Clip trò chuyện của GS Nguyễn Thanh Liêm:
Nhà báo Hà Sơn: Là người có nhiều đóng góp cho lĩnh vực y học nhưng một GS Nguyễn Thanh Liêm đã trải qua tuổi thơ như thế nào vẫn còn câu hỏi còn bỏ ngỏ của nhiều người, thưa GS?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Nếu nhớ về tuổi thơ có điểm ghi dấu ấn với tôi đó là đói. Thời của chúng tôi khoai độn cơm là chính, tình hình chung của đất nước khi ấy. Tôi ở rất gần Cầu Hàm Rồng chỉ cách khoảng 8-10km theo đường chim bay nên ngoài đói thì những kỷ niệm cũng gắn với chiến tranh bởi suốt ngày nghe tiếng gầm rú bom đạn giặc ở Cầu Hàm Rồng.
Tôi nhớ lần đầu tiên biết máy bay là khi chúng tôi mang đèn dầu đi học vào buổi tối, khi biết có máy bay cô giáo cho học sinh tản ra ruộng nhưng bất ngờ tôi thấy pháo sáng thả xuống. Nhà tôi cũng không xa biển Sầm Sơn lắm, đêm nằm tiếng đạn rít qua với bao sợ hãi không biết nó có rơi vào nhà mình. Cảm giác về chiến tranh hằn sâu trong tâm trí tôi và đến giờ vẫn không quên âm thanh, hình ảnh và nỗi sợ ngày nào.
Nhà báo Hà Sơn: Đó là những lo âu, những nỗi sợ vô hình ông từng trải qua. Trong thời kỳ gian khó ấy, việc học hành của ông có gặp thác ghềnh nào không?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Gần cuối cấp một tôi mới đi học bạn ạ, còn đâu anh trai và bố tự dạy ở nhà là chính. Tôi bỏ qua lớp 1 lớp 2, bắt đầu học từ lớp 3 và lớp 4 luôn. Vì thế vợ thi thoảng vẫn trêu: "Chắc ngày xưa anh không học viết nên bây giờ chữ xấu". Cấp 2 tôi học cũng bình thường nhưng cấp 3 là học sinh giỏi toàn diện đặc biệt môn Toán, Văn đều nhưng thiên hướng văn.
Lúc đầu tôi nghĩ sẽ thi vào Tổng hơp Văn nhưng có một biến cố xảy ra đó là năm tôi học cuối cấp 3 mẹ mất do ung thư phổi. Tôi bỗng thay đổi quyết định sẽ thi vào ĐH Y Hà Nội vì thấy sự bất lực không giúp gì được cho mẹ những ngày đau đớn. Tôi nghĩ nếu mình học bác sĩ có thể giúp người khác tránh những khổ sở hay sự ra đi quá sớm chẳng hạn.
Nhà báo Hà Sơn: Khi là sinh viên trên giảng đường đại học, GS đã ý thức việc phải học thật tốt ngoại ngữ?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Lúc đó ở trường ĐH chúng tôi học tiếng Nga và tôi học rất chăm chỉ. Hồi đó cũng đã dịch sách rồi đấy. Nhưng tôi thấy tiếng Nga độ phổ biến không nhiều nên năm 72, sơ tán từ Phú Thọ về đến Hà Nội tôi quyết định đi học lớp tiếng Anh ban đêm. Những năm sau đó tôi đã tự học bằng rất nhiều cách, cũng khó khăn lắm, vì từ điển không có, radio cũng không, nên ai biết tiếng Anh là mình đều tìm cách để hỏi.
Nhà báo Hà Sơn: GS vừa kể những ngày cuối đời chứng kiến cảnh mẹ đau đớn nên đã thay đổi quyết định thay vì thi Tổng hợp Văn chuyển qua ĐH Y Hà Nội. Trong gia đình, GS bị ảnh hưởng tính cách của bố hay mẹ nhiều hơn? Có trận đòn nào khiến ông thay đổi và biết cách ứng xử hơn trong cuộc sống sau này?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thật ra bố mẹ tôi không quá nghiêm khắc, điều ảnh hưởng nhiều đến tôi sau này chính bởi ông bà là những người rất nhân hậu. Chưa bao giờ tôi thấy ông bà to tiếng với hàng xóm và to tiếng với nhau cả. Đối với các con cũng chưa bao giờ ông bà lớn tiếng chửi mắng. Bố tôi dạy chúng tôi qua những nhân vật lịch sử, những ví dụ, ông thuộc rất nhiều tiểu thuyết kinh điển. Ông dạy sự thương yêu, cách đối nhân xử thế thông qua những nhân vật và nó ảnh hưởng đến tôi rất nhiều.
