Nhưng nhiều tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore, một thỏa thuận hạt nhân vẫn rất khó nắm bắt.
Lính Hàn Quốc đứng gác ở làng đình chiến Panmunjom thuộc Vùng Phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. (Ảnh: Bloomberg) |
Tổng thống Mỹ đến nay vẫn thường nhắc đến việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa trong năm qua như một thành tích ngoại giao của ông. Phía Triều Tiên lại cáo buộc Washington theo đuổi “ngoại giao pháo hạm” khi chỉ đưa ra yêu sách mà không nhượng bộ.
Hiện ông Trump và ông Kim đang chuẩn bị gặp nhau lần 2. Tuy nhiên, hai bên vẫn gặp rất nhiều khó khăn cho việc đưa chi tiết vào xương sống trong tuyên bố đã ký ở Singapore.
Thỏa thuận yêu cầu những gì?
Bốn vấn đề: Bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, chính thức chấm dứt cuộc chiến 1950-1953, hồi hương hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh, và “làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Vấn đề là cụm từ “làm việc hướng tới“ rất mơ hồ. Chưa rõ liệu chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ Hàn Quốc có được tính đến hay không. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo khẳng định Chủ tịch Kim chấp nhận “phi hạt nhân hóa Triều Tiên dứt điểm và được kiểm chứng đầy đủ”. Bình Nhưỡng chỉ ra rằng thỏa thuận nhắc đến toàn bộ bán đảo Triều Tiên và khẳng định Mỹ đồng thời phải rút vũ khí, nếu không nước này sẽ dễ bị tấn công.
“Phi hạt nhân hóa“ đòi hỏi những gì?
Ngay từ đầu, Mỹ muốn Triều Tiên cung cấp danh sách các vũ khí, cơ sở và vật liệu mà nước này đã sản xuất.
Chính quyền Kim Jong Un gọi yêu cầu đó chẳng khác gì một “danh sách mục tiêu“. Theo các chuyên gia về phổ biến hạt nhân, các bước đi tiếp theo sẽ bao gồm thanh sát, đóng cửa các cơ sở và tiêu hủy vũ khí, thậm chí giao nộp vật liệu hạt nhân. Các cuộc đàm phán trước kia đều đã chùn lại trước vấn đề thanh sát và xác minh.
Triều Tiên muốn gì?
Triều Tiên muốn “các biện pháp tương ứng” hoặc giải thưởng ngay lập tức cho bất kỳ bước đi nào mà nước này thực hiện. Trong bài phát biểu đầu năm mới, Kim Jong Un dọa sẽ chọn “con đường mới” nếu Washington không nới lỏng cấm vận kinh tế. Ông tỏ tín hiệu rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần giảm bớt liên minh Mỹ - Hàn, kêu gọi Seoul không nối lại tập trận chung với Mỹ.
Kim Jong Un còn nói rõ, ông tin cam kết phi hạt nhân hóa bao gồm cả “các tài sản chiến lược” như các tàu chiến và máy bay mang hạt nhân của Mỹ.
Điều gì đã diễn ra kể từ hội nghị Singapore?
Các bước đi rất nhỏ. Hồi tháng 7, Bình Nhưỡng trao trả 55 hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, đàm phán chậm lại về hài cốt của hàng nghìn binh sĩ khác.
Kim Jong Un tuân thủ các cam kết không thử vũ khí hạt nhân và tháo dỡ các cơ sở thử nghiệm, nhưng đó là những gì ông đã cam kết thực hiện trước khi gặp Tổng thống Trump, tuyên bố giai đoạn thử nghiệm đã hoàn tất.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump tạm dừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính quyền của ông vẫn áp đặt thêm cấm vận lên Bình Nhưỡng trong nỗ lực duy trì áp lực.
Hai bên đang đối thoại?
Không nhiều ở cấp độ cao cho đến ngày 18/1 khi ông Trump gặp đại diện Triều Tiên Kim Yong Chol ở Nhà Trắng. Hai bên nhất trí sẽ tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 vào cuối tháng 1, với thời gian và địa điểm sớm được quyết định. Sau đó là các cuộc gặp giữa hai bên ở Stockholm.
Triều Tiên vẫn mở rộng năng lực hạt nhân?
Tổng thống Trump tuyên bố sau hội nghị ở Singapore rằng Triều Tiên không còn là một mối đe dọa hạt nhân nữa. Viễn cảnh chiến tranh dường như đã bị đẩy lùi, và thế giới chứng kiến dòng chảy ngoại giao chưa từng có với vô số các cuộc tiếp xúc và liên lạc.
Nhưng đến nay chưa ai có thể vạch ra được khung thời gian để Kim Jong Un từ bỏ vũ khí. Theo phân tích hình ảnh vệ tinh và thông tin rò rỉ từ tình báo Mỹ, Triều Tiên thậm chí vẫn tiếp tục củng cố và mở rộng năng lực hạt nhân.
Vì sao chiến tranh Triều tiên chưa chính thức chấm dứt?
Bởi các bên tham gia đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh – gồm Trung Quốc, Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu – đến nay vẫn chưa thể nhất trí về một hiệp ước hòa bình. Những gì được ký năm 1953 chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, ký một hiệp ước vào lúc này mà không có một thỏa thuận giải trừ vũ khí thì sẽ tiềm tàng rủi ro cho Mỹ, bởi nó hợp pháp hóa sự kiểm soát của ông Kim Jong Un với một nửa bán đảo và làm suy yếu lý do để Mỹ triển khai 28.000 lính ở Hàn Quốc.
Đến nay, Tổng thống Trump vẫn từ chối chấp nhận một tuyên bố hòa bình mang tính biểu tượng, khiến phía Bình Nhưỡng cáo buộc Washington phủi bỏ các cam kết của mình.
Thanh Hảo