Để hỗ trợ TTCK Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức gây ra bởi đại dịch Covid-19, một trong những giải pháp mà Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) kiến nghị Thủ tướng là thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp FDI lên sàn để thị trường có thêm nhiều nguồn cổ phiếu tốt, tạo sức hấp dẫn dài hạn, trong bối cảnh hậu quả kinh tế gây ra bởi dịch Covid-19 có thể còn phức tạp và kéo dài.
Hôm 9/5, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 chính thức diễn ra. Nhiều kiến nghị ở nhiều lĩnh vực đã được các bộ, ngành, hiệp hội gửi đến Thủ tướng nhằm mục tiêu khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Riêng với ngành chứng khoán, kiến nghị của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) có nhiều điểm đáng chú ý.
Đầu tiên phải kể đến kiến nghị xây dựng cơ chế tạm ngừng giao dịch để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong những phiên xảy ra hiện tượng bán tháo.
VFCA kiến nghị 'thúc' doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp FDI lên sàn |
Theo VFCA, tương tự như các thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới, TTCK Việt Nam đã chứng kiến không ít phiên bán tháo trong thời gian qua.
"Mặc dù thị trường đã ghi nhận sự ổn định nhất định nhưng trong tương lai, những phiên giao dịch kiểu này có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn, nhất là khi vòng xoáy suy thoái kinh tế mới chỉ bắt đầu và các tác động là không lường hết được", VFCA nhận định.
Hiệp hội này dẫn chứng các sàn giao dịch chứng khoán khác trên thế giới thời gian qua đã phải áp dụng một biện pháp tạm thời để ngăn ngừa tình trạng bán tháo, đó là “ngắt giao dịch” khi các chỉ số lớn giảm quá mức cho phép. Mục đích là giúp nhà đầu tư có thời gian để ổn định tâm lý trong những phiên bán tháo mạnh. Các biện pháp này cho thấy hiệu quả khá rõ rệt, đặc biệt là tại TTCK Mỹ.
Tại TTCK Việt Nam, mặc dù đã có quy định về biên độ dao động tối đa nhưng quy định này chưa đủ mạnh để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong các phiên giao dịch cực đoan.
Theo đó, VFCA đề xuất khi VN-Index giảm 30% trong thời gian kéo dài sẽ có cơ chế thực hiện giảm biên độ giao dịch chứng khoán trên sàn HoSE từ 7% xuống 2% và trên sàn HNX từ 10% xuống 3% như các biện pháp tương tự đã áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó.
Bên cạnh đó, giảm thời gian giao dịch trong ngày, chỉ giao dịch buổi sang hoặc buổi chiều cũng là một giải pháp hỗ trợ khi thị trường xảy ra hiện tượng bán tháo.
Đặc biệt, VFCA cho rằng cần có cơ chế tất cả các mã chứng khoán sẽ bị ngừng giao dịch 30 phút khi chỉ số VN-Index giảm trên 5% so với giá tham chiếu, liên tiếp trong 3 ngày. Nếu chỉ số VN-Index giảm trên 6%, liên tiếp trong 3 ngày, thời gian ngừng giao dịch sẽ là 1 tiếng.
Bên cạnh biện pháp nhằm ổn định tâm lý thị trường nếu chuỗi phiên giao dịch cực đoan xảy ra, VFCA cũng nhấn mạnh đến các biện pháp tạo nguồn cổ phiếu mới cho thị trường, đặc biệt là thông qua thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cũng như khuyến khích doanh nghiệp FDI lên sàn.
Hiệp hội này cho biết quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giúp tạo ra sự đa dạng về hàng hóa, sản phẩm và làm tăng quy mô thị trường chứng khoán, cũng như giúp giới đầu tư tiếp cận những doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu lâu đời, tiềm năng phát triển lớn… mà trước đây ít có cơ hội tiếp cận.
Đây là một trong những điểm tạo ra sức hút lớn nhất của TTCK Việt Nam đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Việc cổ phần hóa chậm, không theo đúng lộ trình không chỉ gây tác động xấu trên phương diện tâm lý, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, kế hoạch sắp xếp, phân bổ vốn đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, những doanh nghiệp lớn, sở hữu nguồn vốn lớn.
Nhìn rộng ra, việc chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh nói chung, khi một chủ trương lớn của Nhà nước không được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cũng bị tác động không nhỏ.
"Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo hướng thực hiện đúng Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, tránh tình trạng liên tục vỡ kế hoạch như trước đây. Như vậy, TTCK Việt Nam mới có thêm nhiều nguồn cổ phiếu tốt, giúp thu hút và tạo tâm lý mới mẻ cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước", báo cáo của VFCA nêu rõ.
Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, tránh tình trạng không nghiêm túc khi triển khai các kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Đặc biệt, gắn trách nhiệm, tiến độ cổ phần hoá và niêm yết với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan quản lý; có các chỉ đạo cụ thể và mức thưởng phạt rõ ràng liên quan đến vấn đề này, qua đó giúp cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng đẩy nhanh tiến độ.
