Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các ứng dụng liên quan đến video của Việt Nam cần học hỏi Facebook, Google khi họ có thể chạy tốt trên bất kỳ băng thông nào. Ảnh: Internet |
Tại buổi họp trực tuyến của Bộ TT&TT tháng 3/2020, đại diện Bộ TT&TT khẳng định, khi bùng nổ các ứng dụng video để làm việc từ xa, học trực tuyến, bên cạnh việc tăng cường chất lượng mạng Internet cố định, các nhà phát triển cần nâng cao chất lượng để đảm bảo có thể chạy tốt trên bất kì băng thông nào, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" mà không kiểm soát về mặt chất lượng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các ứng dụng liên quan đến video của Việt Nam cần học hỏi Facebook, Google khi họ có thể chạy tốt trên mọi băng thông, trong khi các các sản phẩm nội liên tục gặp hiện tượng nghẽn mỗi khi có đông người truy cập hay mạng kém, tiêu biểu nhất là khi có các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, một dịch vụ video được đánh giá xem mượt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có 2 phần chính bao gồm CDN (Content Delivery Network) - hệ thống mạng phân phối nội dung, tập hợp các công nghệ phần mềm và phần cứng được đặt trên các nhà mạng khác nhau; nền tảng công nghệ phần mềm streaming gồm cơ chế giải mã (encode/transcode) video, tạo profile (hồ sơ) cho phù hợp với các thiết bị đầu cuối và chất lượng đường truyền mạng, tự động điều chỉnh chất lượng video khi phát hiện có dấu hiệu nghẽn mạng...
Trên cơ sở đó, vị chuyên gia này cho rằng, đối với các ứng dụng xem video của Việt Nam, công nghệ streaming liên quan đến video phụ thuộc rất lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng của từng đơn vị: "Các dịch vụ Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ này, tuy nhiên cái yếu của chúng ta là tài chính".
Dẫn chứng về Facebook và Google, vị chuyên gia cho biết, CDN của họ được đặt nằm mạng lõi của các nhà mạng trong khi khi các dịch vụ Việt Nam chỉ đặt bên ngoài các Data Center (trung tâm dữ liệu) vì kinh phí đặt bên trong rất lớn.
Chưa kể đến việc đầu tư vào phần cứng giải mã (transcode/encode) và lưu trữ cũng là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Đơn cử như riêng YouTube, Netflix, với một bộ phim họ có thể transcode ra thành 130 profile (hồ sơ) khác nhau với chất lượng rất thấp đến rất cao, khi gặp bất kỳ thiết bị nào và đường mạng nào dù mạng 3G, 4G hay Wi-Fi đều ngay lập tức cung cấp một profile phù hợp với điều kiện của người dùng.
Theo CEO Clip TV, các nhà phát triển ứng dụng phải liên tục áp dụng các công nghệ mới nhất về giải mã video và đầu tư nhiều hơn ở thiết bị phần cứng để phù hợp với nhiều thiết bị, đường mạng khác nhau của người dùng. Ảnh: Inetrnet |
Ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV cũng cho rằng, dù công nghệ của Việt Nam so với thế giới không thua kém nhưng đang bị thua thiệt nhiều về tiềm lực tài chính. Trong khi YouTube, Netflix có thể tạo ra hàng trăm profile khác nhau thì Clip TV chỉ có thể tạo ra đối đa khoảng 4-5 profile vì chi phí đầu tư phần cứng, lưu trữ là rất lớn.
Với ClipTV, đơn vị này đã kết nối vào mạng core của một nhà mạng và CDN đặt ở trên 4 nhà mạng khác nhau, đồng thời có cơ chế để điều phối người dùng ở mạng nào sẽ truy cập về CDN ở mạng đó. "Thời gian tới, ClipTV vẫn đang cố gắng để đầu tư phần cứng, kết nối mạng core của các nhà mạng khác để tối ưu đường mạng và có cơ chế xử lý thông minh khi một sự kiện lớn xảy ra như bóng đá", ông Giản chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Giản, để nâng cao chất lượng các ứng dụng liên quan đến video của các công ty Việt Nam, những nhà mạng lớn cần hỗ trợ bằng cách cho các dịch vụ video nội được kết nối vào mạng core của nhà mạng ngang bằng với các "gã khổng lồ" nước ngoài, được ưu đãi hơn về chi phí. Còn các nhà phát triển ứng dụng cũng phải liên tục áp dụng các công nghệ mới nhất về giải mãi encode/transcode, tối ưu về các thuật toán nén video và đầu tư nhiều hơn ở thiết bị phần cứng để tạo ra nhiều profile phù hợp với nhiều thiết bị, đường mạng khác nhau. "Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc của doanh nghiệp trong cuộc chơi lớn và lâu dài", ông Giản khẳng định. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cần phát triển nhanh mạng 5G để có thể tiêu thụ lượng nội dung lớn là video.
Còn đối với các chuẩn cho video, theo ông Giản hiện nay trên thế giới đã có những tiêu chuẩn như chuẩn nén H.265... Ngoài ra, các công ty lớn như Netflix còn hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực video với mục tiêu là chất lượng video tốt nhưng dung lượng giảm đi. "Những chuẩn này hầu như đã có và liên tục cải tiến nên các ứng dụng Việt chỉ cần áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng cho người dùng", ông Giản kết luận.
Thế Phương