Shark Tank Việt Nam đang đếm ngược để chờ những tập phát sóng đầu tiên của mùa 4. Tính tổng 4 mùa, chương trình này đã mời tổng cộng 13 Shark (nhà đầu tư chính và cả khách mời) cùng 1 ‘Shark hụt’ là ông Phạm Văn Tam – CEO của Asanzo. Trong tất cả, có lẽ Shark Thái Vân Linh là người được hưởng lợi lớn nhất từ Shark Tank Việt Nam, khi có thể không bỏ một đồng vốn nào mà một bước có thể trở thành KOL (người có ảnh hưởng).

Shark Tank mùa 1 diễn ra vào năm 2017 với 4 nhà đầu tư chính là ông Nguyễn Xuân Phú, bà Thái Vân Linh, ông Trần Anh Vương và ông Phạm Thanh Hưng; ngoài ra còn 3 Shark khách mời là ông Lê Đăng Khoa, Trương Lý Hoàng Phi, Nguyễn Ngọc Thủy.

Theo đó, trừ bà Thái Vân Linh, tất cả mọi người đều là những cái tên quen thuộc trên thương trường hoặc giới startup Việt Nam. Bà Trương Lý Hoàng Phi dù rất còn trẻ nhưng đã là ‘bà đỡ’ cho giới nghiệp Việt trong 1 thời gian khi là người sáng lập và cố vấn Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC.

Mặc dù, Shark Tank đã truyền thông rõ ràng rằng: Shark Thái Vân Linh là người của quỹ VinaCapital, song vì trước đây hầu hết khán giả phổ thông đều không ai biết bà là ai và đã có những thành tựu gì trong lĩnh vực kinh tế hoặc khởi nghiệp, nên cuối năm 2017, đã râm rang tin đồn Shark Linh không phải là người của VinaCapital. Shark Linh từng 2 lần khởi nghiệp về thời trang với 2 dự án là The One Couture và Rita Phil, song không gây được tiếng vang trên thương trường.

Vị Shark hời nhất Shark Tank Việt Nam: Không bỏ đồng vốn nào, một bước trở thành sao - Ảnh 1.

Bộ tứ Shark trong chương trình Shark Tank mùa 1.

Tuy nhiên, cuối cùng danh dự của Shark Linh đã được bảo toàn, khi đại diện Tập đoàn VincaCapital lên tiếng xác nhận, chức danh của bà Thái Vân Linh là Director, Head of Strategy & Operations, tạm dịch: Giám đốc Tác nghiệp và Vận hành, hoặc Giám đốc Vận hành và Tác nghiệp, tập đoàn VinaCapital.

Trước khi tham gia Shark Tank mùa 1, Shark Linh là người vô danh với công chúng, nhưng sau khi kết thúc mùa 1, ai cũng biết chị là ai. Nhờ ngoại hình sáng sân khấu, nụ cười tươi tắn và kiến thức uyên thâm trong mảng tài chính cũng như khó tính hơn các Shark khác, Shark Linh trở thành thần tượng của không ít bạn trẻ - nhất là nữ giới cũng như giới startup.

Những câu nói của chị trong chương trình như: ‘Một trong những lí do chính mà công ty start-up sẽ không thành công là vấn đề của những co-founders với nhau’, ‘nếu bạn là công ty duy nhất trong một lĩnh vực nào đó thì giá của bạn nên tương đương với vị trí đó. Giá cũng là cách để truyền tải thông điệp của bạn tới khách hàng’, ‘nếu bây giờ mình bắt đầu sớm và chiếm hết châu Á thì khi công ty lớn muốn vào thị trường, họ chỉ có một vài sự lựa chọn: Tự xây dựng hoặc phải mua’; đã trở nên viral trên mạng xã hội.

Trước sức hút quá lớn từ Shark Linh, chẳng có lý do gì Ban tổ chức không mời chị tham gia Shark Tank mùa 2 năm 2018, tiếp tục ‘ngồi chung mâm’ với ông Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Xuân Phú, Nguyễn Mạnh Dũng và Nguyễn Thế Lữ. Sau khi kết thúc mùa 2, cái tên Thái Vân Linh càng nổi tiếng hơn.

Tuy nhiên, chị đã không đồng hành cùng Shark Tank mùa 3 năm 2019 như đồng nghiệp Phạm Thanh Hưng, mà chỉ quay lại làm Shark khách mời một vài tập. Nguyên do, theo nhiều người suy đoán, có lẽ bắt đầu từ việc VinaCapital và Shark Linh không thật sự đầu tư vào các startup dù đã chốt deal trên chương trình Shark Tank.

Vị Shark hời nhất Shark Tank Việt Nam: Không bỏ đồng vốn nào, một bước trở thành sao - Ảnh 2.

Các deal của Shark Linh trong chương trình Shark Tank mùa 2.

