-Xung quanh vấn đề trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ sửa chữa mà thu phí cao như làm đường mới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lý giải, có hai loại phí đường bộ là thu phí trên hệ thống đường cao tốc từ 1.000-1.500đồng/km và phí trên tuyến đường BOT không phải cao tốc.
Riêng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ trước đây là đường bình thường, nay nâng cấp thành cao tốc thì được phép thu phí như đường cao tốc.
Còn việc thu phí thu trên tuyến BOT (Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) mà không phải đường cao tốc tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính phê duyệt giá như nhau. Xe con thu từ 25.000-35.000 đồng tùy từng vị trí cụ thể. Còn trạm nào hiện nay quá thấp, sẽ điều chỉnh mặt bằng chung, tránh tình trạng xe thấy thấp chạy vào, nhà đầu tư vừa không thu hồi được vốn, vừa tăng lượng xe.
“Do vậy, nhiều trạm đang thấp sẽ phải nâng lên”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Mức phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được thu 1.500 đồng/km. |
Thứ trưởng Trường cũng nói rõ, tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ nếu xây mới thì sẽ phải đầu tư từ 15.000-20.000 tỷ đồng và thời gian thu phí phải từ 20-30 năm mới hoàn vốn.
Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cũ đang là đường tiền cao tốc với tốc độ lưu thông từ 60-80km/h. Với tốc độ này vào những ngày lễ Tết cửa ngõ Thủ đô tắc hoàn toàn. Vì thế, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT nghiên cứu nâng cấp tuyến đường này lên.
Trước đây, phía Nhật Bản có đề nghị dùng vốn dư (ODA) của các dự án làm BOT tuyến đường này. Nhà đầu tư của Nhật đưa phương án nâng cấp tuyến đường trong 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ nâng cấp đường lên 4 làn xe, tốc độ 100-120km/h, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng và thu phí trong 5 năm.
Giai đoạn 2 sau năm 2023 sẽ đưa lên cao tốc 6 làn xe, tổng mức đầu tư thêm 4.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư là 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, phía Nhật Bản đã nghiên cứu nhưng chưa “chốt” thời gian thực hiện nên Chính phủ không đồng ý.
Sau đó, các nhà đầu tư của Việt Nam đã đưa ra phương án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ nâng cấp đường 4 làn xe, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, làm trong 14 tháng, tốc độ 100-120km/h.
Từ tháng 10 này, nhà đầu tư đã thi công mở rộng thêm 2 làn và dự kiến hoàn thiện vào năm 2018. Con số này so với phương án phía Nhật Bản đưa ra đã giảm được 5 năm và tiết kiệm 1.500 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trường cũng cho hay, thời gian thu phí của tuyến đường này dự kiến trong 17 năm 1 tháng, tuy nhiên theo tính toán của Bộ thời gian thu sẽ ngắn hơn.
Liên quan đến thông tin phản ánh khu vực Hà Nội có nhiều trạm thu phí BOT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Hà Nội là khu vực có trạm thu phí BOT ít nhất, chỉ bằng 1/4 so với TP.HCM.
Ông Trường nói rõ, hiện nay Hà Nội chỉ có 2 trạm thu phí BOT là trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài; Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Vũ Điệp