Vào ngày 7/5/1945, Đức ký kết đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh ở Reims, Pháp, kết thúc Thế chiến II và Đệ tam Quốc xã. Hay sự kiện đó đã xảy ra vào ngày 9/5 tại Berlin?
Do khác biệt ý thức hệ, cuộc đua tranh giữa Liên Xô và các nước Đồng minh, cộng với bài học để lại từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Đức thực sự đã phải đầu hàng hai lần.
Khi một chiến thắng của lực lượng Đồng minh đang trở nên ngày càng chắc chắn vào năm 1944 và 1945, Mỹ, Pháp và Anh đã nảy ra những ý tưởng về các điều khoản đầu hàng của Đức. Nhưng tới thời điểm Adolf Hitler tự tử trong boongke ở Berlin vào ngày 30/4/1945, thì vẫn chưa rõ việc ký kết đầu hàng quân sự hay chính trị sẽ được dàn xếp ra sao.
Trước đó, Hitler đã chỉ định Đô đốc hải quân Karl Dönitz, một phần tử phát xít hăng hái, làm người kế vị trong trường hợp hắn ta chết. Nhưng không phải Dönitz được giao phó để lãnh đạo một nước Đức mới, mà là chịu trách nhiệm dàn xếp một cuộc giải thể của chế độ phát xít. Ông ta nhanh chóng cử Alfred Jodl, Tổng tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Đức, tới trụ sở của Tướng Mỹ Dwight Eisenhower ở Reims (Pháp), để đàm phán đầu hàng toàn bộ lực lượng Đức.
Hitler (phải) quan sát Dinh Thủ tướng Đức bị phá huỷ ở Berlin vào tháng 4/1945, không lâu trước khi hắn tự sát. Ảnh: AP |
Ban đầu Dönitz hy vọng các cuộc đàm phán sẽ cho ông ta thêm thời gian để đưa càng nhiều càng tốt người và quân đội Đức ra khỏi đường tiến quân của người Nga ở mặt trận phía Đông. Dönitz cũng hy vọng thuyết phục được Mỹ, Anh và Pháp, tất cả những bên không tin tưởng Liên Xô, sẽ quay sang chống lại Liên Xô để Đức có thể tiếp tục cuộc chiến trên mặt trận đó. Nhưng Eisenhower đã nhìn thấu mưu đồ của hắn và nhất quyết đòi Jodl ký ngay một văn bản đầu hàng vô điều kiện, không qua đàm phán.
Vì thế vào lúc 2h41 ngày 7/5, Alfred Jodl đã đại diện Đức, ký “Đạo luật đầu hàng quân sự” vô điều kiện với Tổng tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao lực lượng Đồng minh – tướng Mỹ Walter Bedell Smith, trong khi tướng Nga Ivan Susloparov và tướng Pháp Francois Sevez ký chứng thực.
Tướng Đức Alfred Jodl ký đầu hàng tại trụ sở của tướng Mỹ Eisenhower ở Rheims, Pháp ngày 7/5/1945. Bên trái là Tướng Wilhelm Oxenius đại diện Không quân Đức và bên phải là Hans-Georg von Friedeburg, đại diện Hải quân Đức. Ảnh: AP |
Trước đó, Susloparov đã gửi điện khẩn về Moskva xin chỉ thị, nhưng đến giờ ký ông vẫn chưa nhận được hồi âm. Susloparov quyết định ký Đạo luật đầu hàng, để tránh việc quân đội Đức sẽ tiếp tục chiến đấu chỉ chống lại Hồng quân Liên Xô.
Cũng theo văn bản đầu hàng, một lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc 23h01 theo giờ Trung Âu ngày 8/5.
Khi nghe tin Jodl đã ký kết đầu hàng vô điều kiện toàn bộ lực lượng Đức ở Reims (Pháp), lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã rất tức giận. Stalin cho rằng Liên Xô mới là bên chịu mất mát, hy sinh lớn nhất về cả quân đội và thường dân trong chiến tranh, nên vị chỉ huy quân sự quan trọng nhất của họ phải là người có quyền chấp nhận cho Đức đầu hàng, thay vì chỉ một sĩ quan Liên Xô chứng kiến lễ ký ở Reims.
