Không biết các bạn thấy sao, nhưng cá nhân tôi, vốn là một người vừa mê game, vừa yêu thích những thiết bị công nghệ, ngay từ lần đầu tiên được đọc những tin tức về cỗ máy NES Classic, ngay lập tức một cảm giác rất kỳ lạ ùa về, chẳng kém gì ngày một đồng nghiệp mang lên văn phòng chiếc máy Gameboy Advance cũ kỹ màn hình màu nhưng không có đèn nền, muốn chơi đêm là phải rọi sáng vào cả.
Hàng năm, hàng chục, thậm chí hàng trăm thiết bị mới toanh ra mắt hàng năm, nhưng không có một cỗ máy nào đem lại cảm giác hào hứng và sau này là nhớ nhung về những miền ký ức xa xăm của tuổi thơ như cỗ máy "vàng xỉn" lần đầu bạn được chơi ở nhà ông anh hàng xóm, phải cầm tay 2 và liên tục bị "chửi": "Ơ kìa đi đi chứ, sao mày lại kéo màn hình thế anh chết bây giờ!!"
Đó chính là cảm giác của tôi khi ngày ngày lướt web tìm kiếm những hình ảnh chiếc máy NES Classic. Khi nó ra mắt, chắc chắn tôi sẽ mua ngay lập tức không cần suy nghĩ. Và đây là lý do tôi chọn chiếc máy xinh xắn đáng yêu này thay vì PS4 tân thời với hàng loạt tựa game đẹp lung linh:
Nó rẻ, quá rẻ so với quy định
Thế này nhé, với cái giá 1,3 triệu Đồng, nếu bạn là game thủ PC hoặc PS4, bạn sẽ chỉ mua được một tựa game bản quyền mới sắp ra mắt mà thôi. Trong khi đó, cũng số tiền đó, bạn có... 30 game, và hẳn một chiếc máy có tay cầm kèm cáp lắp vào TV hoặc màn hình máy tính qua cổng HDMI chơi game thả ga. Mức giá này, so sánh trực tiếp có lẽ chỉ có ra chợ trời mua PS2 cũ về cắm màn hình CRT mới có thể so sánh nổi.
Mất tới 2 thập niên, chiếc máy chơi game điện tử 4 nút huyền thoại một thời mới chính thức được cha đẻ của nó hồi sinh để cạnh tranh lại vô vàn những phiên bản clone của các hãng khác trên thị trường để đem lại trải nghiệm "tuổi thơ dữ dội" cho vô vàn game thủ già đã quá quen với những Mario, Contra, hay những huyền thoại từ thập niên 80 và 90...
Và đó cũng là lúc, Nintendo nhận ra nguồn lợi của việc "nhai lại" sản phẩm cũ, để khai thác thị trường game thủ hoài cổ. Mức giá 1,3 triệu Đồng là quá hợp lý để "moi tiền" những ông già bà cả mê game 8 bit một thời. Nó vừa rẻ hơn những chiếc điện thoại Android có thể cài giả lập NES hay SNES thuở xưa lẫn những máy chơi game hiện đại. Có thể nói, những sản phẩm mà NES Classic cạnh tranh trực tiếp là những cỗ máy "clone", và những chiếc máy chơi game cũ kỹ bán ngoài chợ đồ cũ những ngày cuối tuần mà mua về chưa chắc cắm vào TV đã chạy.
Nếu so sánh với PS4, thì khoản tiền đầu tư có thể lên tới 10 lần con số đó. Đầu tiên là 7,5 triệu Đồng mua máy, 1,4 triệu Đồng mua thêm một chiếc tay cầm vì máy gốc chỉ đi kèm 1 tay, và bạn sẽ không muốn mua PS4 về chơi một mình. Kế đến là 3 đến 4 triệu Đồng mua vài đĩa game hoặc key game bản quyền. Mới nghe qua đã thấy hãi chứ chưa nói đến chuyện rút ví.
"Cho tôi một vé đi tuổi thơ"
Tựa đề cuốn sách dành cho tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hóa ra lại phù hợp với hoàn cảnh này hơn cả. Vừa mới thổ lộ với đứa bạn thân chơi với nhau ngót nghét 20 năm trời rằng tôi muốn xúc một bộ SNES hay PS2 gì đó rẻ tiền về cắm TV chơi cho đỡ buồn trong ngày nghỉ hoặc sau khi đi làm về, thì nó đã kịp phủ đầu tôi bằng một tràng cười như điên như dại. Cũng phải thôi, giờ này làm gì còn mấy người có NES hay SNES để chơi đâu cơ chứ.
Mà để các bạn dễ hiểu, quả thật cũng phải nhắc lại một chút. Ở Việt Nam game thủ gần như có thể được chia thành 3 dạng. Một là những kẻ cuồng những sản phẩm mới. Có máy mới đủ khỏe là phải sở hữu, phải chơi được những tựa game đình đám bậc nhất bây giờ, không cần biết bằng cách nào và game có hợp gu hay không.
Thứ hai là những người cũng thích game hay, game đẹp, nhưng lại không có điều kiện tài chính để nuông chiều thú vui của họ. Và thứ ba là những người như chúng tôi, chơi mọi thứ đem lại niềm vui, vì suy cho cùng, chơi game cũng là một cách giết thời gian tuyệt vời, như lúc bạn ngồi ngoài ban công ngắm phố phường tập nập cạnh ấm trà, hay thưởng thức một bản nhạc hay phát ra từ bộ loa ưng cái bụng.
Mà đã là một thú vui thì cứ gì phải đắt tiền, phải đẹp, phải chất đến từng chi tiết? Bạn vẫn có thể ngâm nga một bài hát hay với tai nghe iPhone cơ mà, có thể hàn huyên tâm sự với bạn bè quanh cốc trà mạn 3 nghìn ở đầu ngõ, chứ đâu phải lúc nào cũng phải ấm trà đắt tiền, hay một góc sang trọng nào đó giữa lòng thủ đô mới có thể tận hưởng được những phút lặng của cuộc sống xô bồ?
Tương tự như vậy là tình yêu game. Chúng ta đã từng lớn lên với Mario, với Contra, với Rambo Lùn, cái thời mà ra hàng điện tử phải chắt chiu từng trăm đồng một chứ đừng nói đến tiền nghìn. Ấy vậy mà nỡ lòng nào quên đi cái quá khứ đẹp đẽ ấy, khi chúng ta có thể thả sức chìm vào thế giới ảo cho đến khi nào... bị bố mẹ bắt quả tang và xách tai về nhà cho một trận. Giờ nghĩ lại vẫn thấy vừa buồn cười vừa sợ.
Một lý do nữa cho việc máy chơi game cổ lên ngôi chính là tâm lý hoài cổ, thích sưu tập của một bộ phận game thủ Việt. Sở hữu những máy chơi game mới, những tựa game hiện đại thật sự quá đỗi đơn giản, chỉ cần đủ tiền là xong. Thế nhưng việc sở hữu lại những băng game cổ, những máy chơi game đã có 20 đến 30 năm tuổi đời nhưng vẫn hoạt động hoàn hảo dù bề ngoài có vẻ cũ kỹ lại là ước mơ của không ít người.