Doanh nghiệp (DN) vay vốn tại ngân hàng; sau đó, vì lý do khách quan, DN chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn, ngân hàng kiện DN ra toà kinh tế. Bất ngờ, Công an khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam chủ DN lẫn cán bộ ngân hàng. Bất chấp ngân hàng đã có văn bản kêu rằng “chưa thiệt hại”, nhưng cơ quan luật pháp vẫn khăng khăng đưa vụ án ra xét xử hình sự. Phải chăng, người ta đã cố tình “hình sự hoá 1 quan hệ dân sự” trong vụ việc này?
Từ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đến “vi phạm quy định về cho vay...”
Đầu năm 2012, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, Công ty TNHH MTV nông thuỷ sản Tây Nam (Cty Tây Nam) đã đầu tư xây dựng cụm nhà máy chế biến nông thuỷ sản xuất khẩu tại TP.Vị Thanh. DN đã lập dự án và vay vốn tại Ngân hàng NNPTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Cần Thơ, theo chương trình cho vay “hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch”, do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Toàn bộ nhà máy, đất đai của Cty Tây Nam được định giá trên 190 tỉ đồng đã thế chấp cho khoản vay. Ảnh: Đ.A |
Agribank đã ký hợp đồng cho Cty Tây Nam vay 289 tỉ đồng, với tài sản bảo đảm cho vay là quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền trên đất tại 51 Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ (2.929 m2 đất), có giá trị 333 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình thi công nhà máy, chủ đầu tư thiếu vốn tự có tham gia dự án, dẫn đến chậm tiến độ. Nhà máy chưa hoàn thành nên DN chưa thể ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Nhận thấy khách hàng vay vốn khó đáp ứng điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất theo quy định, nên Agribank chuyển khoản vay trên của Cty Tây Nam sang diện vay chịu lãi suất thông thường. Thực hiện đúng yêu cầu của ngân hàng, Cty Tây Nam cam kết trả lãi suất thông thường; đồng thời, bổ sung thêm tài sản bảo đảm cho khoản vay trên, gồm QSDĐ, nhà xưởng, máy móc toàn bộ dự án đang thực hiện tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, trị giá 190 tỉ đồng.
Như vậy, tổng giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay trên được cơ quan chức năng định giá là 523 tỉ đồng. Sau đó, do Cty Tây Nam không có nguồn tài chính bổ sung để hoàn thiện nhà máy, nên Agribank chi nhánh Cần Thơ đã khởi kiện Cty Tây Nam ra toà kinh tế vào tháng 1.2016.
Trong lúc toà án quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đang thụ lý vụ án kinh tế trên, thì ngày 17.6.2016, Cơ quan CSĐT Công an TP. Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự, bắt ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (sinh 1980, trú tại Cần Thơ, Giám đốc Cty Tây Nam) về hành vi “làm khống hồ sơ để lừa đảo chiếm đoạt tiền ưu đãi lãi suất của nhà nước”.
Tuy nhiên sau đó, không chứng minh được việc “làm khống hồ sơ”, ngày 8.9.2017, Cơ quan điều tra chuyển sang tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ngoài ông Nhân, trong vụ án, tháng 3.2017, cơ quan điều tra còn khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 nhân viên Agribank chi nhánh Cần Thơ gồm: Bùi Tuấn Anh, Lê Thanh Hải và Trần Huy Liệu, với hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, vào tháng 8.2017, cơ quan điều tra lại đổi tội danh 3 bị cáo sang cùng tội danh với bị cáo Nhân là “Vi phạm quy định về cho vay...” (điều 179, Bộ Luật Hình sự).
Có hình sự hoá vụ án dân sự?
Vụ án kéo dài đã gần 2 năm, thế nhưng chưa thể truy tố 4 bị can ra trước toà, vì hồ sơ liên tục bị toà trả lại. Tội danh các bị can thay đổi khiến dư luận không khỏi hồ nghi tính khách quan trong quá trình tố tụng.
Đặc biệt, trong lúc cơ quan điều tra kết luận các bị can “chiếm đoạt tài sản của nhà nước”, “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” là thất thoát khoản tiền lãi trên 59,4 tỉ đồng (tròn số); thì thật tréo ngoe với tư cách là chủ thể cho vay - người bị hại, Agribank lại khẳng định ngược lại cơ quan điều tra là chưa hề bị thiệt hại 1 đồng nào trong vụ việc này.
Tại văn bản số 2203/NHNo-PC ngày 25.3.2016 của Agribank gửi Công an TP. Cần Thơ: Sau việc chậm tiến độ thi công nhà máy, Agribank chi nhánh Cần Thơ đã chuyển Cty Tây Nam sang diện vay vốn thông thường.
“Vì thế, toàn bộ lãi suất 59,4 tỉ đồng đã được loại ra khỏi số lãi hỗ trợ, nên đây chỉ là khoản tiền lãi chưa thu của Agribank đối với Cty Tây Nam và số tiền lãi trên, Agribank chưa thực hiện quyết toán đối với Bộ Tài chính. Số tiền lãi này cũng được Cty Tây Nam cam kết thực hiện trả nợ đầy đủ.
Như vậy, số tiền lãi 59,4 tỉ đồng nói trên được coi là số tiền chưa thiệt hại và nằm trong số tiền lãi mà Cty Tây Nam chưa trả cho Agribank chi nhánh Cần Thơ”. Agribank cũng khẳng định, với thực trạng hoạt động và tài sản đã thế chấp, Agribank “có thể thu được nợ gốc và nợ lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký”.
Hơn nữa, tại công văn số 653/HĐTV-KHL ngày 1.7.2016 của Chủ tịch HĐTV Agribank gửi lãnh đạo TP. Cần Thơ cho biết: Khi nhận thấy Cty Tây Nam khó đáp ứng điều kiện được vay vốn “hỗ trợ lãi suất”, nên Agribank đã chỉ đạo chi nhánh Cần Thơ “áp dụng lãi suất thông thường đối với khoản vay và thực tế Bộ Tài chính chưa cấp bù lãi suất cho Agribank”.
Như vậy, thực tế chưa có hậu quả gây ra thiệt hại cho Agribank nên không thể nói cán bộ Agribank chi nhánh Cần Thơ “cố ý làm trái”, gây hậu quả nghiêm trọng hay “vi phạm quy định cho vay”.
Bên cạnh đó, việc chuyển tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - Giám đốc Cty Tây Nam - cũng cho thấy có sự khiên cưỡng. Bởi, ông Nhân là người đi vay vốn để kinh doanh; toàn bộ quy trình, thủ tục vay vốn do cán bộ ngân hàng hướng dẫn. Như vậy, ông Nhân không thể là chủ thể của tội danh này để mà có cơ hội “vi phạm quy định về cho vay”.
Theo Đông Anh (Lao động)