|
Cơ quan chức năng thanh tra bản quyền phần mềm tại Công ty ASTI. |
Như báo BĐVN số 57 đã đưa tin, ngày 12/5, Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) ra thông cáo cho biết tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam năm 2008 là 85%, bằng với năm 2007 nhưng mức độ thất thoát đã tăng lên 30%, lên tới 257 triệu USD. Báo BĐVN đã trao đổi với ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA tại Việt Nam xung quanh kết quả nghiên cứu về BQPM vừa công bố.
Trong năm 2008, đã có rất nhiều công ty lớn của Việt Nam như Petrolimex, Vietnam Airlines… chi nhiều triệu USD để mua BQPM, bên cạnh đó các cơ quan thanh tra đã tiến hành hàng chục vụ vi phạm BQPM và trước đó Chính phủ đã đứng ra mua cả gói BQPM Microsoft Office cho các cơ quan nhà nước, vậy ông có thể lý giải vì sao tỷ lệ vi phạm BQPM vẫn là 85% như năm 2007?
Xét trên bối cảnh toàn cầu - tỷ lệ vi phạm BQPM đã tăng 3% từ 38% năm 2007 lên 41% trong năm 2008, trong đó có 36 quốc gia giữ nguyên tỷ lệ vi phạm và 16 quốc gia tăng tỷ lệ vi phạm - việc Việt Nam giữ nguyên tỷ lệ vi phạm không phải là quá tồi tệ.
|
Ông Đào Anh Tuấn. |
Trong năm 2008, Việt Nam đã có tiến bộ trong việc giảm vi phạm BQPM. Những nỗ lực trong việc hợp tác chống nạn vi phạm bản quyền giữa BSA, Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) và Bộ VH-TT-DL đã có tác động trong việc làm giảm tỉ lệ vi phạm BQPM, đặc biệt là trong khối các doanh nghiệp lớn.
Sở dĩ tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam vẫn không giảm trong năm 2008 là vì tiêu thụ máy tính không dùng phần mềm có bản quyền trong nhóm người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ đã tăng gấp hai lần so với năm trước đó. Sự tăng nhanh số lượng máy tính cá nhân mới trong nhóm người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ đã làm lu mờ những thành quả Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống nạn vi phạm bản quyền. Thực ra, điều này không phải chỉ diễn ra với Việt Nam, mà đó là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ vi phạm BQPM trên toàn cầu tăng 3% trong năm 2008.
Có một thực tế là thu nhập người dân Việt Nam thấp, trong khi đó giá phần mềm lại cao. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc giảm tỷ lệ vi phạm BQPM?
Các nghiên cứu của BSA cho thấy 1 USD từ việc bán phần mềm sẽ đóng góp thêm 3-4 USD cho các công ty làm dịch vụ CNTT và phân phối. Đừng quên rằng ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam bao gồm các cá nhân và tổ chức Việt Nam, đó là các nhà phân phối, các đơn vị bán lẻ, các đối tác làm tăng giá trị sản phẩm và các công ty phát triển phần mềm như công ty Lạc Việt. Do vậy, các tác động của nạn vi phạm BQPM sẽ tác động nhiều tới chính các cá nhân và tổ chức này của Việt Nam.
Một nghiên cứu của IDC năm 2008 dự đoán nếu giảm được 10% tỷ lệ vi phạm BQPM trong thời gian từ 2008-2111, ngành CNTT Việt Nam sẽ có thêm trên 600 triệu USD doanh thu cho ngành CNTT, gần 2.000 việc làm và Chính phủ có thêm 31 triệu USD tiền thuế. Còn xét về lợi ích trước mắt, việc dùng phần mềm có bản quyền có độ an toàn, hiệu quả cao hơn.
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam, nghịch lý giá phần mềm cao trong khi thu nhập người dân thấp sẽ phải giải quyết thế nào, thưa ông?
BSA là tổ chức phi lợi nhuận, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp phần mềm thành viên nhưng chính sách giá thuộc quyền của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thực tế là mọi người chưa nhìn nhận đúng sở hữu trí tuệ, chưa coi phần mềm như là tài sản vật chất.
Để có một KW điện, một cân thịt hay một phần mềm, những nhà sản xuất đều phải đầu tư nghiên cứu và sản xuất để có sản phẩm. Nhưng hầu hết người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền mua điện hay thịt không phàn nàn giá cả, chấp nhận nó như quy luật cung cầu nhưng nhiều người lại không làm như vậy với phần mềm.
Chúng ta hay nói về cái nghèo, hoàn cảnh kinh tế và trình độ phát triển thấp nên khó tôn trọng BQPM. Nếu cứ vi phạm tràn làn như hiện nay, doanh nghiệp không làm ăn được sẽ không có điều kiện phát triển sản phẩm tốt, như vậy xã hội mãi mãi chỉ dùng những sản phẩm của ngày hôm nay, không tiến bộ được. Bảo vệ BQPM không phải cho “ông Tây” hay cộng đồng nào cả, trước tiên là cho Việt Nam.
Vậy, theo ông, có cách nào để làm giảm vi phạm BQPM ở Việt Nam?
Quy luật đã chứng minh ở các nền kinh tế văn minh là phải bảo hộ sở hữu trí tuệ. Có bảo hộ tài sản trí tuệ mới tiến đến nền văn minh. Phần mềm không giống như thiết bị điện hay các tài sản vật chất khác, rất dễ bị ăn cắp, xâm phạm, nên vai trò bảo hộ của Chính phủ phải cao hơn các tài sản khác.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, Việt Nam chưa nhìn nhận đúng về sở hữu trí tuệ với các sản phẩm như phần mềm. Luật Hình sự đã có 10 năm nay nhưng chưa có vụ nào xử lý hình sự những vi phạm BQPM, trong khi đó thì theo luật trước đây ăn cắp 500.000 đồng và hiện nay là 1 triệu đồng đã là tội phạm hình sự.
Phần mềm cũng là tài sản vật chất, phải được bảo hộ. Đó là nhận thức căn bản phải được cộng đồng và các giới thừa nhận. Chỉ có như vậy, những người lao động trí tuệ mới sống được và Việt Nam mới có cơ hội cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Tôn trọng BQPM phải bắt đầu ngay từ hôm nay, trước tiên là từ Chính phủ và những người có trọng trách với đất nước.
Thực hiện
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 58 ra ngày 15/5/2009.