Nhà báo Hà Sơn: Ông có một quãng thời gian dài gắn bó với Bệnh viện Nhi Trung ương vậy trong suốt thời gian công tác điều gì để lại ấn tượng nhất? Ở vai trò Giám đốc một bệnh viện lớn có khi nào vì "cái tôi" lớn đã có những cư xử chưa phải với nhân viên và áy náy?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Cho đến bây giờ khi đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn gắn bó với Bệnh viện Nhi Trung ương vì mỗi tuần đều về để phẫu thuật và giảng dạy cho các em. 40 năm gắn bó với nơi đây cho tôi nhiều kỷ niệm. Cái đọng lại nhất, ấn tượng nhất là tình cảm của cán bộ đối với mình. Còn nhớ hôm tôi quyết định thôi không làm giám đốc và chuyển giao cho đồng chí khác, tôi đọc phát biểu chia tay thật sự lúc ấy nhớ lại chặng đường đi qua nghẹn ngào và xúc động hơn khi nhìn xuống dưới nhiều anh em lau nước mắt.
Khi tôi sang Vinmec công tác, một cháu nhắn tin: "Chú ơi cháu vẫn chưa quen việc gọi người khác là thủ trưởng". Đọc dòng tin nhắn tôi xúc động vì mình đã nghĩ hưu ở đó mà anh em vẫn quý. Hay có hôm tôi về Bệnh viện Nhi Trung ương đang đi dọc hành lang có cô nhân viên chạy ra ôm chầm lấy kiểu mừng vui. Với những nhân viên bình thường, tôi đâu mang lại nhiều lợi ích nhưng có lẽ họ vẫn quý vì tình cảm. Đến giờ mỗi khi trở về bệnh viện mình gắn bó suốt bao năm, các cháu các em vẫn tay bắt mặt mừng, với tôi như thế là điều rất đặc biệt.
Nhà báo Hà Sơn: Ở vai trò Giám đốc bệnh viện lớn, ông sẽ có nhiều mối quan hệ, đã khi nào sự nhờ vả của "khách VIP" khiến ông rơi vào tình huống khó xử?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Đúng như bạn nói, tôi là Giám đốc bệnh viện nên cũng rất hay được nhờ các thứ. Nhưng cũng may đến giờ cũng không gặp tình huống nào khó xử. Với tôi có vẻ hơi lý thuyết nhưng đúng như vậy, với bệnh nhân nào mình cũng ân cần chu đáo. Có thể với bệnh nhân nào đấy mình dặn anh em chú ý hơn một chút, nhưng thực sự trong lòng sự quan tâm, suy nghĩ hành động tôi không có sự phân biệt.
Nhà báo Hà Sơn: Có câu chuyện xúc động nào từ phía người nhà bệnh nhân hay trực tiếp bệnh nhân khiến ông nhớ đến bây giờ?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Nhiều lắm bạn ạ. Nhưng kể chuyện vui có năm vào đúng 30 Tết, tôi thấy một nhóm gần chục người gõ cửa phòng xin được vào, hóa ra nhóm gia đình bệnh nhân đặc biệt, các bệnh nhân ghép thận. Tôi hỏi: ''Các bác lên gặp tôi có việc gì không?''. Họ nói: "Chúng cháu lên chúc Tết bác, có lọ dưa hành ở Hải Dương biếu bác". Đấy, ví dụ thế, tình cảm chân thành của họ thật đáng quý.
Hay ví dụ lần tôi nhận giải thưởng Nikkei, đã hơn 10h tối chuẩn bị đi ngủ có điện thoại, trong đầu nghĩ chắc cấp cứu hay gì đó người ta mới gọi. Đầu giây bên kia giới thiệu: "Bác ơi em là ông của cháu Nghĩa Đàn (cặp song sinh phức tạp đầu tiên GS Thanh Liêm mổ - PV) đây. Em nghe nói trên đài báo bác được giải thưởng gì đó ở Nhật Bản nên mừng quá phải gọi điện chúc mừng ngay". Tôi vẫn nói với anh em những kỷ niệm mình đón nhận như này chỉ người làm nghề y mới có được.
