Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa nóng trở lại trong hơn tuần qua với những thông tin liên tiếp về kết quả xử lý của cơ quan chức năng từ các địa phương. Điều đó cho thấy sự vụ chưa hẳn đã chìm xuồng như nhiều đồn đoán.

Tuy nhiên, rồi đây cơ quan pháp luật sẽ xử lý tới mức nào? Ngoài người có quyền, có trách nhiệm chỉ đạo chung hoặc nhúng tay trực tiếp sửa điểm thì phía những người đứng ra chạy điểm và thí sinh được sửa điểm sẽ xử lý ra sao? 

Việc có công bố danh tính học sinh và phụ huynh liên quan đang tạo ra nhiều luồng ý kiến. Có vị lãnh đạo trong ngành giáo dục địa phương đã bày tỏ quan điểm nghe rất lạ tai: “Vì lý do nhân văn nên sẽ không nêu danh tính phụ huynh cũng như thí sinh có liên đới!”

Thật… “cạn lời”! Họ nhân văn với ai, nhân văn cho ai trong vụ việc này? 

Đó chính là những người cố tình tham nhũng vị trí học tập của bao học sinh lương thiện khác để con cháu và người thân, người có quan hệ với mình choán chỗ. Đến lúc này, rất có thể các sinh viên này sẽ bị cho nghỉ. Thế nhưng học kỳ này đã lùi khá xa, làm sao có thể chiêu sinh tiếp bù vào? Khi chỉ tiêu tuyển sinh còn nhưng không thể gọi bổ sung, thì cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên sẽ bị lãng phí vì thiếu học sinh. 

{keywords}
Cần xử nghiêm hành vi sửa điểm thi của tất cả những người liên quan. Ảnh minh họa

Nếu chúng ta không xử lý nghiêm khắc vụ này, e rằng những sự việc tương tự sẽ còn tái diễn, chỉ là tinh vi hơn, thủ đoạn hơn và sẽ ngày một nghiêm trọng hơn mà thôi. Đạo đức xã hội sẽ xuống cấp cũng từ đây mà ra bởi giáo dục chính là quốc sách.

Thầy thuốc thiếu điểm thi đầu vào mà vẫn trúng tuyển thì lấy đâu ra bác sĩ giỏi sau này để trị bệnh cho dân, nhất là người mắc bệnh hiểm nghèo? 

Công an thiếu điểm đầu vào do chạy chọt mà trúng thì luật pháp sẽ ra sao khi quyền lực đưa vào tay họ. Liệu họ sẽ thực thi pháp luật công tâm hay sẽ tính chuyện lợi dụng kiếm chác để “bù lỗ” khi xin điểm năm nào? 

Giáo viên ra trường do chạy điểm từ lúc nhập học thì làm sao mà có thầy giỏi, đủ nhân cách đứng trên bục giảng dạy bọn trẻ?

V.v và v.v…

Khi câu chuyện giáo dục đau lòng này, tôi nhớ lại một câu chuyện cũ. Dưới triều vua Thiệu Trị (1841-1847) xảy ra một vụ gian lận thi cử do có vị sơ khảo vi phạm quy chế thi, bị vua tuyên chém đầu. 

Vị chấm thi sơ khảo ngày đó của trường thi Thừa Thiên là Cao Bá Quát, một nhân vật lịch sử nổi tiếng thông minh, kiến thức uyên thâm. Ông không hề ăn của đút để làm bậy mà vì tiếc người giỏi có thể phụng sự nhân dân.

Ông phát hiện ra một số thí sinh có bài thi viết rất tốt nhưng lại phạm huý. Mà ngày xưa, bài dù xuất sắc đến mấy một khi đã phạm huý là bị Hội đồng thi đánh trượt đầu nước, thậm chí, nếu nặng có khi còn mang trọng tội.

Cao Bá Quát đã bàn với Phan Nhạ, người cùng có trách nhiệm chấm bài dùng son trộn với muội đèn sửa bài thi của trò những chỗ phạm huý. Vụ việc vỡ lở, an dâng lên vua, Cao Bá Quát và Phan Nhạ bị tuyên tử hình, một số người “giúp đỡ” cũng chịu tuyên phạt đi đày, giáng chức… Cũng may, Thiệu Trị là vị vua sáng suốt, hiểu ra động cơ vô tư, trong sáng của Cao Bá Quát, phạm tội vì tiếc người tài cho đất nước mà tha tội chết cho hai ông.

Thoạt nghe thì cùng là “tác động vào bài thi”, nhưng hai sự sai phạm lại rất khác nhau.

Chuyện của mấy trăm năm sau, năm 2018, là một vết nhơ tệ hại của ngành giáo dục nước nhà. Người có quyền sửa điểm cũng như người bảo vệ an ninh cho thi cử đã đồng loã chữa điểm cho những người chạy điểm cũng như cho người thân, cho người nhà lãnh đạo địa phương quên hết cả lương tâm đạo đức củanhà giáo.

Chuyện họ làm có là để kiếm chác, cũng có thể chỉ để làm đẹp lòng, nịnh bợ các “yếu nhân”. Nhưng vì lý do gì đi nữa thì hành vi của tất cả những người chữa điểm cũng chạy điểm ấy đều không thể chấp nhận và tha thứ. Đó chẳng khác nào thứ tham nhũng bằng quyền lực mà gần đây Đảng thường đề cập và đang kiên quyết loại trừ.

Nếu xã hội không mạnh mẽ lên án, nếu pháp luật còn nương tay trong xử lý, e rằng hậu quả sẽ khôn lường! 

Quốc Phong