|
Hiện doanh nghiệp có nhu cầu khai thuế qua mạng vẫn chưa thể sử dụng được dịch vụ khai thuế điện tử. Ảnh: Thanh Hải |
“Miếng bánh” thị phần mới
TVAN được nhìn nhận là một mảng kinh doanh mới khá hấp dẫn. Thống kê sơ bộ, hiện đã có tới 5 DN chính thức thể hiện quan tâm tới việc triển khai cung cấp dịch vụ TVAN cho cộng đồng, gồm: Viettel, TS24, MacroNT (đã tham gia thử nghiệm kết nối kỹ thuật việc tiếp nhận tờ khai điện tử theo mô hình T-VAN với cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế từ cuối năm 2010), SEATECH, Bkav (vừa chính thức được Tổng cục Thuế cấp phép triển khai TVAN).
Để được triển khai TVAN, các DN cung cấp dịch vụ đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Tổng cục Thuế ban hành và kiểm định. Do đó, có thể nói về chất lượng hạ tầng kỹ thuật giữa các DN cung cấp TVAN hiện đang ở thế “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
Để có thể mở rộng thị phần, các DN cung cấp sẽ hướng tới chinh phục khách hàng bằng những dịch vụ hậu mãi hoặc dịch vụ đi kèm TVAN.
Đơn cử như với Bkav, với lợi thế đã triển khai chữ ký số (CA) cho nhiều cục thuế trên phạm vi cả nước, DN này hứa hẹn đem đến cho khách hàng sử dụng Bkav TVAN nhiều lợi ích như: chỉ cần liên hệ đến một đầu mối thì được cung cấp dịch vụ chữ ký số kèm dịch vụ TVAN, không mất nhiều thời gian làm thủ tục với các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau (muốn sử dụng TVAN bắt buộc phải có chữ ký số); sẽ được hưởng ưu đãi từ chính sách “giá tối ưu” cho những gói sản phẩm kết hợp (mua các bộ sản phẩm Bkav đi kèm với nhau).
Dịch vụ vẫn “nằm chờ”
Những tiện ích của TVAN đã được bước đầu giới thiệu, quảng bá tới cộng đồng. “Hấp dẫn” nhất là khách hàng sử dụng TVAN chỉ cần nhập dữ liệu rồi gửi qua nhà cung cấp dịch vụ TVAN, sau đó, hồ sơ khai thuế điện tử sẽ được nhà cung cấp dịch vụ xử lý, tổng hợp, gửi tới cơ quan thuế. Lúc này, những trục trặc về tốc độ, đường truyền khi kê khai thuế qua mạng không còn gây bức xúc cho các đối tượng phải kê khai. Vấn đề bảo mật thông tin cũng được đảm bảo.
Nghe quảng cáo như vậy, khá nhiều khách hàng DN đã tỏ ý “mong chờ” được sử dụng TVAN.
Những tưởng sau khi được cấp phép thì TVAN sẽ sẵn sàng phục vụ ngay các “thượng đế”. Thế nhưng trên thực tế, đến giờ, truy cập vào hệ thống tax24 của SEATECH hay nopthue.vn của Bkav, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu kê khai thuế qua mạng vẫn chưa thể “tận hưởng” lợi ích từ TVAN.
Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam về việc TVAN chưa thực sự “sống trong cuộc sống”, ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Bkav Telecom, đơn vị phụ trách dự án Bkav TVAN cho biết: TVAN là dịch vụ mới nên cần có một khoảng thời gian chuẩn bị, hoàn thiện. Dịch vụ này mang tính chất phục vụ các DN chuyển đổi các dịch vụ hành chính công sang dịch vụ sử dụng của một đơn vị thứ ba nên rất cần sự kết hợp và phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, lên kế hoạch triển khai cho người nộp thuế. Khi Tổng cục Thuế “đồng hành” với các DN cung cấp TVAN thì các đối tượng nộp thuế sẽ tin tưởng hơn, dễ dàng đăng ký sử dụng dịch vụ hơn so với khi DN quảng bá độc lập.
“Cần nhấn mạnh rằng thông tin dữ liệu của ngành Thuế khá nhạy cảm. Các DN rất cần sự xác nhận của cơ quan thuế về các sản phẩm, dịch vụ thì mới có thể đưa TVAN vào cuộc sống”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Đợi đến tháng 6
Đặt vấn đề “vì sao chưa thể sử dụng TVAN” với ông Phạm Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế, phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam được cho biết sau khi Tổng cục Thuế cấp phép thì việc triển khai TVAN hoàn toàn phụ thuộc vào các DN cung cấp TVAN.
Dẫu sao, để hỗ trợ các DN, sang tháng 6, Tổng cục Thuế sẽ cùng phối hợp tổ chức tuyên truyền mạnh hơn về dịch vụ mới này tới các cơ quan quản lý thuế ở các địa phương cũng như các đối tượng nộp thuế. Khi đó, các đối tượng nộp thuế có thể chủ động lựa chọn dịch vụ TVAN theo ý muốn chủ quan của mình.
Theo quan sát của phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, hiện dịch vụ TVAN mới chỉ nhắm tới việc phục vụ các DN, hộ kinh doanh là người Việt, chưa có hỗ trợ ngoại ngữ cho những đối tượng người nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.
Về vấn đề này, ở góc độ đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phạm Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế cho biết hiện tại, tất cả các đối tượng kê khai thuế qua mạng đều phải tuân thủ mẫu biểu theo Thông tư quy định của Việt Nam (nghĩa là đều phải sử dụng Tiếng Việt vì chưa có các biểu mẫu bằng tiếng nước ngoài).
Còn ở góc độ DN cung cấp dịch vụ TVAN, ông Ngô Tuấn Anh khẳng định Bkav TVAN trước mắt sẽ chỉ hỗ trợ giao diện tiếng Việt bởi ngay cả hệ thống chính thức của Tổng cục Thuế cũng chỉ hỗ trợ ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt. Sau này, nếu có nhu cầu hỗ trợ đa ngữ thì Bkav sẵn sàng mở rộng thêm các gói dịch vụ đa ngữ.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 62 ra ngày 25/5/2011