- Con đường độc đạo nối bản Cờ Đỏ với điểm trường chính đã bị trận lũ năm 2013 cuốn phăng. Có những hôm đang học, thấy mưa to quá thầy cho trò về sớm, trò vừa qua suối, dòng nước lũ đục ngầu đã hung hãn ào về…
Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có hai trường tiểu học. Trường Tiểu học số 1 đóng tại trung tâm xã và Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch được đặt tạ bản Cờ Đỏ, cách điểm 1 khoảng gần 20 km.
Bản Cờ Đỏ có 58 hộ, 237 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Ma Coong sinh sống từ bao đời nay. Bản nằm cách đường 20 hơn 4 km với những con dốc dựng đứng, đá lởm chởm, muốn đi xe máy vào với bản cũng khó vì chỉ cần rung tay là có thể ngã nhào.
Còn từ đường 20 đi vào khoảng 2km là điểm trường tiểu học.
Trước đây, đã có một đoạn đường bê tông men theo suối dài khoảng 500 m, có con đường này, bà con dân bản đi được xe máy vào tận bản, học sinh đi học cũng đỡ khổ. Nhưng trận lũ quét năm 2013 đã cuốn phăng con đường xuống suối, để lại những mảng bê tông gãy gập, đá trơ ra lởm chởm dưới lòng suối.
Trường Tiểu học số 2 này có tất cả 49 em học sinh với lớp 1 lớp 1 lớp 2 đều 11 em, lớp 3,4 mỗi lớp có 9 em và lớp 5 có 8 em. Cứ vào mỗi buổi sáng, tất cả các em lại đi bộ men suối, trên con đường đầy đá suối trơn trượt để đến trường.
“Vào mùa nắng không nói, chứ cứ có một trận mưa vừa là mỗi sáng thầy phải ra tận suối để dắt các cháu qua. Nếu mưa to kéo dài hơn một ngày thì chắc chắn các cháu phải nghỉ học vì nước suối rất lớn, không thể nào qua được”.
“Có khi cả lớp đang học, thấy mưa to quá không dứt, thầy cho trò về sớm. Mới dẫn các em qua suối thì dòng nước lớn ập về, chậm một chút thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - thầy giáo Hoàng Bảo Tăng cho biết.
Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch gồm 10 điểm trường với 20 phòng học thì chỉ có 3 phòng kiên cố, 5 phòng bán kiên cố, 11 phòng tạm và 1 phòng phải mượn nhà dân.
10 điểm trường thì chỉ 3 điểm có sóng điện thoại, các bản lại cách xa nhau cả chục cây số, có những bản phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới đến nơi, nên nhiều thông tin đến và đi không kịp thời làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học của thầy trò.
Bên trong gian bếp |
“Ở Cờ Đỏ, tiếng là điểm trường chính nhưng không có sóng điện thoại, không nước sạch, y tế, đường đi lại khó khăn, bếp ăn của giáo viên cũng rất tạm bợ, mùa mưa nhà bếp dột tứ tung, nhà vệ sinh cũng chỉ là mấy tấm bạt chăng lên che mưa nắng.
Trường cũng rất mong có bếp ăn đúng tiêu chuẩn để có thể mở lớp bán trú cho các em học sinh đỡ phải đi về ngày 4 lượt, rất vất vả, chưa kể trời mưa đá suối trơn trượt” - thầy Võ Anh Tuân, hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
Trường có 38 cán bộ giáo viên và nhân viên thì chỉ có 3 nữ làm các công việc văn phòng, còn lại là những thầy giáo cắm bản.
“Chúng tôi cũng cố gắng hết sức tạo điều kiện cho các thầy, năm nay cắm ở bản chưa có điện, chưa có sóng điện thoại thì năm sau sẽ được đổi ngược lại. Nhưng bản không có sóng điện thoại thì nhiều, nên có những thầy phải chờ mấy năm mới được dạy ở những bản có sóng và điện năng lượng” - thầy Tuân chia sẻ thêm.
Mùa mưa lũ đã đến, đầu nguồn nước dữ, các thầy giáo cắm bản không chỉ đi lại vất vả mà còn rất nguy hiểm, vì đường đi hầu hết qua khe qua suối.
Để khắc phục, các thầy đã tập trung nhau lại, đóng bè chở xe máy vượt lũ để đi tiếp. “Có những ngày nghỉ đúng lúc trời mưa to, muốn về nhà với con cũng đành chịu vì đường đi đã bị cô lập. Thầy giáo ở lại cùng dân bản, dân bản ăn gì thầy ăn nấy” - một thầy giáo tâm sự.
Hải Sâm