Thị trường BĐS Tp.HCM đang xuất hiện những gam màu xám. Đó là, số lượng dự án BĐS bị ngưng triển khai đang có xu hướng tăng, theo Sở Xây dựng thì con số này hiện nay đã trên 500 dự án.
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, trong 9 tháng năm 2015 đơn vị này đã thẩm định trình UBND thành phố 78 dự án phát triển khu đô thị, nhà ở mới. Trong đó, có 31 hồ sơ công nhận chủ đầu tư, diện tích sàn xây dựng tăng trên 5,9 triệu m2, tổng mức đầu tư dự kiến tăng trên 14 nghìn tỷ đồng.
Những giải pháp căn bản hỗ trợ thị trường BĐS, nhất là cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đã được đề cập trong các của Chính phủ, vấn đề là chậm triển khai. Các doanh nghiệp đều có kỳ vọng sẽ có sự nới lỏng ra, thông thoáng và phù hợp thực tế hơn.
Hơn 40% dự án phải tạm dừng
Thị trường BĐS cả nước nói chung, Tp.HCM nói riêng đã thoát đáy và đang trong chu kỳ phục hồi mạnh. Dòng vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đổ vào thị trường BĐS đã vượt con số 2 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đăng ký.
Ngoài ra, chính sách cho Việt kiều, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở cũng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường BĐS. Mới đây, Việt Nam đã hoàn tất các phiên đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), và sắp tới trở thành thành viên quan trọng của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC)…sẽ đẩy nhu cầu về nhà ở tăng mạnh.
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, trong 9 tháng năm 2015 đơn vị này đã thẩm định trình UBND thành phố 78 dự án phát triển khu đô thị, nhà ở mới. Trong đó, có 31 hồ sơ công nhận chủ đầu tư, diện tích sàn xây dựng tăng trên 5,9 triệu m2, tổng mức đầu tư dự kiến tăng trên 14 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có 47 hồ sơ chấp thuận đầu tư, tăng 14 dự án so với cùng kỳ, diện tích sàn xây dựng tăng 1,9 triệu m2, quy mô tăng 16.836 căn hộ chung cư, 1.531 nhà ở riêng lẻ, với tổng mức đầu tư khoảng 61 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, mức tiêu thụ căn hộ tại thành phố đã tăng mạnh trở lại trong một khoảng thời gian dài, nhưng trong số 1.219 dự án phát triển nhà ở vẫn có đến 405 dự án chưa khởi công. Với 325 dự án đã khởi công cũng có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Tính cả các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án, chiếm 41%.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Là người nghiên cứu khá kỹ về con đường thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư dự án BĐS, ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch Hội BĐS Du lịch Việt Nam (VNTPA) cho biết một dự án đầu tư liên quan ít nhất 12 cơ quan ban ngành ở địa phương, có đến 22/44 nhóm công việc lớn phải làm gắn trực tiếp với sự quản lý và phê duyệt của chính quyền.
Còn TS. Phạm Thái Sơn thuộc Đại học Việt – Đức cũng cho rằng tồn tại đầu tiên trong công tác phát triển dự án nhà ở tại Tp.HCM là thời gian phát triển dự án kéo dài. Theo đó, trước khi có thể khởi công công trình phải tiến hành đăng ký đầu tư; tiếp nhận thông tin và chỉ tiêu quy hoạch; thủ tục công nhận chủ đầu tư; lập quy hoạch 1/500; thủ tục chấp thuận đầu tư; thẩm định và phê duyệt dự án; nhận quyết định giao, cho thuê đất...
Theo đó, với quy trình này, một dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước, có quy mô nhỏ hơn 20 ha, thời gian làm thủ tục hành chính theo quy định sẽ mất khoảng 464 ngày làm việc. Dự án quy mô từ 20 - 100 ha sẽ mất 486 ngày. Các dự án thực hiện thông qua hình thức đấu thầu với quy mô từ 20 - 100 ha sẽ cần khoảng 605 ngày làm việc.
Do thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của một dự án kéo dài nên thời gian qua số lượng dự án bị thu hồi do tiến độ chậm trễ tăng vọt. Nếu như vào cuối năm 2013 chỉ có 85 dự án bị thu hồi thì đến tháng 7/2014 con số này là 162 dự án và đến tháng 8/2018 con số này lên đến 189 dự án.
Giải pháp căn cơ để cứu DN
Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc Quỹ Jen Capital, cho biết: “Thị trường BĐS Việt Nam nếu nhìn về 5 năm nữa vẫn là lĩnh vực thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian gần đây, có rất nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới đến tìm hiểu và có chiến lược thâm nhập thị trường chúng ta. Tuy nhiên, đối với một dự án có sẵn hoặc khu đất để phát triển mà thủ tục kéo dài trên 2 năm là họ không bao giờ đeo đuổi”.
Còn theo ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư thuộc Quỹ Dragon Capital, nhà nước cần phải “tháo khoán” và minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư dự án BĐS. Bởi vì, các nhà đầu tư có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào tính rõ ràng và nhanh chóng của các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án, nhất là công tác đền bù giải tỏa phải được thực hiện nhanh nhất có thể.
Đánh giá tổng thể, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận xét rằng, những giải pháp căn bản hỗ trợ thị trường BĐS, nhất là cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đã được đề cập trong các của Chính phủ, vấn đề là chậm triển khai. Các doanh nghiệp đều có kỳ vọng sẽ có sự nới lỏng ra, thông thoáng và phù hợp thực tế hơn.
Ông Châu đưa ra giải pháp, theo Luật Đất đai 2013, phần lớn các dự án BĐS tại thành phố được thực hiện theo phương thức Nhà nước thu hồi đất. Về khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khi tính tiền sử dụng đất, thành phố cũng cần có cơ chế để xác định chi phí mà doanh nghiệp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng một cách hợp lý, nhằm khắc phục triệt để tình trạng chủ dự án phải mua đất hai lần như hiện nay. Từ đó, các nhà đầu tư có điều kiện thuận tiện đễ đẩy nhanh thời gian thực hiện xây dựng dự án, đưa sản phẩm nhà ở ra thị trường và cuối cùng là giải quyết tốt bài toán đầu ra – đầu vào.
Theo Trí thức trẻ