|
Cục CNTT (Bộ TN&MT) là một trong những đơn vị chuyên trách CNTT cấp Bộ, ngành ứng dụng hiệu quả CNTT. |
Chú trọng hiệu quả đầu tư
Ông Nguyễn Hữu Chính, Cục trưởng CIREN cho biết: bắt đầu ứng dụng CNTT từ những năm 70 của thế kỷ trước, Bộ TN&MT có lẽ là một trong những Bộ đầu tiên ở Việt Nam biết cách sử dụng công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả công việc. Khi đó, CNTT được dùng để giải các bài toán bình sai, tính toán tọa độ, độ cao các điểm…, dĩ nhiên phải sử dụng công nghệ cũ trên máy tính điện tử cỡ “khủng”.
Tới năm 2003, ứng dụng CNTT chủ yếu là nghiên cứu các giải pháp ứng dụng, hệ thống phần mềm, còn phần cứng chỉ trang bị vừa đủ dùng vì quan điểm của Bộ TN&MT là đầu tư phần cứng nhiều mà không có người sử dụng phần mềm thì không hiệu quả.
Năm 2008, thời điểm Cục CNTT chính thức được thành lập, hoạt động đầu tư cho ứng dụng CNTT của Bộ TN&MT bắt đầu được đẩy mạnh, tập trung tâm - lực xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường quốc gia phục vụ công tác quản lý Nhà nước của Bộ.
Đến nay, nhờ ứng dụng CNTT, công tác quản lý ngành cũng như hoạt động tác nghiệp của các CBCNV ngành TN&MT đã “vượt trội” về hiệu quả so với thời còn làm việc theo phương thức thủ công truyền thống.
Điển hình nhất là với các cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành, lãnh đạo Bộ TN&MT có thể đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của Chính phủ về việc cung cấp thông tin liên quan tới các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý để phục vụ xây dựng các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước.
Đáng chú ý là hoạt động ứng dụng CNTT của ngành TN&MT được triển khai trên phạm vi rất rộng: gồm cả 7 lĩnh vực là Đất, Nước, Khoáng sản, Môi trường, Khí tượng - Thủy văn - Biến đổi khí hậu, Đo đạc bản đồ, Biển và hải đảo; ở cả 63 tỉnh, thành của cả nước (phải lấy số liệu từ địa phương theo phân cấp).
Trong khi đó, lực lượng cán bộ CNTT trình độ cao còn “mỏng”, thường xuyên thiếu hụt khi triển khai trên diện rộng; cơ chế chính sách cho hoạt động CNTT của các Bộ, ngành vẫn chưa thực sự hoàn thiện; kinh phí của Nhà nước cho ứng dụng CNTT còn “khiêm tốn” vì phải dành ưu tiên cho nhiều công việc khác cần thiết hơn.
“Đầu tư cho ứng dụng CNTT của ngành TN&MT chưa nhiều, không phải là lãnh đạo Bộ không quan tâm mà do chúng tôi tính toán về mặt hiệu quả, với khả năng của mình đến đâu thì đầu tư đến đấy. Kinh phí Nhà nước có hạn nên phải lựa chọn xem việc nào làm trước, dự án nào triển khai sau. Năm vừa rồi, đầu tư cho ứng dụng CNTT của toàn ngành cũng chỉ xấp xỉ 100 tỷ đồng”, ông Chính chia sẻ.
Những “điểm cộng”
Nói về những yếu tố quan trọng nhất giúp CIREN “chinh phục” Giải thưởng VICTA, ông Nguyễn Hữu Chính khẳng định CIREN đã “ghi điểm” trong 2 tiêu chí: Xây dựng cơ chế chính sách và Tự xây dựng phần mềm phục vụ ngành.
“Nếu điểm lại thì Bộ TN&MT là một trong những Bộ ra được nhiều cơ chế chính sách liên quan đến ứng dụng CNTT phục vụ chuyên ngành nhất”, ông Chính nhấn mạnh.
Có thể kể đến những cơ chế, chính sách nổi bật như Quyết định về chiến lược ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định 179/2004/QĐ-TTg), Nghị định về thu thập, quản lý và khai thác thông tin TN&MT (Nghị định 102/2008/NĐ-CP), Quy chế kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu sản phẩm CNTT trong ngành TN&MT…
Trong năm nay sẽ có thêm Thông tư về kiến trúc tổng thể, Thông tư về thẩm định phần mềm, Thông tư về các chế độ thanh quyết toán công trình, sản phẩm CNTT ứng dụng trong ngành TN&MT...
Một “điểm cộng” khác giúp CIREN “ghi điểm” cao hơn các “đối thủ” là tự xây dựng được nhiều phần mềm phục vụ chuyên ngành (các đơn vị chuyên trách của các Bộ, ngành khác thường không xây dựng, thiết kế sản phẩm phần mềm mà thuê doanh nghiệp).
Thực ra, không phải CIREN cố tình “ôm việc”. “Đặc thù của ứng dụng CNTT trong ngành TN&MT là muốn xây dựng được các phần mềm thì phải hiểu được ngành. Trước kia cũng có nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng đều không “theo nổi”. Ví dụ như giải pháp GIS, có rất nhiều doanh nghiệp làm nhưng đều bỏ giữa chừng vì khó quá. Cơ quan Nhà nước không còn cách nào khác là phải tự xây dựng phần mềm cho ngành mình”, ông Chính chia sẻ.
Đến giờ đã có khá nhiều sản phẩm “made in CIREN” đang hỗ trợ hữu hiệu cho ngành TN&MT và cả cộng đồng xã hội. Ví dụ như phần mềm MAPTRANS, chuyển đổi hệ tọa độ bản đồ từ HN-72 sang VN-2000 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc các phần mềm tính toán, bình sai hệ tọa độ, độ cao, xây dựng các bản đồ quy hoạch sử dụng đất từ bản đồ địa chính…
Nhấn mạnh hơn về sự chú trọng phục vụ cộng đồng người dân và doanh nghiệp, ông Chính cũng cho biết Bộ TN&MT đang xúc tiến xây dựng các dịch vụ công trực tuyến. Dự kiến khoảng cuối năm 2013, đầu 2014 có thể đưa ra khoảng 15 dịch vụ công mức độ 3 kết hợp sử dụng chữ ký số.
Hướng tới liên thông Bộ, ngành
Thời gian qua, tất cả các Bộ, ngành đều đã đầu tư cho CNTT nhưng mới dừng ở mức nội ngành, chưa thực sự hướng nhiều tới sự kết nối liên Bộ, ngành. Trong bối cảnh đó, Bộ TN&MT có thể được nhìn nhận là một “điểm sáng”.
Ông Chính cho biết ngay từ khi xây dựng Nghị định 102/2008/NĐ-CP về thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu TN&MT, Bộ TN&MT đã tính tới việc liên thông, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành như Xây dựng, NN&PTNT... Kế hoạch từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng xong cơ bản CSDL trong ngành TN&MT thành 1 CSDL chung trên một hệ tọa độ và nền địa lý thống nhất. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và làm việc với các Bộ, ngành khác về các tiêu chí nội dung, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế chia sẻ dữ liệu để có thể liên thông và dùng chung.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 63 ra ngày 27/5/2011