Ngày 24/4, Chính phủ ban hành nghị định 49/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Điểm nhấn của Nghị định 49 là việc những thuê bao di động tại Việt Nam phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, bao gồm cả ảnh chân dung. Cùng với đó là những tiêu chí mới nhằm "khai tử" những cửa hàng nhỏ lẻ, tự phát ở vỉa hè đang tiếp tay cho nạn SIM rác.
Vì sao phải chụp ảnh?
Sau những thông tin trên báo chí về Nghị định 49, đại diện Cục Viễn thông cho rằng trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội thì việc lập ra cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ, đúng qui định là vô cùng cần thiết.
Cơ sở dữ liệu này sẽ phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, và bảo vệ quyền lợi mỗi người dân. Tránh tình trạng gọi điện, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại...
Việc chụp ảnh trực tiếp người đăng ký thuê bao (mua SIM) sẽ đảm bảo đúng người, đúng thời gian, tránh tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký cùng lúc cho nhiều SIM khác. Đây cũng là cách để siết chặt nạn mua bán SIM rác, tin nhắn rác gây nhức nhối trong những năm qua.
Các nhà mạng nào đang triển khai?
VinaPhone và MobiFone là hai nhà mạng triển khai ngay nghị định 49. Trong khi Viettel vẫn áp dụng hình thức cũ, dù đã lên kế hoạch để thực hiện theo yêu cầu của chính phủ.
Với nhà mạng VinaPhone, những thuê bao mới đều phải đến giao dịch để chụp chân dung. Những thuê bao cũ đang được liên hệ để bổ sung ảnh cá nhân. VinaPhone đang có phương án đến tận các doanh nghiệp, nơi có nhiều thuê bao của mình và chụp hình, thay vì yêu cầu họ đến các chi nhánh gần nhất.
Với nhà mạng MobiFone, các thuê bao mới cũng phải chụp ảnh chân dung. Các thuê bao cũ sẽ nhận được tin nhắn theo từng đợt, và cũng phải đến các chi nhánh, đại lý được uỷ quyền để bổ sung ảnh chụp.
Hiện tại, các thuê bao mới của Viettel chỉ cần mang CMND bản gốc và bản sao đến các điểm giao dịch của nhà mạng này để đăng ký.
Chủ thuê bao không đến chụp ảnh sẽ bị cắt dịch vụ
VNPT cho biết không ít thuê bao cũ phản ứng trước quy định mới. Nhân viên chăm sóc khách hàng của VinaPhone hay MobiFone đều phải mất nhiều thời gian giải thích quy định mới cho các chủ thuê bao, nhưng không phải ai cũng đồng ý đến cửa hàng để chụp ảnh.
Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ việc các nhà mạng có thể cắt dịch vụ nếu các thuê bao không hợp tác. Cụ thể:
Đối với những người mua SIM và kích hoạt trước ngày 24/4 mà chưa tuân thủ đúng quy định mới này thì nhà mạng có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu chủ thông tin thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng (bổ sung ảnh, thông tin…) trước ngày 24/4/2018.
Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều.
Thuê bao sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Người dùng cần làm gì trước quy định mới?
Trước khi nhận được thông báo từ nhà mạng, người dùng nên tự kiểm tra lại những thông tin đã đăng ký cho SIM đang dùng bằng cách gửi tin nhắn TTTB gửi 1414 (miễn phí). Cách này áp dụng cho cả ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone.
Nếu đúng thông tin (tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, CMND) người dùng chỉ cần chờ tin nhắn từ nhà mạng để thông báo về việc bổ sung ảnh chân dung. Nếu thông tin sai, chủ thuê bao cần đến các chi nhánh, cửa hàng của nhà mạng để cập nhật lại và chụp ảnh.
Tuy còn nhiều tranh cãi về cách thực hiện và thời hạn (4/2018), nhưng hiện Nghị định 49 chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các thuê bao cũ, vì bản thân các nhà mạng cũng đang lên phương án triển khai cho nhóm khách hàng này. Người dùng làm thủ tục cấp lại hay mua SIM mới có thể được yêu cầu chụp ảnh chân dung tại chi nhánh, cửa hàng uỷ quyền.
Các cửa hàng bán SIM nhỏ lẻ hết đất sống
Nghị định 49/2017/NĐ-CP nêu rõ những tiêu chí mà điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cần có, bao gồm: Biển hiệu, số điện thoại, niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu; có hợp đồng uỷ quyền được doanh nghiệp viễn thông cung cấp và chứng thực; đủ trang thiết bị để nhập thông tin, số hoá giấy tờ, chụp ảnh... của các cá nhân, tổ chức.
Nói một cách đơn giản, nhưng điểm bán nhỏ lẻ, tự phát, không do nhà mạng uỷ quyền sẽ không đủ điều kiện để bán SIM, cung cấp dịch vụ di động như trước. SIM siêu khuyến mãi, giá siêu rẻ ở vỉa hè, tiệm tạp hoá sẽ "tuyệt chủng".
Việc siết chặt các điểm giao dịch sẽ khiến các nhà mạng chỉ còn lại cửa hàng trực tiếp và các đại lý được uỷ quyền. Do đó, tình trạng quá tải có thể diễn ra nếu có nhiều thuê bao cùng đến điểm giao dịch để chụp ảnh chân dung.
Theo số liệu từ bộ TT&TT, tính đến hết tháng 8/2016, Việt Nam có hơn 128,3 triệu thuê bao, Viettel chiếm tới trên 49,5% với 63,6 triệu thuê bao. MobiFone có hơn 34,6 triệu thuê và VNPT có trên 20,5 triệu. Thị phần ít ỏi còn lại thuộc về Gtel với gần 5,9 triệu và Vietnamobile với 3,7 triệu thuê bao.
Theo Zing