Trong nửa thập kỷ qua, hàng trăm triệu người đã mua mới điện thoại 4G tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng giữ điện thoại lâu hơn và chần chừ hơn khi mua điện thoại mới.
Có vẻ thị trường smartphone không còn là cơ hội đầu tư lớn như cách đây vài năm. Vậy đâu là lý do khiến người dùng không sẵn lòng đổi mới điện thoại sau chu kỳ hai năm thông thường?
Giá bán đắt đỏ
Smartphone ngày càng trở nên đắt đỏ. Điển hình như iPhone X và các model cao cấp của Samsung có giá bán khởi điểm từ 999 USD.
Với mức giá này, người dùng có thu nhập vừa phải không thể thay mới điện thoại sau 18 tháng, thậm chí 24 tháng. Thực tế, tăng trưởng chi tiêu gia đình chỉ mới được khôi phục tại Mỹ và châu Âu trong hai hoặc ba năm trở lại đây.
Bạn có thể thắc mắc rằng tại sao người dùng lại không chuyển sang các mẫu smartphone giá phù hợp hơn, nhưng điều đó lại không đúng trong trường hợp này.
Các mẫu smartphone cao cấp đắt tiền xuất hiện ngày càng nhiều. Thống kê cho thấy 1/8 trong số smartphone bán ra quý 3 năm 2017 có giá trên 900 USD, cao gấp hai lần giá cùng kỳ năm trước.
Người tiêu dùng đang mua smartphone đắt tiền hơn, nhưng lại sử dụng lâu hơn, và điều đó xem chừng khá hợp lý. Số tiền trung bình dành cho smartphone tăng lên khiến người mua phải chờ đợi lâu hơn trước khi quyết định mở hầu bao mua sắm mới.
Trái với mức giá trên trời của điện thoại Apple và Samsung, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc hướng tới sản phẩm rẻ tiền hơn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và tính năng sử dụng.
Các thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Vivo, và Xiaomi cung cấp lựa chọn smartphone phù hợp hơn với đa số người dùng. Rõ ràng ở mức giá thấp hơn, người dùng sẽ mạnh dạn hơn khi mua điện thoại mới.
Hợp đồng với nhà mạng
Giá bán ngày càng cao của điện thoại cao cấp cũng tác động lớn tới chương trình bán smartphone kèm hợp đồng sử dụng dịch vụ của nhà mạng. Tuy loại hình này không mới nhưng lại tác động đáng kể tới thói quen mua sắm của người dùng, nhất là với các mẫu smartphone đắt tiền.
Việc dàn trải chi phí trong thời gian dài làm cho mức giá cao trở nên phù hợp và dễ chi trả hơn. Chi trả cho chiếc smartphone 999 USD như iPhone X trong 24 tháng sẽ không khác nhiều so với chi trả cho chiếc điện thoại 750 USD trong 12 hoặc 18 tháng.
Ngoài ra, nâng cấp theo hợp đồng nhà mạng cũng ít tốn kém. Trước đây, khi giá smartphone còn thấp, người dùng có xu hướng kết thúc hợp đồng với nhà mạng sớm hơn để nâng cấp lên thiết bị mới. Nhưng nay, những người này thường đợi hết hợp đồng 24 tháng mới quyết định mua sắm mới.
Cuộc chạy đua công nghệ đã kết thúc
Sự khác biệt giữa smartphone đời trước và đời sau không lớn khiến người dùng cảm thấy không cần phải nâng cấp ngay. So với cách đây ba hoặc bốn năm, bước nhảy vọt về sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ, và chất lượng camera điện thoại không còn nữa.
Tất nhiên, nhà sản xuất vẫn bổ sung thêm cải tiến mới nhưng chúng không tác động lớn tới trải nghiệm hàng ngày. Ứng dụng vẫn chạy mượt trên điện thoại cũ, và chỉ những người quan tâm thực sự tới hiệu năng xử lý như game thủ di động mới tính tới phương án nâng cấp mới.
Chẳng hạn, người dùng sẽ không thể sử dụng hết bộ nhớ trong 32 GB của điện thoại nếu họ chỉ nghe nhạc và xem video trực tuyến. Tương tự, cải tiến về camera không thể làm bức ảnh trông khác biệt hoàn toàn với điện thoại cũ.
Nếu smartphone hai năm tuổi vẫn chạy tốt ứng dụng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trữ và chụp ảnh vẫn rất đẹp thì tại sao phải nâng cấp lên máy mới?
Ngay cả các tính năng là điểm nhấn bán hàng cũng chưa thực sự thu hút. Chuẩn kháng nước và kháng bụi vẫn dễ dàng tìm thấy trên smartphone cũ hơn.
Trợ lý ảo Google Assistant hay Alexa chỉ là điểm cộng chứ chưa thể là yếu tố tác động tới quyết định nâng cấp của người dùng.
Thực tế cho thấy người dùng chỉ nâng cấp điện thoại khi chúng quá cũ, chẳng hạn Android không nhận được bản cập nhật mới của Google, hoặc pin (liền) gặp sự cố.
Mạng 4G LTE phổ biến, tốc độ không mấy khác biệt
Chuyển sang mạng di động tốc độ cao thường là lý do để người dùng mua sắm điện thoại mới. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa 3G/ HSPA + và 4G LTE trên thực tế không nhiều. Thậm chí, nhiều người dùng còn kêu ca tốc độ 4G chẳng khác gì 3G.
Điều đó bổ sung thêm lý do khiến người dùng chần chừ mua sắm điện thoại mới. Có vẻ không hợp lý khi bỏ ra hàng trăm USD chỉ để có tốc độ kết nối mạng nhanh hơn một chút.
Các nhà mạng đang rục rịch triển khai 5G với tốc độ hứa hẹn sẽ cao hơn nhiều. Nhưng sẽ còn rất lâu nữa người dùng mới được trải nghiệm những ưu việt của mạng di động thế hệ mới này.
Nhà mạng từng hứa hẹn 4G sẽ là cuộc cách mạng so với 3G, nhưng thực tế thì sao? Kể cả khi có 5G, nếu hạ tầng mạng 4G hoàn chỉnh và đạt tốc độ như thiết kế thì 4G vẫn sẽ là lựa chọn của đa số người dùng nếu việc nâng cấp lên 5G tốn kém hơn.
Theo Zing