Nhiều nghiên cứu cho thấy thái độ và cách ứng xử chuyên nghiệp của cảnh sát đem lại nhiều điều tích cực cho xã hội.

Tại quốc gia nào cũng vậy, hoạt động của lực lượng cảnh sát luôn thu hút sự chú ý của công chúng cũng như truyền thông. Bởi vai trò của họ rất quan trọng, không chỉ có chức năng ngăn chặn, bắt giữ, điều tra tội phạm mà còn duy trì trật tự an toàn cho đời sống thường ngày của người dân.

Chính vì vậy, ở chừng mực nào đó, mối quan hệ giữa cảnh sát và công chúng cũng phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước, chính quyền với người dân. Ở Úc, có những chương trình truyền hình chuyên cung cấp những hoạt động công vụ của cảnh sát trên thực tế, nhằm giúp công chúng có cái nhìn chính xác về hoạt động của họ cũng như như tăng cường kiến thức pháp luật.

Vai trò và tính tương tác xã hội sâu rộng của hoạt động cảnh sát đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, trong đó, thái độ và cách hành xử trước công chúng là yếu tố rất quan trọng trong thi hành pháp luật. Theo một báo cáo về cảm nhận (khảo sát 1.529 người) của người dân đối với hoạt động của cảnh sát ở Úc, những nguyên nhân lớn nhất khiến công chúng không hài lòng là do lực lượng cảnh sát có thái độ không thân thiện, thô lỗ, ngạo mạn và ứng xử thiếu công bằng. Điều này được coi có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với việc yếu kém năng lực và hành xử không đúng pháp luật.[1]

Nhiều nghiên cứu cho thấy thái độ và cách ứng xử chuyên nghiệp của cảnh sát đem lại nhiều điều tích cực cho xã hội. Trước hết và quan trọng nhất, hành xử chuyên nghiệp và đúng quy trình luật định sẽ tăng cường tính chính đáng của họ trong mắt người dân, khiến người dân tích cực hợp tác.

Dù nhân viên công quyền thực hiện đúng quyền hạn theo pháp luật, thái độ thiếu thân thiện hoặc thô lỗ của họ dễ làm cho người dân mất thiện cảm và có xu hướng bất hợp tác, thậm chí chống đối. Một quyết định đúng pháp luật của công chức nhà nước cũng có thể không được tôn trọng và bị phản đối nếu đương sự cảm thấy trình tự giải quyết vụ việc thiếu công bằng, bình đẳng và tôn trọng.

Ngoài ra, sự thân thiện, tận tình của cảnh sát có thể khiến du khách tâm phục khẩu phục và có xu hướng tôn trọng pháp luật của quốc gia hay địa phương họ ghé thăm.

Người viết từng chứng kiến, nhân viên an ninh sân bay Thái Lan kiên nhẫn giải thích và chờ đợi các hành khách Việt Nam uống các chai nước, đồ ăn dạng lỏng (vì không được mang lên máy bay). Việc làm nhỏ này làm hành khách vui vẻ, thấm thía bài học kinh nghiệm hơn.

Còn ở Việt Nam, CSGT Đà Nẵng cũng nổi tiếng và tạo thiện cảm vì cách hành xử từng được coi là "chuyện lạ" với khách du lịch.

Những ví dụ trên thêm khẳng định sự đúng đắn của nguyên tắc pháp luật lấy thuyết phục thay vì cưỡng chế là cơ bản.

{keywords}

 CSGT Đà Nẵng được đánh giá là khá thân thiện với người dân các địa phương khác. Ảnh: Đinh Nga/ Báo CA Đà Nẵng

Bộ mặt của chính quyền

Là bộ mặt của chính quyền đồng thời thường xuyên giao tiếp với người dân, lực lượng cảnh sát cần đặc biệt chú trọng tính chuyên nghiệp trước những khiếu nại, tố cáo không thể tránh khỏi. Khi xảy ra khiếu nại, tố cáo về hành vi của nhân viên thực thi công vụ, các cơ quan chức năng cần giải quyết đúng quy định pháp luật và nghiêm minh trước những sai phạm của nhân viên đã được chứng minh.

Như trước vụ việc “gạt tay trúng má”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định chính xác rằng “việc xử lý cần nghiêm minh, công bằng, thuyết phục, xử sao cho cả người trong cuộc và ngoài cuộc tâm phục khẩu phục”.

Sự chuyên nghiệp còn thể hiện qua việc cơ quan chức năng cần khách quan nhìn vào sự thật vụ việc và chân thành xin lỗi nếu nếu thực sự có sai phạm. Sức mạnh không chỉ đến từ việc làm đúng, mà còn thể hiện qua sự nhìn thẳng vào sai sót để khắc phục.

Sự giám sát của công chúng và báo chí đối với hoạt động của cơ quan công quyền là vô cùng cần thiết trong một xã hội pháp quyền dân chủ. Thực ra chính quyền không cần dân khen nhiều, mà cần dân chỉ ra những sai sót, những điều chưa tốt để chính quyền làm tốt hơn. Khi dân chỉ tung hô hoặc e ngại góp ý với chính quyền mới đáng nghi ngại.

Nắm trong tay “quyền sinh quyền sát”, nên ở nước nào cũng vậy, quyền lực cảnh sát phải được kiểm soát chặt chẽ cả trong nội bộ cũng như từ xã hội. Do đó, sự quan tâm sát sao của công chúng, báo chí đối với hoạt động của lực lượng cảnh sát là việc cần thiết và được pháp luật bảo vệ.

Sự giám sát đó nhằm phòng chống lạm dụng quyền hạn, chống tham nhũng và tăng cường tính tuân thủ pháp luật và chuyên nghiệp của công quyền. Sự giám sát từ bên ngoài xã hội cũng cũng góp phần bổ khuyết cho giám sát nội bộ, vốn không thể theo sát mọi vụ việc. Một chính quyền chuyên nghiệp không những không hề e ngại sự giám sát của truyền thông đại chúng, mà còn hưởng lợi từ sự phê bình, phản biện đó.

Bùi Tiến Đạt

(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)


[1] Queensland Crime and Misconduct Commission, Public Perceptions of Queensland Police Service, 2011, tr. 15.