Phấn đấu “Cô Tô không có rác thải nhựa”
Tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 11/2023, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng tái khẳng định, địa phương đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu không rác thải nhựa trên địa bàn huyện đảo.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, vào những tháng cao điểm mùa du lịch, lượng rác thải trên huyện đảo phải thu gom rất lớn, từ 15 đến 17 tấn/ngày. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa đã lên tới 1 tấn/ngày, chủ yếu là vỏ chai nước, vỏ đồ hộp thức ăn được du khách mang theo từ đất liền ra đảo. Tuy nhiên, công ty môi trường địa phương mới chỉ thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 20 đến 30%, còn lại phải đốt và chôn lấp.
“Trong quá trình đốt nhựa sẽ sinh ra các khí độc hại. Trong khi số lượng lớn rác thải nhựa phải chôn lấp dù biết ô nhiễm đất nhưng nếu không chôn thì không biết xử lý ra sao và cũng đang khó khăn về chỗ chôn lấp. Trong khi đó, rác thải nhựa là những chất không được phân hủy, hoặc cần thời gian rất lâu để phân hủy trong môi trường tự nhiên, do đó ngoài việc xử lý rác thải nhựa tại chỗ, chúng tôi kêu gọi “nói không với rác thải nhựa” từ nguồn phát sinh”, ông Dũng nói.
Để thực hiện được mục tiêu này, từ 1/9/2023 huyện Cô Tô đã ra đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, trong đó kêu gọi cả hệ thống chính trị, người dân và du khách cùng nhau chung tay thực hiện, hướng đến trở thành huyện đảo của Quảng Ninh không có rác thải nhựa. Nếu làm được, Cô Tô sẽ phát triển du lịch một cách bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên.
Nhiều giải pháp được đề ra…
Anh Nguyễn Tuấn Sơn, một du khách từ Hà Nội ra đảo Cô Tô cuối tháng 11 vừa qua chia sẻ: “Xuống bến tàu, tôi loay hoay tìm thùng rác để vứt vỏ chai nước và mấy vỏ túi bim bim ăn vặt trên tàu lúc ra đảo. Nhưng khi thấy thùng rác, chúng tôi đọc được khuyến cáo “xin quý khách mang rác thải nhựa về bờ, chung tay cùng địa phương nói không với rác thải nhựa”. Vậy là chúng tôi gói lại những gì định vứt lại đảo, bỏ vào ba lô để mang trở lại đất liền. Dù cũng có đôi chút “ngại ngần”, nhưng khi nhận thức được việc làm đúng đắn của địa phương, tôi sẽ kể câu chuyện này với bè bạn, để họ sẽ cùng chung tay thực hiện, vì một Cô Tô ngày một xinh đẹp hơn”.
Có cùng suy nghĩ giống anh Sơn, chị Hoàng Thùy Linh, một TikToker chuyên về du lịch chia sẻ: “Mình đi biển vào mùa đông để tránh sự ồn ào và cảm nhận cho chân thực những vùng đất mà bản thân cần có sự trải nghiệm thực tế để review cho chân thực hơn. Đến Cô Tô hôm mùng 2/12, tôi cảm nhận rõ nét quyết tâm bảo vệ môi trường của chính quyền và người dân địa phương. Những biển báo nhắc nhở du khách không vứt rác bừa bãi, thu gom và giữ lại rác thải nhựa để mang lại về bờ. Hệ thống camera giám sát ở những khu vực có đông du khách, hệ thống loa nhắc nhở chính là những biện pháp “cứng rắn” mà Cô Tô đang triển khai khiến tôi không thấy khó chịu mà rất ủng hộ”.
Như vậy, sau 3 tháng triển khai chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô đang hiện thực hóa quyết tâm chính trị của mình vì một Cô Tô xanh, đẹp hơn. Nói về quyết tâm chính trị này, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết: Chúng tôi chọn đúng dịp Quốc khánh để phát động phong trào và chính thời điểm này nhờ các sự kiện quảng bá, chúng tôi coi những du khách là những tuyên truyền viên du lịch cho Cô Tô về một huyện đảo không rác thải nhựa – mô hình vốn thành công ở một số địa phương khác như Cù Lao Chàm. “Chỉ riêng 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, đã có 60 chuyến tàu đưa du khách từ đất liền ra đảo Cô Tô và ngược lại với tổng lượng khách lưu trú đạt 11.000 lượt người. Bạn cứ hình dung mỗi người một chai nước, số rác thải nhựa nếu để lại Cô Tô sẽ lớn nhường nào”, ông Dũng nói.
Được biết, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô cũng thực hiện nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái. Không đứng ngoài cuộc, ngay các khách sạn nhà nghỉ cũng có sự chung tay cùng chính quyền khi đưa ra những sản phẩm du lịch kết hợp bảo vệ môi trường như: “Tour nhặt rác”, “Tour lặn biển nhặt rác”, “Mang rác của bạn trở lại đất liền”… được nhiều du khách và người dân hưởng ứng ủng hộ, đặc biệt là du khách nước ngoài. Không dừng ở các khẩu hiệu, các quán ăn trên đảo cũng dần chuyển sang vật liệu thân thiện môi trường như ống hút giấy, túi thực phẩm làm từ mây tre đan hay cói…
“Với quyết tâm lớn như hiện tại, tôi tin Cô tô sẽ là huyện đảo thứ 2 thành công với mục tiêu nói không với rác thải nhựa sau Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam”, TikToker Hoàng Thùy Linh tự tin kết luận.