Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính được quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mức phạt là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Cụ thể, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định quy định phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, Nghị định quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Cụ thể, những hành vi đó là: Sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành; sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.
Đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng.
Xử phạt vi phạm tại công ty TNHH MTV vốn nhà nước
Đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản công tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Nghị định quy định mức phạt như sau:
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về trích lập và quản lý, sử dụng các quỹ không đúng mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn gây lãng phí và hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, vật tư không đúng với quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công, quản lý đầu tư xây dựng.
Phạt tiền từ 40-70 triệu đồng đồng đối với hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định, vật tư và các tài sản khác vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi quản lý, sử dụng các khoản chi phí không đúng định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định nêu rõ tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của cá nhân đó theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của tổ chức.
Quan chức phải từ chối quà tặng không đúng quy định
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng.
Theo VGP