Đi tìm câu trả lời cho việc chống ngập không chỉ ở Hà Nội mà ở TP.HCM và các đô thị trên cả nước. Các độc giả đã cho rằng vấn đề Quy hoạch đô thị có liên quan khiến những con đường ở Hà Nội mới xây dựng ngập úng khi mưa lớn...
Tôi giật mình nhưng cũng là điều rất tâm đắc của tôi với bài “Quy hoạch liều lĩnh khiến Hà Nội cứ mưa to là phố biến thành sông” trên VietNamNet ngày 1/6 của tác giả Kiên Trung qua ý kiến của Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh!
Tôi giật mình bởi KTS Trần Huy Ánh đưa ra những hình ảnh bản đồ địa hình và sơ đồ đê điều của Bắc Bộ lập năm 1905. Hình ảnh của Hà Nội trong trận lụt năm 1926, người Pháp đã đo đạc, thiết kế và xây dựng hệ thống thoát nước ở Hà Nội từ năm 1905, đến năm 1937 – 1941 mới hoàn thành...
Tôi rất tâm đắc với nhận định của KTS Trần Huy Ánh đánh giá Quy hoạch của Hà Nội là “quy hoạch bất chấp”, “bất chấp thể hiện ở chỗ: không theo quy luật tự nhiên, bất chấp địa hình địa mạo... Nó thể hiện sự manh mún chộp giật, tranh chấp với tự nhiên rõ rệt nhất”.
So sánh quy hoạch của Hà Nội do người Pháp lập “bao giờ cũng có bản thiết kế thoát nước đầu tiên, nét bút đầu tiên vẽ về quy hoạch là nét vẽ về hệ thống thoát nước rất bài bản, chủ động, chỉn chu, kể cả cách thoát nước ngầm, nước mặt, nước thải”. Còn cách làm quy hoạch tại các khu đô thị mới ở Hà Nội ngày nay là “cách xây dựng của những anh chàng nghiệp dư, chia lô bán nền...”!
Chúng ta đều biết, đất nước chúng ta từ Bắc đến Nam nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa nên việc mưa nắng là việc rất ảnh hưởng đến cuộc sống, đi lại! Tôi không dám bàn bạc và lý giải về quy hoạch đô thị. Bởi quy hoạch đô thị là mối quan hệ tổng hòa của nhiều lĩnh vực nên không thể bàn riêng lẻ của một lĩnh vực.
Nên để giải quyết vấn đề “mưa to phố ngập thành sông”. Trong phạm vi của bài viết này tôi chỉ đề cập đến một vấn đề: Thiết kế thoát nước mặt (là một trong 3 cách: thoát nước ngầm, thoát nước mặt, thoát nước thải ).
Đúng như ý kiến của KTS Trần Huy Ánh các phố cũ của Hà Nội, người Pháp đã xây dựng hệ thống cống thoát nước đi ngầm đổ ra sông Hồng. Chắc nhiều người chưa quên câu chuyện một số chiến sĩ cách mạng của ta trước năm 1954 bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò đã dùng hệ thống cống ngầm vượt ngục thành công; năm 1965 khi đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội đã có một số cuộc khảo sát cống ngầm trên một số tuyến phố, kết quả đã tìm được đường đi và cửa cống đổ nước ra sông Hồng ở khu vực bến phà Đen. Và hệ thống cống ngầm người đi lại thoải mái...Từ đó lý giải vì sao các tuyến phố cổ dù mưa to cũng không ngập!
Vấn đề quy hoạch đô thị ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành cần được chấn chỉnh. Nhưng chưa thể giải quyết được ngay, còn việc chống ngập ở các tuyến đường mới xây dựng ở Hà Nội nói riêng ở các đô thị nói chung cần phải được bàn định và giải quyết ngay. Bởi nó ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trật tự và mỹ quan đô thị. Do vậy tôi đề nghị:
1. Về lâu dài:
- Cần nghiên cứu tuyển chọn các phương án trong và ngoài nước phù hợp với đặc điểm của nước ta để áp dụng.
- Nghiên cứu, bổ sung những nội dung cụ thể trong công tác lập, quản lý Quy hoạch đô thị.
2. Trước mắt:
- Xác định lại lưu vực cụ thể của từng đoạn đường thường bị ngập khi mưa xuống.
- Xác định và điều tra lưu lượng nước mưa của đoạn đường đó.
- Trên cơ sở đó kiểm toán, thiết kế bổ sung đường ống thoát nước.
Hy vọng một ngày không xa người tham gia giao thông nói riêng, người dân sống trong các đô thị nói chung không còn lo “cứ mưa to đường phố ngập thành sông” nữa.
Bạn có cùng quan điểm hay có ý kiến khác "hiến kế" tháo gỡ vấn đề ngập lụt sau mưa lớn ở Hà Nội xin gửi về [email protected]. Ý kiến phù hợp, Ban Biên tập sẽ lựa chọn đăng tải. Trân trọng! |
Hữu Diên (Hà Nội)