Bố mất khi con mới ba tuổi, mẹ sợ con gái sẽ khổ nếu sống với cha dượng nên quyết định ở vậy nuôi con. Mẹ cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho con, từ ăn uống, váy áo đến học hành. Con nhà người ta có thứ gì, con mẹ cũng phải có bằng hoặc tốt hơn.
Một thân một mình nuôi con, mẹ cũng chẳng dễ dàng gì. Ngoài làm kế toán cho một khách sạn nhỏ, mẹ còn nhận thêm nhiều việc thủ công mỹ nghệ để tăng thu nhập. Mẹ luôn nghĩ rằng mình đã hy sinh cho con, đã phải đổ mồi hôi sôi nước mắt kiếm tiền nuôi con, thì con có trách nhiệm phải hoàn thành những kỳ vọng của mẹ.
Mẹ ước muốn con gái ngoan ngoãn, xinh đẹp, thông minh, trong sáng như một thiên thần. Lớn lên con sẽ có một công việc danh giá, kết hôn với đấng phu quân tốt bụng, giàu có.
Từ nhỏ, mẹ không để con đụng tay vào việc nhà, để con tập trung học. Mẹ cũng không cho con ra ngoài giao lưu nhiều vì sợ con ham chơi. Mẹ đã giam lỏng con như chim quý trong lồng.
Đó là sai lầm lớn của mẹ, không để con va chạm thực tế, chỉ vùi đầu vào sách vở, khiến con thiếu hụt kỹ năng sống. Lên đại học xa nhà, con bị bạn bè xa lánh vì ở bẩn, làm gì cũng vụng về lại còn không biết cách ứng xử.
Con đem chuyện này tâm sự với mẹ thì mẹ đùng đùng nổi giận, tìm lên kí túc xá mắng mỏ bạn cùng phòng của con rồi thu xếp ngay cho con ra trọ riêng. Mẹ không tin con mẹ có những điểm xấu đó. Con xấu hổ và sợ hãi, từ đó không dám hé răng nửa lời về các mối quan hệ.
Năm đầu đại học, điểm số của con không cao như mẹ kỳ vọng, đặc biệt là môn tiếng Anh. Dù mẹ đã đầu tư nhiều tiền bạc cho con đi học thầy chuyên Anh nhưng vì điều kiện ở quê chỉ tập trung dạy ngữ pháp, hạn chế giao tiếp nên điểm nghe, nói của con thấp lè tè.
Mẹ không chấp nhận sự thật đó. Con gái mẹ mấy năm liền cấp ba luôn lọt top đầu trường huyện mà sao thành tích lại chìm nghỉm trên giảng đường đại học? Nóng ruột, mẹ ra rả bài ca “tao bỏ một đống tiền cho mày đi học thế mà…”.
Thực sự mẹ không đặt nặng chuyện tiền nong đến vậy, chỉ là vì mẹ kiếm tiền vất vả nên muốn con hiểu giá trị của đồng tiền, muốn con phấn đấu để xứng đáng hơn.
À mà đã bao giờ mẹ dạy con biết giá trị đồng tiền, ngoài những rao giảng đạo đức đầy lý thuyết. Gần đây, mẹ nghe bảo người Do Thái dạy con từ nhỏ rằng có làm mới có hưởng. Họ không cho con quá nhiều tiền tiêu vặt, muốn có thêm, bọn trẻ phải làm việc nhà hoặc tự xoay xở đi làm thuê, kinh doanh.
Giá mà mẹ biết kinh nghiệm ấy sớm hơn thì đã không dễ dàng cho tiền mỗi khi con đòi hỏi. Còn đi học mà con có xe máy tay ga, quần áo, đồ trang điểm sành điệu.
Rồi điều gì đến cũng phải đến, con gái mới lớn cô đơn trên thành phố, học hành bế tắc, không thể tâm sự với mẹ vì mẹ quá gắt gỏng và kỳ vọng, con chỉ thích làm đẹp và đi chơi với bạn trai. Mẹ như ngã quỵ khi con báo tin đang mang thai ở năm thứ hai đại học, cha đứa trẻ thì không muốn chịu trách nhiệm.
Xót con và sợ con điều tiếng, mẹ yêu cầu con tạm bảo lưu kết quả, về nhà dưỡng thai, sinh con xong mới đi học lại. Nhưng con về nhà rồi, mẹ lại mắng nhiếc con hằng ngày vì quá thất vọng. Con gái thiên thần của mẹ đâu mất rồi!
Mẹ xin lỗi vì đã tát con lúc con cãi lại. Mong rằng ở đâu đó, con đọc được những lời tâm sự này của mẹ, rằng mẹ đang rất hối hận. Chính sự áp đặt, kỳ vọng thái quá và những sai lầm liên tiếp của mẹ đã bẻ gãy đôi cánh thiên thần cùa con. Về nhà đi con rồi mình cùng sửa sai từ đầu.
Vị khách Hàn Quốc bị đuổi xuống xe khách: Tôi không làm gì sai cả
Khi vị khách nói mình là người Hàn Quốc, phụ xe kiên quyết đuổi ông xuống bất chấp sự phản đối của những hành khách khác.
Theo Dân trí