- Tôi cũng là một nàng dâu, cũng từng trải qua 7 cái Tết ở nhà chồng, cũng từng sống cùng bố mẹ chồng và cả anh chị chồng khi chưa tự mua được nhà. Vì thế, những khúc mắc, những nỗi khổ mà các nàng dâu vẫn than phiền trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội và trên cả những mặt báo, tôi đều hiểu.

Chỉ có điều, khi đọc được những dòng tâm sự ấy, không bao giờ tôi nhảy chồm chồm lên để bực bội hay lập tức gửi ngay bình luận để đồng cảm, chia sẻ hay lên án những nhân vật trong câu chuyện đó. Bởi tôi hiểu, cái gì cũng có 2 mặt của nó.

Tôi có cô em dâu, là vợ của em chồng tôi, năm nay 28 tuổi. Cô ấy về làm dâu đã được 3 năm. Thế nhưng, trái ngược với sự yêu quý mà mọi người dành cho tôi, cô ấy bị bố mẹ chồng, gia đình chồng tôi soi mói và...ghét thậm tệ.

Vì vậy, trong những dịp cả gia đình đoàn tụ tôi quyết định để ý xem, vì sao, mọi người lại đối xử với cô em dâu của tôi như vậy. Và rồi, chỉ sau dăm ba lần để ý, tôi đã hiểu lý do vì sao, những mâu thuẫn giữa gia đình chồng, nhất là mẹ chồng tôi và cô ấy lại càng ngày càng khó tháo gỡ đến như vậy.

2 vợ chồng mới cưới, ai chẳng biết là tình cảm của họ đang dạt dào, nhưng, trước mặt mọi người, cũng nên giữ chút ý tứ, đằng này, cô em dâu tôi cứ tha hồ nũng nịu, ôm hôn chồng trước mặt mọi người.

Mẹ chồng tôi sai việc, cũng chỉ là việc lặt vặt thôi, nhưng cô ấy không làm, đẩy sang cho chồng. Anh chồng thì chiều vợ nên vợ bảo sao là làm vậy mà không để ý đến vẻ mặt của mẹ mình.

Thành ra, bà mẹ chồng tôi khó chịu. Đương nhiên là mọi khó chịu sẽ dồn tất cho cô con dâu của mình. Đến khi em dâu tôi có thai, bà cũng vì lo lắng cho con dâu và cho cháu nên con bé ăn gì, uống gì, mẹ tôi cũng kiểm soát chặt chẽ. Bà không cho con bé ăn tất cả những gì nó thích. Vì thế mà em ấy bực.

Lên facebook, con bé kể tùm lum tùm la với hết mọi người, rằng, bà mẹ chồng ấy khốn nạn thế, ghê gớm thế, con dâu ăn cái gì cũng soi. Ăn 1 miếng cũng bị để ý…

{keywords}
Ảnh minh họa

Tết năm nay là năm thứ 3 em dâu tôi ăn Tết ở nhà chồng. Từ hôm 27 Tết, con bé đã được nghỉ, nhưng thay vì cùng chị dâu (là tôi –nv) và mẹ chồng dọn dẹp, trang trí nhà cửa, và chuẩn bị thực phẩm cho mấy ngày Tết, em nó vẫn giữ thói quen được chiều như 2 năm trước. 

2 năm đó, năm thì con bé bầu bí, năm thì con nhỏ nên cả tôi và mẹ chồng đều ưu tiên, không bắt con bé phải làm gì. Nhưng năm nay thì khác, vậy mà, từ hôm về nghỉ tết, ngày thì nó đi chơi chợ Tết (không phải mua sắm Tết cho gia đình), ngày thì em ấy đi làm tóc, làm móng…Đến bữa, em ấy về ăn cơm, sau đó, mẹ con, vợ chồng ôm nhau vào phòng đóng cửa ngủ.

Mùng 1 Tết, trong khi tôi và mẹ chồng dậy sớm làm cơm cúng gia tiên cô em dâu tôi vẫn ngủ ngon lành cho đến 8h sáng.

Sáng mùng 2, tình hình vẫn tiếp diễn. Tôi đã nấu cơm gần xong mà cửa phòng em dâu vẫn đóng im ỉm. Mẹ chồng tôi phần vì bức xúc, phần vì ngại với tôi nên lên gọi cửa, bảo con dâu thứ dậy nấu cơm cùng tôi. Sau đó, tôi không rõ bà có cằn nhằn gì nữa không. Thế nhưng, em dâu tôi dậy "mặt như đâm lê" không nói không rằng.

Ăn cơm xong, rửa bát và dọn dẹp đâu ra đấy, tôi lên mạng để lướt qua tin tức thì đã thấy em dâu đăng một tràng những bức xúc, nào là:  "Không thể kiềm chế được, đúng là khác máu tanh lòng, bà mẹ chồng ghê gớm quá, chỉ biết đến con mình, coi con người khác như osin, sáng sớm đã sưng sỉa chỉ vì ngủ quên không dậy nấu cơm…"

Tôi đọc xong, rồi lại kéo xuống đọc những bình luận của mọi người, thấy ai cũng chửi bà mẹ chồng ghê gớm mà bỗng dưng thấy thương mẹ chồng.

Chuyện chẳng có gì to tát, vì thực ra, ngày Tết, nhiệm vụ nấu cơm để cúng gia tiên là việc mà mọi người đều phải tự ý thức để làm, mình không tự giác, bị mẹ chồng mắng vài câu cũng là chuyện bình thường, chứ ở nhà với bố mẹ đẻ, có khi còn bị chửi te tua hơn.

Thế nhưng, tâm lý của các nàng dâu là vậy. Bố mẹ chồng có nói, có chửi 1, 2 câu thì nhớ lắm, nhớ đến không bao giờ quên rồi làm rùm beng, sau đó tỏ thái độ với bố mẹ chồng ra mặt. Bố mẹ chồng thấy vậy thì càng nghĩ con dâu mình hỗn nên từ không mâu thuẫn mà thành mâu thuẫn. Các cụ đã nói: “Không ưa thì dưa cũng có dòi”.

Vì thế, với các nàng dâu, khi có mâu thuẫn với gia đình chồng, tôi nghĩ rằng, đừng đổ hết lỗi cho 1 phía. Các chị em hãy nghĩ thoáng và cố gắng thay đổi bản thân. Nếu không thể coi họ như bố mẹ đẻ của mình thì cũng đừng lúc nào cũng có tâm lý coi bố mẹ chồng như kẻ thù. Có như thế chúng ta mới không khiến mình rơi vào cái vòng luẩn quẩn mẹ chồng – nàng dâu.

Bùi Liên (Hà Nội)