Ngày 16/3/2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có 3 trình độ (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) và 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 theo khung tham chiếu chung Châu Âu).

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có mục đích làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Kỳ thi năng lực tiếng Anh tiêu chuẩn hóa của Việt Nam có tên tiếng Anh là Vietnamese Standardized Test of English Proficiency, viết tắt VSTEP. 

Tại mục 4 Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT đã quy định quy chuẩn quy đổi điểm TOEIC, TOEFL, IELTS sang trình độ tương ứng. Trong đó, điểm IELTS 3.5 đến 4.5 tương đương bậc 3 (B1), IELTS 5.0 đến 5.5 tương đương B2 (bậc 4), IELTS 6.0 đến 6.5 tương đương C1 (bậc 5), IELTS 7.0 đến 7.5 tương đương C2 (bậc 6).

Đến nay đã có 25 trường đại học được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi cấp chứng chỉ Tiếng Anh theo khung 6 bậc. Tuy nhiên, gần như tất cả trường ĐH đều ưu tiên tuyển chứng chỉ IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác như TOEIC, TOEFL hoặc các chương trình quốc tế khác. Số trường đại học ưu tiên tuyển thí sinh có trình độ theo khung 6 bậc của Việt Nam rất ít. 

Cụ thể như Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ tuyển thí sinh có chứng chỉ VSTEP do trường tổ chức riêng dành cho xét tuyển đại học đạt trình độ từ B2 trở lên (tương đương bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) và có tổng điểm hai môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 14 điểm trở lên trong kỳ thi THPT năm 2023 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn);

Riêng đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Tiếng Anh, kết quả bài thi VSTEP phải đạt trình độ từ C1 trở lên (tương đương bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

(Ảnh minh hoạ)

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cũng dự kiến sẽ tuyển thí sinh có VSTEP 7.0 điểm trở lên vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh; Tuyển thí sinh VSTEP 6.0 điểm trở lên vào các ngành có tổ hợp xét tuyển có môn Tiếng Anh. Tuy nhiên nhà trường chỉ chấp nhận những thí sinh có chứng chỉ VSTEP từ kỳ thi do chính trường tổ chức. 

Vừa qua ĐH Quốc gia TP HCM cũng có văn bản đề nghị 9 trường thành viên công nhận chứng chỉ tiếng Anh VSTEP của Việt Nam để tuyển sinh, đào tạo và xét công nhận tốt nghiệp. Thế nhưng trong dự kiến tuyển sinh của một số trường thành viên chưa đưa chứng chỉ VSTEP vào kế hoạch.

Tại sao không VSTEP?

Ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong xét tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 được quy đổi 10 điểm môn tiếng Anh, IELTS 5.5 được quy đổi 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi 8 điểm. Trong khi đó, chứng chỉ TOEFL iBT 79 được quy đổi thành 10 điểm.

Mức thấp nhất là TOEFL iBT 46-47 được quy đổi là 8 điểm.  Ngoài ra, trường sẽ ưu tiên tuyển học sinh học chương trình THPT Hoa Kỳ, chương trình THPT Canada, chương trình THPT Úc. Các thí sinh học chương trình THPT của nước ngoài cũng được nộp hồ sơ nếu có điểm SAT từ 550 (mỗi phần thi)…

PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay điều này dựa vào tình hình thực tế vì gần như không có học sinh phổ thông nào thi khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam mà khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc này dường như chỉ dành cho người đi làm.

Theo ông Thắng, ở đây không phải là chuyện chuẩn đầu ra, hay các thí sinh có giỏi tiếng Anh hay không mà trường muốn rằng có một chuẩn mực quốc tế. Việc các thí sinh tham gia rèn luyện để thi chứng chỉ Anh văn quốc tế còn là minh chứng các em sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế. Nhà trường không phân biệt và chứng chỉ nào nằm trong danh mục đều được nhà trường xem xét.

Trong khi đó lãnh đạo một trường đại học khác cho hay không phải VSTEP mà IELTS hoặc các chứng chỉ quốc tế khác được chuộng vì sinh viên nhiều trường đại học cần chứng chỉ IELTS để du học ở Anh, Australia... mà trường đó liên kết. Các trường đại học ở nước ngoài đều chấp nhận thí sinh có chứng chỉ IELTS.

Mặt khác, để được cấp chứng chỉ IELTS học sinh sẽ phải thi cử rất khó khăn với cả 4 kỹ năng (Nghe - Nói - Đọc - Viết). Trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì IELTS có tính hàn lâm hơn. Còn các chỉ B1, B2, C1, C2 theo khung năng lực Châu Âu sẽ không được chấp nhận, hoặc chấp nhận chỉ ở một số ít nước trong khối thịnh vượng Anh. Tuy nhiên, theo vị này, dần dần các trường đại học sẽ chấp nhận tất cả các chứng chỉ vì đang cần sinh viên giỏi tiếng Anh giỏi để học tập.
 
Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng thi chứng chỉ VSTEP khá khó nhưng chưa được học sinh biết nhiều và học tập. Hiện học sinh chỉ biết nhiều về chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC và các trung tâm ngoại ngữ thường hay dạy IELTS, TOEFL hơn là VSTEP.

Ngoài ra, do VSTEP chưa có quảng bá nhiều và còn khó khăn trong thi cử nên học sinh không biết. Các nước cũng không biết nhiều đến chứng chỉ này của Việt Nam nên đương nhiên không có học sinh đăng ký dự thi. VSTEP cũng chưa được các doanh nghiệp coi trọng trong tuyển dụng nhân lực.

Theo ông Sơn, để thoát khỏi tình trạng thất thế ngay trên sân nhà, có lẽ Bộ GD-ĐT cần làm tốt công tác quảng bá, mặt khác nên cấp phép cho các trung tâm ngoại ngữ đủ điều kiện được quyền tổ chức thi VSTEP.

Khi các trung tâm ngoại ngữ được tổ chức thi, học sinh sẽ biết nhiều hơn về thi VSTEP từ đó hi vọng chứng chỉ này có chỗ đứng trong việc tuyển sinh vào các trường đại học.