Theo đó, cử tri kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương gồm 3 dự án thành phần là: cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
Cao tốc này đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 20 vào những ngày lễ, Tết.
Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) có tổng chiều dài khoảng 220km.
Hiện nay đoạn Dầu Giây - Liên Khương đang nghiên cứu dài khoảng 201km (bao gồm các đoạn Dầu Giây - Tân Phú dài 60km, Tân Phú - Bảo Lộc 67km, Bảo Lộc - Liên Khương 74km) với quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP.
Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư 2 dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.
Bộ GTVT cho biết, đến nay, 2 dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, đoạn Bảo Lộc - Liên Khương đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư.
“Hiện, Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ yêu cầu theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt”, Bộ GTVT thông tin.
Trước đó, vào tháng 6, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đây là 1 đoạn trong toàn tuyến cao tốc Dầu Giây- Liên Khương.
Dự án có tổng chiều dài 60,24km. Điểm đầu trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối vượt qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 (tại Km69+400 - QL20) khoảng 200m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.776 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 5.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.294 tỷ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, quản lý dự án, lãi vay và các chi phí khác. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 27 năm.