Shark Linh đã chốt được 9 deal (cả đơn lẻ và cùng các Shark khác) trong Shark Tank mùa 1 và mùa 2. Shark Tank mùa 1, chị đã đồng ý đầu tư vào 4 startup: Gcalls, Transformation Studio, Khu vườn của mẹ và Vườn rau nhà mình với tổng số tiền là 26,8 tỷ đồng; Shark Tank mùa 2 là: Winsepass, CDTS, Student Life Care, Cocolala và Shoe X với tổng số vốn là 25,116 tỷ đồng.

Có thông tin rằng, nếu VinaCapital không đồng ý với những lựa chọn của Shark Linh, chị sẽ bỏ tiền túi ra đầu tư cho các startup mà mình đã lựa chọn trên 2 mùa Shark Tank. Nhưng, cho đến thời điểm này, vẫn không có bất cứ thông tin nào về việc VinaCapital hoặc Shark Linh đã rót vốn cho một doanh nghiệp khởi nghiệp cụ thể nào.

Không phải tất cả các deal trên Shark Tank đều trở thành hiện thực. Có không ít trường hợp, sau khi tiến hành tìm hiểu để chuẩn bị đầu tư, thì các Shark cảm thấy startup không tốt như mình tưởng hoặc các startup không đồng ý với các điều khoản bên Shark/doanh nghiệp Shark đưa ra; thì sẽ không tiếp tục hợp tác.

Nhưng, tất cả các Shark còn lại đều đã xuống tiền cho hầu hết startup mà mình đã lựa chọn trong chương trình, có khi còn hơn số đã cam kết trước đó; và chỉ duy nhất VinaCapital và Shark Linh không có bất cứ thông tin cụ thể nào là đã đầu tư cho ai - bao nhiêu tiền. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì các startup trong danh mục đầu tư của Shark Linh trên Shark Tank cũng khá kín tiếng khi được hỏi là đã được nhận tiền đầu tư từ Shark Linh hay chưa. Có startup bảo chưa, nhưng có startup im lặng hoặc từ chối trả lời.

Có một điều khá thú vị, trước đây, VinaCapital không có quỹ chuyên đầu tư mạo hiểm vào startup và chỉ đến tháng 8/2018, họ mới lần đầu ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Việt Nam với cái tên VinaCapital Ventures, đồng thời công bố 2 khoản đầu tư đầu tiên vào Logivan và Fastgo.

Hiện danh mục đầu tư của quỹ này đã lên con số trên 18, nhưng tuyệt nhiên không thấy cái tên nào trong 9 cái tên mà chúng ta đề cập ở trên. Có vẻ, dù Shark Linh khắt khe là thế khi chọn các startup để đầu tư trên Shark Tank, song từng đó là chưa đủ với VinaCapital.

Vị Shark hời nhất Shark Tank Việt Nam: Không bỏ đồng vốn nào, một bước trở thành sao - Ảnh 3.
 
Vị Shark hời nhất Shark Tank Việt Nam: Không bỏ đồng vốn nào, một bước trở thành sao - Ảnh 4.

Shark Linh là KOL “hàng thật giá thật” trên mạng xã hội.

Sau khi rời chương trình Shark Tank, thì đến tháng 12/2018, Shark Linh về đầu quân cho tập đoàn VinGroup và được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần VinGroup Ventures. Cơ cấu cổ đông của VinGroup Ventures gồm Tập đoàn VinGroup góp vốn 70% (tương đương 49 tỉ đồng), cổ đông đáng chú ý là bà Thái Vân Linh (Shark Linh), góp vốn 10% (7 tỉ đồng) và một cổ đông khác.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, dường như Shark Linh không còn hợp tác với Vingroup Ventures nữa mà quyết định ra làm riêng, lần nữa lập nghiệp. Theo một chia sẻ mới đây của Shark Linh trong sự kiện "Building A Rewarding Culture for Tech-driven Companies" vào đầu tháng 4/2021, thì hiện chị đang vừa đầu tư vừa cố vấn cho một vài startup, đồng thời khởi nghiệp lần tư với TVL Group, chuyên về đào tạo kỹ năng mềm cho các bạn trẻ.

Ngoài ra, hiện tại, chị đang là một KOL “hàng thật giá thật”, khi thường xuyên được mời chia sẻ trong các hội nghị - hội thảo liên quan đến kinh tế, cũng như được các nhãn hàng hoặc agency booking các gói quảng cáo khác nhau. Bản thân chị cũng đang định hướng cho mình như thế, khi thường xuyên quay clip nói về cuộc sống – sức khỏe – kinh doanh trên các fanpage của mình. Thậm chí, team của chị còn chạy ad trên FB. Hiện fanpage trên FB của chị có 1,3 triệu người theo dõi.

Mới đây, một agency tiết lộ, tùy yêu cầu và sản phẩm, có khi Shark Linh cũng hỗ trợ miễn phí; tuy nhiên, ngược lại, chi phí bên Shark Linh đưa ra khoảng 40 triệu đến 60 triệu phí quảng cáo trên 1 post.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

 

Cá mập Shark Tank mùa 4 sẽ săn tìm các start-up nền tảng số

Cá mập Shark Tank mùa 4 sẽ săn tìm các start-up nền tảng số

Hơn một nửa các start-up tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 4 là các start-up về công nghệ.