Sông Sài Gòn - Đồng Nai có vai trò quan trọng đối với cộng đồng cư dân miền Đông Nam Bộ sống trên lưu vực sông và đặc biệt là nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nước sông Sài Gòn - Đồng Nai là nguồn cung cấp khoảng 94% nước thô cho công tác sản xuất nước ăn uống và sinh hoạt cho thành phố khoảng 94%.
Mới đây, Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam đã tiến hành nghiên cứu xác định hiện trạng tồn tại của vi nhựa trong môi trường nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, cụ thể trên nhánh sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng đến ba sông Sài Gòn - Đồng Nai và nhánh sông Đồng Nai từ hồ Trị An đến ngã ba sông Đồng Nai - Soài Rạp. Công tác lấy mẫu nước được thực hiện tại vị trí cách cửa xả vào lưu vực nguồn tiếp nhận khoảng 20-50m tùy theo điều kiện thực tế của các nhà máy nước thải: Dĩ An, Ba Bò và Tham Lương – Bến Cát, Nam Bình Dương, VSIP và Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà máy này nằm ở khu vực gần cuối lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, nơi hợp lưu của 2 sông và có khu vực dân cư đông đúc.
Nghiên cứu đã xác định được sự tồn tại của vi nhựa trong môi trường nước sông Sài Gòn - Đồng Nai qua các mẫu nước thu thập. Các vi nhựa có nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau, ở dạng mảnh, sợi và hạt vi nhựa có kích thước từ 0,1– 5 mm. Trong đó, thành phần có PE chiếm 51,2%, PP chiếm 27,1%, PVC chiếm 13,4% và 8,3% là nhựa khác.
Được biết, các phát hiện về vi nhựa trước đó đã cho thấy nồng độ của vi nhựa dạng sợi nhân tạo từ 22 - 251 sợi trong 1 lít nước, không tính đến yếu tố ảnh hưởng như lượng mưa, lưu lượng nước hoặc các yếu tố phi sinh học khác. Ước lượng hàng năm có từ 115 – 164 x 1012 sợi vi nhựa được thải ra đại dương từ sông Sài Gòn.
Kết quả phân tích trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho thấy tổng khối lượng vi nhựa đại diện chiếm 11- 43%. Vi nhựa dạng sợi và mảnh lần lượt là 172.000 đến 519.000 MPs/m3 và 10 đến 223 MPs/m3.
Kết quả nghiên cứu vi nhựa trong các dòng nước thải của các nhà máy xử lý nước thải trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai tồn tại ở nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau cũng đã cho thấy sự xuất hiện của vi hạt nhựa trong môi trường nước sông.
Theo Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam, sự phát sinh vi nhựa trong lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai chủ yếu do phát thải từ các nhà máy sản xuất liên quan về nhựa. Một phần cũng có thể kể đến nguồn gốc từ rác thải nhựa sinh hoạt của người dân hai bên lưu vực, đặc biệt là sau giai đoạn bùng phát dịch mạnh mẽ năm 2021.
Do kích thước nhỏ, các hạt vi nhựa dễ dàng bị dòng nước cuốn trôi xuống cống rãnh và được đưa qua nhà máy xử lý nước thải. Các nhà máy xử lý nước thải gần như là “điểm tập kết” ô nhiễm vi nhựa thải ra môi trường nước tiếp nhận. Các hệ thống xử lý nước thải hiện tại không được thiết kế để loại bỏ hoặc xử lý các vi nhựa này. Do đó, chúng bị cuốn vào nguồn nước, trôi ra biển hàng ngày, nơi chúng cũng đang tích tụ vô số mảnh vi nhựa khác.
Trong môi trường nước, các hạt vi nhựa theo thời gian được bao bọc bởi các vi sinh vật, cách ly với các yếu tố phá hoại. Đồng thời, nhiệt độ trong nước và nồng độ oxy thấp sẽ kéo dài thời gian phân hủy của các vi nhựa này. Sự phân bố và sự phong phú của vi nhựa phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, bao gồm gió, thủy triều, dòng chảy, đầu vào của phụ lưu, và các yếu tố con người bao gồm xử lý nước, các nhà máy xả nước thải có chứa vi nhựa.
“Nguyên nhân liên quan đến nồng độ vi nhựa cao trong nước mặt là quá trình đô thị hóa và mật độ dân số cao ở các khu vực như Thành phố Thủ Dầu Một và Thành phố Hồ Chí Minh. Khi bị nhiễm vi nhựa, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng không tránh khỏi là tác nhân dẫn vi nhựa xâm nhập vào động vật thủy sản và thức ăn cho người”, chuyên gia của Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam lưu ý.
Các nghiên cứu y tế cho thấy, hạt vi nhựa có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe của con người. Chẳng hạn, hạt vi nhựa có mặt trong hệ tim mạch gây ra phản ứng viêm, gây độc tế bào máu, phù mạch, tắc nghẽn và tăng áp lực động mạch phổi. Hạt vi nhựa còn có thể tham gia vào quá trình sản sinh histamine…