Kể từ năm 1990 đến nay, VEAM đã có tới 20 năm lịch sử kinh nghiệm tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đây là 1 trong ba mảng chính của công ty, bên cạnh công nghiệp ô tô và công nghiệp động cơ, máy nông nghiệp.
Ngay từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, VEAM và các công ty con của mình như FUTU1, DISOCO, FOMECO đã mau chóng nắm bắt xu thế các doanh nghiệp FDI đổ bộ vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu lớn về cung cấp linh kiện phụ tùng và áp lực trách nhiệm phải tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
VEAM: Tiên phong dấn thân ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam |
Nhờ sự nhanh nhạy đó, các đơn vị đã đầu tư máy móc, trang bị, công nghệ và chuẩn bị cả về nguồn nhân lực để đặt chân tham gia chuỗi cung ứng giá trị gia tăng cho các Tập đoàn FDI.
Cho đến nay, các đơn vị đã trở thành nhà cung cấp nhiều loại linh kiện, chi tiết của sản phẩm xe máy như: Trục khuỷu (Crankshaft), Tay biên (Connecting Rod)… và trở thành đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam như: HONDA, PIAGGIO, YAMAHA, SYM…
Đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất hỗ trợ cho công nghiệp ô tô, VEAM hiẹn nay đã sản xuất được thùng xe tải, các loại hộp số phụ được sản xuất tại Cơ khí chính xác số 1, Cơ khí Cổ Loa, Cơ khí Vinh nhằm khai thác những năng lực sản xuất phù hợp mà không phải đầu tư lớn.
Ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM cho biết, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của VEAM đã có uy tín, phẩm cấp, khả năng cạnh tranh để xuất khẩu trực tiếp hoặc cung cấp cho các nhà sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Trong các sản phẩm này, các loại sản phẩm đúc, rèn có ưu thế đặc biệt. Nhiều khách hàng và thương hiệu nổi tiếng như TOSHIBA, JUKI, ISEKI, SANKYO… đã lựa chọn các đơn vị của VEAM là những đối tác tin cậy, song hành lâu dài.
Hiện nay, các sản phẩm động cơ, máy kéo… có sản lượng hàng chục ngàn chiếc/năm. Việc cung cấp các linh kiện đúc, rèn, gia công từ phía Bắc do DISOCO sản xuất cho SVEAM lắp ráp và tiêu thụ tại khu vực phía Nam và xuất khẩu vẫn đảm bảo hiệu quả cao hơn so với việc sản xuất khép kín theo khu vực. Các sản phẩm như máy kéo 2 bánh và nhiều loại máy móc khác của VEAM cũng đã chú trọng phát triển nhà cung cấp chuyên nghiệp. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tối ưu hóa chi phí đầu tư của các đơn vị thuộc VEAM.
Nhờ có hướng đi đúng, áp dụng mô hình hợp tác chuyên nghiệp, VEAM đã trở thành doanh nghiệp có chỗ uy tín và vị thế lớn trong các ngành công nghiệp như: xe máy, động cơ, máy nông nghiệp, ô tô, khai thác mỏ. Nnhiều công ty sản xuất thuộc VEAM đã có qui mô doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, như DISOCO (650 tỷ đồng), FUTU1 (750 tỷ đồng), FOMECO (850 tỷ đồng)…
Dàn xe tải VEAM |
Sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của VEAM đã được đầu tư và đáp ứng tối đa sản lượng xe máy của riêng khu vực FDI và đạt khoảng 3 triệu xe/năm. Đặc biệt là sản xuất các sản phẩm phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng hỗ trợ đã cung cấp hàng chục loại chi tiết với sản lượng hàng chục triệu linh kiện/năm cho HONDA Việt Nam, YAMAHA, SUZUKI, PIAGGIO, SYM…. các đơn vị thuộc VEAM đã cung ứng phụ tùng cho sản xuất xe máy, nâng cao giá trị thặng dư sản phẩm tổng thành trong chuỗi giá trị. Điều này đã đóng góp chủ yếu trong kết quả tăng trưởng ổn định và bền vững của VEAM.
Ngoài ra, VEAM tập trung đầu tư lĩnh vực đúc- công nghệ nguồn của ngành cơ khí. Hiện VEAM có 4 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đúc, điển hình như Nhà máy Đúc VEAM sau gần 10 năm đi vào hoạt động trong lĩnh vực đúc công nghệ cao, đơn vị này đã nhận được nhiều đơn hàng từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… các sản phẩm của Đúc VEAM ngày càng được nâng cao về chất lượng.
Cũng theo ông Phan Phạm Hà, để có được sản phẩm tổng thành tốt, đòi hỏi phải có một chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn về chất lượng, thời gian giao hàng và giá cả cạnh tranh.
"VEAM đã giữ vai trò chủ đạo trong việc điều phối hợp tác nội bộ, giúp cho các đơn vị thành viên tận dụng được toàn bộ thế mạnh của mình về nhân lực và trang thiết bị công nghệ để từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết và giảm giá thành", ông Hà cho hay.
Thu Ngân
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhờ "3 tại chỗ"
Mô hình "3 tại chỗ" đã giúp cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các khu công nghiệp tại các địa phương đạt chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng, giúp không đứt gãy chuỗi cung ứng.