Tuy nhiên, trái với mong muốn trên, tình hình Biển Đông hiện nay đang trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới đang có nhiều biến chuyển, năng lực tổng hợp của một số quốc gia thay đổi, đi kèm với đó là mong muốn xây dựng luật chơi mới phù hợp với vị thế nước lớn của mình. Theo một số chuyên gia, quan điểm của các nước lớn về vấn đề Biển Đông có sự bất đồng, khác biệt cơ bản. 

Một số quan điểm nhìn nhận vấn đề tranh chấp Biển Đông là vấn đề đa phương có ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế và khu vực. Trong khi đó, một số quan điểm khác lại nhìn nhận vấn đề Biển Đông qua lăng kính cạnh tranh nước lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lòng tin giữa các nước và do đó khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng thêm.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng hành động xây dựng mạng lưới các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép kiểm soát khu vực Biển Đông cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới hòa bình khu vực trong tương lai. Bên cạnh đó, một số học giả cũng cho rằng các quốc gia vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm và cùng thúc đẩy hợp tác minh bạch trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật ở khu vực Biển Đông.

Từ góc độ ASEAN, chủ nghĩa đa phương có vai trò quan trọng đối với các nước nhỏ, góp phần giảm thiểu các rủi ro, nhất là khi đối phó với hành động gây hấn của các nước lớn. Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh thách thức như hiện nay, ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất trong vấn đề Biển Đông. 

Nhưng đa số ý kiến khẳng định cho đến nay, ASEAN vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, đã xây dựng và vận hành nhiều cơ chế dẫn dắt các nước khu vực và các nhóm đa phương khác. ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt trong những vấn đề đòi hỏi có hành động và nỗ lực tập thể, trong đó có an ninh trên không gian biển. Có chuyên gia gợi ý hợp tác kinh tế biển xanh (blue economy) là một hướng đi để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và quản lý bền vững biển và đại dương, trong đó quốc gia là chủ thể quan trọng, lực lượng hải quân có thể đóng vai trò trong đảm bảo sử dụng biển bền vững.

Về khía cạnh khuôn khổ pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, nhiều học giả đồng tình rằng hiện nay, nhiều quốc gia sử dụng luật pháp như một công cụ để đạt được các mục tiêu chiến lược. Có ý kiến cho rằng “chiến tranh pháp lý” chỉ là một trong nhiều công cụ trong hoạt động vùng xám; không chỉ được hiểu là diễn giải và áp dụng sai lệch các nguyên tắc, quy định quốc tế hiện hành mà còn tận dụng lỗ hổng mà luật pháp quốc tế chưa kịp điều chỉnh đối với những vấn đề mới. 

Có ý kiến cho rằng tại Biển Đông, một số chủ thể đã sử dụng luật pháp, ban hành nội luật, diễn giải luật sai lệch theo cách thức “lựa chọn có lợi cho mình” để củng cố các yêu sách vùng biển không phù hợp với luật pháp quốc tế, làm xói mòn trật tự pháp lý trên biển. Đa số vẫn tiếp tục khẳng định luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là xương sống, khuôn khổ cho hành vi ứng xử của các quốc gia trên biển. 

Hiện nay, cạnh tranh chiến lược đang tạo ra những “chia rẽ lớn” và “rạn nứt lớn” theo như nhận định của Tổng Thư ký LHQ Guterres. Xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới; trên không gian biển tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ đối đầu và xung đột.

Chỉ thông qua hợp tác, mới có thể giúp Biển Đông chuyển màu sắc từ “xám” sang “xanh”, hướng tới hoà bình và phát triển bền vững. Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải tôn trọng và tuân thủ luật biển quốc tế, được thể hiện trong UNCLOS 1982.  

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV