Thanh Hóa 6.jpg
Tất cả các ngõ trong thôn Nam Thượng đều được bố trí điểm quét QR Code để người dân thuận tiện nắm bắt hương ước, quy ước của thôn và thông tin dân cư trong ngõ.

Đến với thôn Nam Thượng, điều chúng tôi ấn tượng đầu tiên đó là mức độ “số hóa” trong cuộc sống. Tại tất cả các hộ kinh doanh, buôn bán hàng hóa dù nhỏ hay lớn trong thôn đều chấp nhận thanh toán điện tử.

Để người dân thuận tiện nắm bắt thông tin, cùng với 1 điểm quét QR Code tại nhà văn hóa thôn, ở đầu mỗi ngõ trong thôn đều có 1 điểm quét QR Code gồm có các nội dung: đặc điểm, tình hình của xã Tây Hồ; hương ước, quy ước thôn Nam Thượng; thông tin dân cư tại ngõ.

Sau khi được UBND xã Tây Hồ lựa chọn xây dựng mô hình thôn thông minh (năm 2021), thôn Nam Thượng đã phối hợp với tổ công tác chuyển đổi số của xã tiến hành khảo sát, hướng dẫn các hộ dân tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số.

Trong đó, chú trọng phổ cập kiến thức về chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến và lập tài khoản thanh toán điện tử.

Đối với các hộ sản xuất, kinh doanh, tổ công tác đã hướng dẫn cụ thể ứng dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử.

Với mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số của thôn tập trung vào các nội dung gồm: triển khai xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh; thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán trong thôn; tích hợp hệ thống camera của thôn với hệ thống camera an ninh do công an xã quản lý; ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử; định danh điện tử VneID...

Sau một thời gian tích cực triển khai, tháng 9/2024, thôn Nam Thượng chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn thôn thông minh.

Thôn có 100% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh; 100% cán bộ thôn ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương; 100% hộ sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thôn chấp nhận thanh toán điện tử; 100% nhà ở trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số...

Trưởng thôn Lê Thị Thắm cho biết: “Thôn Nam Thượng có trên 250 hộ, với hơn 1.240 nhân khẩu, tuy nhiên hơn 60% người dân tham gia sản xuất nông nghiệp.

Chính vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng thôn thông minh đã gặp không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất là tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chỉ đạt khoảng 50%.

Song, nhờ có sự quan tâm của huyện, xã trong công tác tuyên truyền và cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của người dân. Nhờ đó, các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng thôn thông minh đã từng bước hoàn thành”.

Nếu như trước đây, khi thông báo về các sự kiện, hội họp, thôn thường sử dụng loa truyền thanh hoặc phát giấy mời đến từng hộ dân.

Tuy nhiên, do một số nơi, một số thời điểm người dân không có ở nhà hoặc không nghe được thông báo sẽ bỏ lỡ thông tin. Giờ đây, thông qua các nhóm trên ứng dụng zalo, việc tuyên truyền, phổ biến hay tổ chức hội họp đã được thông tin nhanh chóng, đảm bảo từng hộ dân trong thôn đều nắm bắt được.

Đặc biệt, hệ thống camera an ninh của thôn được kết nối với hệ thống camera an ninh của xã nên mọi người yên tâm về vấn đề an ninh trật tự.

Chủ tịch UBND xã Tây Hồ Lê Xuân Trường cho biết: “Để hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, một trong các tiêu chí quan trọng đó là xã phải có một thôn thông minh.

Trên cơ sở xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, xã đã lựa chọn thôn Nam Thượng để triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh, đồng thời đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của thôn.

Với những kết quả đạt được không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thôn Nam Thượng, mà còn là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước thu hẹp dần khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị”.

Theo HOÀI ANH (Báo Thanh Hóa)