Nhiều tuyến cao tốc hiện nay chưa có trạm dừng nghỉ, thậm chí tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Dầu Giây dài 200km cũng không có trạm dừng nghỉ nào. Điều này khiến tài xế và hành khách bức xúc khi lâm vào tình cảnh bức bí phải nhịn đi vệ sinh.
Bức bí mà không có chỗ "xả"
Thời gian qua, một loạt tuyến cao tốc dù đã hoàn thiện đưa vào khai thác như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi... nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Thậm chí tại tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Dầu Giây dài 200km nhưng cũng không có trạm dừng nghỉ nào. Điều này gây phiền toái, bức bí cho tài xế và hành khách.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, việc di chuyển trên tuyến đường dài 200km mà không có trạm dừng nghỉ là rất nguy hiểm cho lái xe.
Bởi vì cả tuyến đường dài, lái xe không dừng nghỉ sẽ mỏi mắt, mệt mỏi. Chưa kể, tài xế phải dừng các điểm khẩn cấp để đi vệ sinh. Việc này vừa mất mỹ quan vừa gây nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.
Tuần trước, gia đình anh Hải từ Hà Nội vào Nghệ An qua cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Chưa kịp tận hưởng lái xe trên cung đường đẹp, vắng thì anh Hải đã “dở khóc, dở cười” khi cậu con trai 8 tuổi muốn đi vệ sinh.
“Tôi bảo con cố nhịn. Chạy miệt mài gần hết cao tốc qua địa phận Ninh Bình vào đến Thanh Hóa hơn 50km mà vẫn không có trạm dừng nghỉ nào. Cực chẳng đã, tôi đành phải tấp vàovịnh khẩn cấp để cho con xuống “giải quyết”. Biết là không đúng quy định nhưng chẳng còn cách nào”, anh Hải nói.
Sau “sự cố” ấy, tài xế này nhận thấy sự thiếu đồng bộ trong việc làm đường cao tốc. Anh cho rằng, đây là điển hình của việc quy hoạch không đồng bộ từ khi làm dự án.
“Cao tốc mà không có trạm dừng nghỉ, không có cây xăng thì thực sự nguy hiểm. Việc di chuyển trên một tuyến đường dài sẽ không tránh được những lúc mệt mỏi, hay phương tiện hết xăng”, anh Hải nói.
Theo anh Hải, đây được xem là lỗi lớn trong công tác phê duyệt, triển khai dự án của ngành GTVT. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT, chính quyền địa phương có cao tốc đi qua cần nhanh chóng có các giải pháp cấp bách cho vấn đề này. “Chúng ta không nên thông xe khi chưa có trạm dừng nghỉ”, anh Hải kiến nghị.
Cần tăng tốc các thủ tục hành chính
Chiều 15/7, trao đổi với phóng viên VietNamNet về vấn đề này, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, chức năng của đường cao tốc là chạy liên tục với vận tốc cao, lái xe chỉ được dừng ở những điểm cố định đã được quy ước.
“Lái xe, hành khách, kể cả máy móc ô tô cũng cần có thời gian dừng nghỉ nhất định. Vì thế trong tiêu chuẩn đường cao tốc quy định khoảng cách từ 60km – 120km có thể tìm thấy điểm dừng cần thiết. Trong đó, khoảng cách 60km cần có những điểm dừng phục vụ sinh hoạt thông thường của người dân (nghỉ ngơi, uống nước, nhà vệ sinh,…); khoảng cách 120km trở lên cần những trạm dừng nghỉ lớn hơn (có cây xăng, nhà nghỉ)”, PGS. TS Trần Chủng nói.
Căn cứ những tiêu chí trên, PGS. TS Trần Chủng nhấn mạnh, trạm dừng nghỉ là một hạng mục công trình không thể tách rời với hệ thống đường cao tốc.
“Chúng ta không nên có tư duy cứ làm đường còn trạm dừng nghỉ không có. Hiện nay đang xảy ra tình trạng chỉ chú tâm vào làm đường. Vấn đề này dư luận cũng có nhiều ý kiến nhưng thời gian vừa qua không triển khai được bao nhiêu”, PGS. TS Trần Chủng nói.
Ông Chủng cho biết, trước đây ông đã nhiều lần kiến nghị quy hoạch hệ thống đường cao tốc cần phải kèm luôn những giải pháp, phương án về quy hoạch trạm dừng nghỉ. Ở nước ngoài, một số nước quy định lái xe đi 400km là phải dừng nghỉ. Lái xe phải lập lộ trình để trên đường đi mấy trăm km sẽ dừng nghỉ ở trạm nào.
“Đầu tiên phải có quy hoạch. Sau khi có quy hoạch phải có phương án đầu tư.
Trong phương thức đầu tư có 2 hình thức là Nhà nước và đối tác công tư. Với những công trình đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, trạm dừng nghỉ là công trình mới, dự án mới thì phải để xã hội, doanh nghiệp đầu tư thông qua đấu thầu.
Đối với những tuyến cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhà đầu tư đoạn cao tốc đó được quyền/phải xây dựng trạm dừng nghỉ (quy định tại Điều 48, Luật Giao thông đường bộ). Vị trí trạm dừng nghỉ này phải nằm trong quy hoạch.
Tất nhiên trạm dừng nghỉ ấy không nằm trong tổng mức đầu tư của đường cao tốc. Trạm dừng nghỉ như một nguồn tạo thêm thu nhập cho các nhà đầu tư thông qua phục vụ dịch vụ dọc tuyến”, PGS. TS Trần Chủng nói.
Theo PGS. TS Trần Chủng, cách làm của chúng ta hiện đang “rất lúng túng bởi những thủ tục hành chính, trong đó có chuyện đấu thầu hay lựa chọn ai làm các trạm dừng nghỉ”.
Để giải bài toán thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc hiện nay, cần ưu tiên cho những vị trí cấp bách, lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai.
“Trình tự vẫn phải tuân thủ nhưng cơ quan quản lý có thể rút ngắn các thủ tục hành chính. Một dự án đầu tư xây dựng vẫn phải lên phương án thiết kế, phê duyệt, nhưng cần nhanh hơn. Tôi nói rất nhiều lần rằng, muốn làm cao tốc thì cũng cần phải “cao tốc” ngay từ các thủ tục hành chính, nghĩa là cơ quan quản lý cần phải tăng tốc các thủ tục hành chính”, PGS. TS Trần Chủng nói.
Theo quy định của Bộ GTVT, việc bố trí trạm dừng nghỉ phải tuân thủ về khoảng cách, trung bình 50-60km/trạm.
Trên tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ có 39 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 5 dự án đã được đầu tư và đưa vào khai thác, 2 dự án đang được đầu tư và 32 trạm dừng nghỉ còn lại đang được thẩm định.
Vào tháng 4/2023, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận vị trí, quy mô 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại các tuyến: Mai Sơn - QL45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây. Tuy nhiên, đến nay vẫn vướng nhiều thủ tục chưa thể triển khai.