Nhà báo Hà Sơn: Bé Bôm - con trai diễn viên Quốc Tuấn từng được ông kết nối để sang Úc chữa bệnh. Đến bây giờ bố con anh Quốc Tuấn mỗi khi nói về ông đều thể hiện sự trân trọng và biết ơn. Ông nói sao về trường hợp bệnh nhân đặc biệt như Bôm?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Trường hợp cháu Bôm rất đặc biệt, ở Việt Nam lúc đó chưa chữa được. Gia đình cháu cũng nhờ tôi liên hệ, cũng có những nơi người ta nhận nhưng chi phí lại quá cao, những nơi chi phí không cao trình độ kỹ thuật lại không đáp ứng. Lúc đầu tôi giới thiệu cháu sang Úc gặp bác sĩ chuyên phẫu thuật sọ mặt, cháu sang đó phẫu thuật lần 1.
Sau đó nghe bố mẹ cháu nói chuyện cũng tôi rất đồng cảm chia sẻ vì họ gặp quá nhiều khó khăn và không biết đến bao giờ lại tiếp tục được phẫu thuật. Tôi tiếp tục liên hệ các bạn Hàn Quốc để đưa Bôm sang bên đó phẫu thuật các lần sau đó và may mắn qua nhiều lần phẫu thuật cháu đã thành công và giờ đang dần trưởng thành. Tôi cũng vui vì mình góp phần nhỏ thay đổi cuộc sống của cháu Bôm.
Nhà báo Hà Sơn: Ông từng đoạt rất nhiều giải thưởng (Giải nhất Giải thưởng khoa học sáng tạo 1999; Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình ghép tạng 2005; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới 2008; Giải thưởng Nikkei 2018; Là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam lọt TOP 100 nhà khoa học tiêu biểu của Châu Á 2019...) trong số ấy ông ấn tượng giải nào hay điều ông muốn chinh phục vẫn ở phía trước?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Đúng là tôi đã nhận được rất nhiều giải thưởng và biết ơn mọi người - những cộng sự hỗ trợ giúp mình nhận được thành công đó. Nhưng thực ra cái đích tôi hướng đến không phải giải thưởng mà làm sao mỗi năm đóng góp những phương pháp điều trị mới. Giải thưởng Nikkei ở Nhật Bản mới đây khiến tôi bất ngờ, vì mỗi năm chỉ một nhà khoa học Châu Á được nhận giải thưởng ấy, về phương diện tôi nghĩ mình là số 1 Châu Á đúng không? Vì Châu Á có nhiều nhà khoa học và có nhiều nước trình độ khoa học rất phát triển khi mình lọt vào giải thưởng này không chỉ riêng tôi mà còn là đánh giá của cộng đồng quốc tế cho các nhà khoa học Việt Nam.
Nhà báo Hà Sơn: Những giải thưởng giáo sư nhận được là quãng thời gian nhọc nhằn nhiều năm đúc rút kinh nghiệm và phải đi qua những cái chết để có được những bài học và sự thành công. Vậy có những "cái chết" nào khiến ông rùng mình và ám ảnh?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thật ra cuộc đời người bác sĩ chứng kiến rất nhiều cái chết và nó ám ảnh mình. Khi mới ra trường tôi nhớ một em bé chỉ 6-7 tháng gì đó có nhọt trên đầu, chúng tôi phải chích áp xe của nó. Tất nhiên đồng nghiệp chứ không phải tôi trích nhưng ai trích cũng vậy thôi. Sau khi làm xong máu cứ chảy đến lúc phát hiện ra bé trong tình trạng sốc. Nếu như bây giờ lấy một cái ven truyền hay lấy một tĩnh mạch hồi sức nó đơn giản nhưng những năm 79-80 lấy ven một tĩnh mạch cho một đứa bé trong tình trạng ấy rất khó khăn nên chúng tôi loay hoay lắm. Sau đó cháu bé ấy ra đi, tôi thấy day dứt mãi không ngôi vì chỉ một cái nhọt mà không cứu được cháu ấy.