Với các doanh nghiệp FDI, VFCA cho biết mặc dù đã có một số doanh nghiệp FDI chuyển đổi thành công thành công ty cổ phần nhưng Việt Nam vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết cũng như đăng ký giao dịch cho các doanh nghiệp này.
Hiệp hội này nhấn mạnh doanh nghiệp FDI từ trước đến nay vẫn là một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế nước ta. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này lên sàn là cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu từ phía doanh nghiệp FDI, vừa giúp đa dạng hóa nguồn cung cổ phiếu trên thị trường. Nhà đầu tư có thêm các lựa chọn và TTCK trở thành “hàn thử biểu” của nền kinh tế một cách đúng nghĩa hơn.
"Do đó, VFCA kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng, lấy ý kiến và ban hành các quy định cụ thể liên quan đến việc đưa doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán, trong đó, nguyên tắc quan trọng là phải đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI", báo cáo nêu.
Việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp FDI lên sàn sẽ giúp TTCK Việt Nam có thêm nhiều nguồn cổ phiếu tốt, tạo sức hấp dẫn "đẩy lùi" tác động của Covid-19 |
Để hỗ trợ TTCK vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, khối ngoại cũng là một lực lượng cần được quan tâm đặc biệt.
VFCA cho hay sự vận động của TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, chính đà bán ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian qua là nguyên nhân rất quan trọng khiến thị trường sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, vấn đề nâng sở hữu nước ngoài (room ngoại) hiện gặp khó từ nhiều phía, từ việc một số ngành nghề kinh doanh bị giới hạn cho đến việc các doanh nghiệp không muốn nâng sở hữu nước ngoài vì sợ bị thâu tóm.
Do đó trong ngắn hạn, VFCA cho rằng việc sớm thúc đẩy triển khai chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết (NVDR) là giải pháp rất cần thiết để thúc đẩy dòng vốn khối ngoại cũng như nâng tầm TTCK Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng và đón nhận nhiều cơ hội lớn từ làn sóng đầu tư nước ngoài sau khi kinh tế ổn định hơn sau dịch.
NVDR sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn, đồng thời tránh bị thâu tóm bởi khối ngoại.
"Chúng ta cần đẩy nhanh rà soát, thực hiện khung pháp lý để triển khai sản phẩm này", VFCA đề xuất với Thủ tướng.
Cùng với đó, trong các năm tới, vấn đề nới room ngoại vẫn rất cần được quan tâm, nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm đối tác chiến lược, mở rộng kinh nghiệm quản lý và mở rộng thị trường ra thế giới.
Thúc đẩy thanh khoản của TTCK cũng là nội dung đáng chú ý trong văn bản kiến nghị của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam.
Đối với thị trường cổ phiếu, VFCA đã đề xuất một số các biện pháp nhằm thúc đẩy thanh khoản của TTCK Việt Nam.
Một là, nghiên cứu triển khai thực hiện bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về nhằm hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường trên nguyên tắc đảm bảo không để xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán cho thị trường.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống vay, cho vay chứng khoán của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để không chỉ đáp ứng nhu cầu vay, cho vay hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ giao dịch ETF và vay, cho vay trái phiếu chính phủ để bán như hiện nay, mà còn tiếp tục mở rộng vay/cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Ba là, nghiên cứu triển khai áp dụng mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm cho thị trường chứng khoán cơ sở.
VFCA giải thích, đối tác bù trừ trung tâm (CCP) là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing House), trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, CCP xen vào giao dịch giữa các bên thông qua cơ chế thế vị để trở thành người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán.
Hiện CCP đã thực hiện được cho chứng khoán phái sinh tạo ra T+0. Để phát triển hướng tới thị trường cơ sở cũng về T+0 (thị trường giao ngay) cũng như nhiều sản phẩm khác, xây dựng sớm CCP là cần thiết để đảm bảo triển khai các sản phẩm tương lai
Với mô hình này, VSD có thể tham gia vào giao dịch và thiết lập nhiều lớp phòng vệ rủi ro cho thị trường chứng khoản cơ sở, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư khi giao dịch, qua đó thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường và góp phần làm tăng tính thanh khoản cho toàn thị trường.
Không chỉ thị trường cổ phiếu, thanh khoản của thị trường trái phiếu cũng cần được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh nền kinh tế biến động khó lường bởi dịch Covid-19, nhu cầu gia tăng thanh khoản đối với thị trường này càng cấp bách để nhà đầu tư chủ động hơn trong quyết định các mua - bán.
VFCA nêu 3 giải pháp giúp thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thứ nhất, niêm yết bắt buộc với trái phiếu phát hành riêng lẻ và đại chúng. Thứ hai, xây dựng hệ thống công nghệ giao dịch trực tuyến, cổng thông tin dành riêng cho trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ ba, khuyến khích thành lập các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cả trong nước và nước ngoài, có cơ chế để nhà nước đứng ra liên doanh thành lập cơ quan xếp hạng tín nhiệm.
(Theo VNF)