Stalin cũng phản đối rằng Jodl không phải là quan chức quân sự cấp cao nhất của Đức để có quyền ký văn bản đầu hàng - một lập luận thuyết phục hầu hết lực lượng Đồng minh, vì tất cả họ vẫn còn nhớ bài học ký kết đình chiến kết thúc Thế chiến 1 đã giúp reo rắc mầm mống cho cuộc chiến thế giới tiếp theo ra sao. Năm 1918, khi đứng bên bờ vực thất bại, Đế quốc Phổ sụp đổ và được thay thế bằng một nước cộng hòa nghị viện. Matthias Erzberger, tân Bộ trưởng ngoại giao Đức, đã ký hiệp định đình chiến Compiègne, trong đó Berlin chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
Quyết định đầu hàng này là một cú sốc với hầu hết người dân Đức, những người được thông tin là quân đội của họ vẫn đang trên đà chiến thắng. Do đó, nhiều tin đồn bắt đầu lan truyền rằng chính phủ dân sự mới của Đức đã “đâm sau lưng” quân đội. Erzberger cuối cùng bị giết hại vì mối ngờ vực này khi các đảng viên đảng Quốc xã Mới tìm cách giành lại quyền lực.
Tham mưu trưởng Không quân Đức Stumpf, Thống chế Đức Wilhelm Keitel (giữa) và Đô đốc Friedeburg tới tổng hành dinh Hồng quân ở Berlin trước lễ ký đầu hàng lần thứ hai, ngày 8/5/1945. Ảnh: History |
Lãnh đạo Xô viết Stalin lập luận rằng việc cho phép Jodl đầu hàng toàn bộ lực lượng Đức trong Thế chiến II có thể mở ra một mối nghi ngờ “đâm sau lưng” mới nhằm vào Dönitz, vốn là nguyên thủ quốc gia dân sự của Đức khi đó. Lo ngại rằng Đức có thể một lần nữa tuyên bố việc ký kết đầu hàng là bất hợp pháp nếu bất cứ ai ngoài Thống chế Wilhelm Keitel - Chỉ huy tối cao của tất cả các lực lượng Đức, đích thân ký vào văn bản, các lãnh đạo phe Đồng minh quyết định thực hiện lại việc ký kết đầu hàng.
Vào ngày 8/5, Thống chế Đức Keitel di chuyển đến Karlshorst, ngoại ô Berlin, để ký vào văn bản đầu hàng trước Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov và một phái đoàn nhỏ các nước Đồng minh. Nhưng Keitel đã đưa ra một đề nghị, mong muốn bổ sung một điều khoản cho phép binh sĩ của mình thời gian ân hạn ít nhất là 12 tiếng để đảm bảo họ nhận được lệnh ngừng bắn trước khi phải đối mặt với bất kỳ hình phạt nào vì tiếp tục chiến đấu. Nguyên soái Zhukov cuối cùng chỉ chấp nhận đưa ra một lời hứa bằng lời nói chứ không bổ sung điều khoản. Do sự chậm trễ, văn kiện đầu hàng đã không được ký cho đến sau khi lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, vào lúc đã bước sang ngày 9/5.
Thống chế ĐứcWilhelm Keitel ký văn kiện đầu hàng tại Berlin khi đã bước sang ngày 9/5/1945. Ảnh: History |
Buổi lễ ký kết Đạo luật đầu hàng lần thứ hai diễn ra tại một trong số ít các tòa nhà còn sót lại ở thành Berlin đổ nát. Đại diện chính thức bên phe chiến thắng là Nguyên soái Liên Xô Zhukov, trong khi đại diện Bộ Tư lệnh tối cao của Lực lượng viễn chinh Đồng minh - Nguyên soái Không quân William Tedder (Anh), Tướng Không quân Mỹ Carl Spaatz và Tư lệnh Quân đội Pháp, Tướng Jean Latre de Tassigny có mặt với tư cách nhân chứng; Đại diện bên bại trận là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh tối cao Quân đội Đức - Thống chế Wilhelm Keitel, trong khi Tham mưu trưởng Không quân, tướng Hans Jürgen Stumpf và Đô đốc Friedeburg làm chứng.
Do những tranh cãi từ việc ai đặt bút ký bên phe Đồng minh và các văn bản phải soạn đi soạn lại, dịch ra ba bản tiếng Đức, Anh và Nga nên khi lễ ký kết thúc thì đã là ngày 9/5 mặc dù văn bản vẫn đề ngày 8/5.
Kể từ đó đến nay, Nga và nhiều nước kỷ niệm ngày 9/5 là Ngày Chiến thắng phát xít, trong khi với một số nước, Ngày Chiến thắng được tổ chức vào 8/5, ngày lệnh ngừng bắn chính thức bắt đầu.
Theo baotintuc.vn