Dù ít, dù nhiều thì hầu hết chúng ta đều sử dụng một mạng xã hội nào đó. Điều này chẳng có gì sai bởi trong một xã hội mà công nghệ thông tin phát triển rất mạnh thì mạng xã hội như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng theo rất nhiều nghiên cứu gần đây thì nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý con người, trầm cảm, khiến sức khỏe đi theo chiều hướng tiêu cực.
Nguy cơ của mạng xã hội là gì?
Việc sử dụng mạng xã hội có liên quan đến sự gia tăng của cảm xúc tiêu cực và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ví dụ, một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng có mối liên hệ mạnh mẽ giữa việc sử dụng mạng xã hội và chứng trầm cảm. Hơn nữa nó cũng liên quan đến một loạt các vấn đề khác của cơ thể như: cảm giác lo lắng, cảm giác ghen tị, kiệt sức, gia tăng mức độ căng thẳng, giảm chất lượng giấc ngủ...
Sự liên kết giữa mạng xã hội với các vấn đề khác nhau của con người dẫn đến việc giới khoa học sử dụng các thuật ngữ như: ‘trầm cảm mạng xã hội' hay ‘nghiện mạng xã hội'... Ban đầu, hiện tượng này chỉ được gọi là ‘trầm cảm Facebook'. Nhưng rồi người ta nhận ra rằng kể cả việc sử dụng Instagram hay Twitter... cũng có những vấn đề tương tự. Thậm chí, với những trang web, ứng dụng không được coi là mạng xã hội thuần túy như Youtube hay Snapchat thì người dùng khi sử dụng quá nhiều vẫn có thể gặp những vấn đề về sức khỏe.
Thậm chí, một số hành động mà người ta hay làm trên mạng xã hội cũng có ảnh hưởng xấu đến bản thân. Ví dụ về điều này là việc chụp ảnh selfie quá nhiều đã được chứng minh là tăng sự nhạy cảm của mọi người và làm giảm lòng tự trọng của họ.
Tại sao tác động xấu mà người ta vẫn dùng mạng xã hội?
Lý do đơn giản nhất là người dùng mạng xã hội không hề biết đến những ảnh hưởng xấu mà nó gây ra. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội thường xuyên dù biết không tốt cho bản thân.
Ví dụ thực tế nhất chính là việc nghiên cứu chỉ ra rằng rất nhiều người tiếp tục sử dụng Facebook mặc dù thực tế điều đó khiến họ cảm thấy tồi tệ. Nguyên nhân chỉ ra rằng họ mong muốn nó sẽ khiến bản thân thoải mái hơn, dù rằng điều đó gần như không bao giờ xảy ra.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng ‘nỗi sợ bị bỏ lỡ' cũng là nguyên nhân chính khiến người ta tiếp tục sử dụng mạng xã hội. Mọi người lo sợ khi không sử dụng nữa thì bạn bè không nhớ đến mình nữa, sợ bỏ qua gì đó thú vị... Nỗi sợ đó khiến người ta dù đã cố gắng bỏ, thậm chí là khóa tài khoản nhưng rồi cuối cùng vẫn sử dụng. Thậm chí sau mỗi lần bỏ thì khi quay lại còn sử dụng nhiều hơn. Từ góc độ tâm lý, có những người rất dễ bị tổn thương khi dùng mạng xã hội, bao gồm:
• Người bị trầm cảm
• Người đang không hài lòng với cuộc sống
• Người cô đơn
• Người có sự tự ái cao
• Người hay bị so sánh với người khác
Làm sao để biết mạng xã hội đang ảnh hưởng xấu tới bản thân?
Một bảng câu hỏi ngắn được phát triển bởi các nhà tâm lý học sẽ giúp bạn biết mình có đang bị mạng xã hội ảnh hưởng xấu không. Hãy xem các câu hỏi dưới đây và tự hỏi xem bản thân có gặp phải vấn đề đó không, ở mức độ nào:
• Bạn có thường xuyên cảm thấy rằng bản thân lúc nào cũng muốn sử dụng mạng xã hội hay không?
• Bạn có thường xuyên cảm thấy không hài lòng và muốn dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội không?
• Bạn có thường cảm thấy tồi tệ khi dùng mạng xã hội không?
• Bạn có từng cố gắng dành ít thời gian hơn cho mạng xã hội nhưng không thành công?
• Bạn có thường xuyên bỏ bê các hoạt động khác vì muốn sử dụng mạng xã hội?
• Bạn có thường xuyên nói dối gia đình, bạn bè hay đối tác của mình về lượng thời gian dành cho mạng xã hội không?
• Bạn có thường xuyên dùng mạng xã hội để thoát khỏi cảm giác tiêu cực?
• Bạn có mâu thuẫn với gia đình, bạn bè hoặc đối tác do bản thân sử dụng mạng xã hội?
Câu trả lời là ‘có' ở bảng hỏi vừa nêu càng nhiều thì ảnh hưởng tiêu tực của mạng xã hội đến với bạn càng lớn. Và hãy nhớ rằng ngay cả khi sử dụng mạng xã hội không khiến bạn cảm thấy tiêu cực thì cũng nên tự hỏi bản thân dùng nó thì có cảm thấy tốt hơn không, có đáng để dành thời gian không?
Giảm thời gian dùng mạng xã hội
Nói chung, càng ít dùng mạng xã hội, bạn sẽ càng ít chịu tác động tiêu cực của nó. Việc giảm thiểu này nên được bao hàm trên các phương diện khác nhau như số lượng mạng xã hội sử dụng, tình huống sử dụng và loại thông tin chia sẻ.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ thực hiện bởi nhiều người sẽ ‘tái nghiện' sau một thời gian không lâu. Vì vậy, bạn cần phải lập cho mình những mục tiêu cụ thể, có quyết tâm cao hoặc áp dụng một cách khoa học. Ví dụ, bạn có thể giới hạn chỉ sử dụng 2 loại mạng xã hội hoặc xóa tất cả các ứng dụng ra khỏi điện thoại...
Tập trung vào việc sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực
Nếu không muốn giảm thời gian dùng mạng xã hội thì hãy sử dụng nó theo hướng tích cực. Dù gì mạng xã hội vẫn có những lợi ích cực tốt như hình thành và tạo nên sự kết nối với những người khác. Vì vậy, nếu dùng nó hợp lý thì bạn cũng có thể có các tương tác xã hội tích cực và đôi khi là giúp giảm cảm giác cô đơn.
Vì vậy, nếu không muốn giảm thời gian sử dụng thì bạn hãy dùng mạng xã hội theo hướng tích cực hơn. Ví dụ, bạn có thể ít chụp ảnh selfie để đăng facebook đi và dành thời gian đó để trò chuyện, thảo luận với bạn bè trên mạng xã hội về những sở thích chung...