Hay một cháu ở Thái Bình bị tắc ruột, anh em viện tỉnh đã mổ nhưng không hiểu sao bị rò vết mổ và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để chúng tôi mổ lại. Cháu này có một đặc biệt dù kỹ thuật khâu nối mình làm rất cẩn thận nhưng vết mổ vẫn không liền, vẫn bị rò ruột. Tôi nhớ nhất hình ảnh khi thăm cháu, lúc ấy cháu 10 tuổi nằm vắt hai chân lên nhau và nói với tôi: "Bác ơi cho cháu hút một điếu thuốc, cháu thèm quá". Tôi thấy lời đề nghị bất ngờ, cũng thương và đặc biệt quá nên bảo anh em: "Thôi cho cháu nó hút" nhưng sau đó cháu suy kiệt dần và mất. Đấy, có những cái chết bao nhiêu năm rồi vẫn ám ảnh đi theo mình đến tận bây giờ.
Nhà báo Hà Sơn: Ông là bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm lại có quá trình nghiên cứu làm khoa học. Trong quá trình làm nghề sẽ có những ca mổ phải quyết định cân não trong tích tắc giữa sự sống và cái chết. Theo ông, giữa những ca mổ gay cấn và việc tìm ra những phương pháp điều trị mới, cái nào khó hơn?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Cả hai việc đó có sự khác nhau. Thường cộng đồng sẽ chú ý đến những bác sĩ với những ca phẫu thuật khó và nhiều nguy cơ. Chúng ta đánh giá rất cao những thành công ấy. Điều ấy không sai vì để có được thành công ấy là sự nỗ lực của cả một ekip từ phẫu thuật viên đến người làm công tác hồi sức, phụ mổ... nhưng thành công đó chỉ giải quyết được cho một hoặc một vài bệnh nhân thôi. Việc quan trọng mình phải tìm ra phương pháp phẫu thuật mới vì nó sẽ giúp cho hàng chục nghìn bệnh nhân khác.
Ở những nước phát triển họ đánh giá cao những người làm nghiên cứu khoa học hơn là những người thực hành là như vậy. Một số người bạn tôi ở nước ngoài có thể mổ không giỏi đâu nhưng lại có nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị, họ tìm ra những cơ chế sinh bệnh mới, những phương pháp điều trị mới có thể khi thực hành họ không khéo léo như mình đâu nhưng người ta mới là những người sáng tạo và những người sáng tạo mới quan trọng.
Nhà báo Hà Sơn: Ông đã có nhiều công trình khoa học được y học trong nước và thế giới ghi nhận. Và những chuyến công tác cọ xát với các giáo sư nước ngoài cũng cho ông nhiều bài học quý?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi đã đóng góp 9 kỹ thuật mổ nội soi mới, có thể nói là vào kho tàng mổ nội soi thế giới, tức là những kỹ thuật trước đây chưa ai làm nhưng thực ra với thế giới họ đánh giá cao đó là việc cải tiến kỹ thuật mổ nội soi u nang mật chủ của trẻ em. Chính vì thế họ mời tôi đi giảng bài và phẫu thuật mẫu ở nhiều nước, kể cả những nước y tế rất phát triển như: Ý, Hà Lan, Ấn Độ,...
Có một lần tôi sang Đài Loan mổ đến sân bay làm thủ tục xong có một cô ra đón. Lên xe cô hỏi tôi lần thứ nhất: ''Tôi biết ông là người Việt Nam nhưng bây giờ ông đang làm việc tại Pháp đúng không?". Lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên nhưng sau nghĩ có lẽ cô ấy không tin người Việt Nam lại được mời sang mổ tại Đài Loan và trình diễn trong một hội nghị quốc tế về phẫu thuật. Rồi khi xe đi đến gần bệnh viện cô ấy lại hỏi lại lần nữa tôi mới hiểu vấn đề người ta không tin một bác sĩ Việt Nam lại có đủ trình độ để được mời sang một nước có trình độ y tế tiên tiến hơn như Đài Loan để phẫu thuật.
Phần 2: GS Nguyễn Thanh Liêm: Chinh phục bố mẹ vợ khó gấp 10 lần vợ!
Sơn Hà - Đức Yên - Huy Phúc - Bạt Tuấn
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Đỗ Diễm Anh