dan Loeb tiết lộ "đang lao sâu vào tiền mã hóa". Doanh nhân này là nhà sáng lập quỹ phòng hộ Third Point (New York). Ông sở hữu khối tài sản khoảng 3 tỷ USD.

Các chiến lược gia tại Citigroup cũng khẳng định Bitcoin có những lợi thế so với hệ thống thanh toán toàn cầu hiện tại. "Bitcoin có thể trở thành công cụ thanh toán trong thương mại quốc tế vài năm tới", nhóm chuyên gia Citigroup, dẫn đầu là nhà chiến lược Kathleen Boyle, dự báo.

{keywords}
Biến động giá của Bitcoin trong vòng bảy ngày qua. Ảnh: Coindesk.

"Nhu cầu đối với Bitcoin của các nhà đầu tư lẻ ngày càng gia tăng, trong khi sự quan tâm của những tên tuổi lớn cũng nhiều hơn. Trước mắt, đồng tiền này không đứng trước rủi ro pháp lý nào", ông Moya nhận xét.

Dĩ nhiên, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới cũng gặp phải một số rủi ro. Mới đây nhất là bình luận của ông Gary Gensler - người đứng đầu tương lai của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ - ở phiên điều trần của Thượng viện Mỹ.

Theo đó, ông Gensler thừa nhận rằng việc "đảm bảo thị trường tiền mã hóa không có gian lận hay bị thao túng" là một thách thức. "Tuy nhiên, ông này vẫn được coi là thân thiện với tiền mã hóa và hỗ trợ cho môi trường thúc đẩy loại tiền này", vị chuyên gia tại Oanda giải thích.

Thị trường trái phiếu dậy sóng

Một số chuyên gia cho rằng Bitcoin không thể trở lại ngưỡng kỷ lục vì lãi suất trái phiếu Mỹ phục hồi. Bitcoin và cổ phiếu - nhất là các cổ phiếu công nghệ - đã đối mặt với áp lực bán tháo mạnh hồi tuần trước. Giá Bitcoin lao dốc đến hơn 21%. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 tháng.

Diễn biến của thị tường trái phiếu gợi nhắc các nhà đầu tư về sự kiện "taper tantrum" hồi năm 2013. Vào thời điểm đó, FED công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu, khiến lãi suất tăng vọt, dẫn đến sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.

Nếu kịch bản này lặp lại, các cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa có thể chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Đó là những tài sản hưởng lợi nhiều nhất từ lãi suất thấp.

Trong vòng 12 tháng qua, Bitcoin và hàng loạt đồng tiền mã hóa leo dốc mạnh nhờ nguồn cung tiền tăng vọt trên toàn cầu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết duy trì lãi suất thấp trong dài hạn. Bitcoin được xem là hàng rào chống rủi ro lạm phát. Trong khi đó, lãi suất thấp giúp chi phí cơ hội của việc nắm giữ Bitcoin giảm.

Một khi lạm phát xảy ra, FED có thể phải đảo ngược các chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa và nhanh chóng tăng lãi suất.

{keywords}
Khi nỗi sợ trên thị trường trái phiếu qua đi, giá Bitcoin có thể tăng mạnh trở lại. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy FED sẽ cắt giảm kích thích và tăng lãi suất. "Chủ tịch FED Ferome Powell vẫn lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng tiền lương chậm chạp", ông David Norris, người đứng đầu US Credit tại TwentyFour Asset Management, giải thích.

"Một khi Chủ tịch FED trấn an các nhà đầu tư và mang sự bình tĩnh trở lại thị trường trái phiếu, Bitcoin sẽ được tiếp thêm nhiều nhiệt lượng", chuyên gia Moya tại Oanda nói với Zing.

"Đà tăng điên cuồng của Bitcoin có thể kéo dài thêm một thời gian nữa. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự suy giảm thanh khoản khi lượng tiền lớn đổ vào lấn át nguồn cung có sẵn hạn chế", ông nói thêm.

(Theo Zing)