Sát cao điểm Tết Nguyên đán 2020, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, nhiều chặng bay nội địa Việt Nam ghi nhận giá vé chạm trần. Mỗi vé khứ hồi có giá lên đến hơn 8 triệu đồng đã bao gồm thuế phí. Dù giá vé cao, nhiều chuyến bay giờ đẹp vẫn hết vé trong khi giá vé vào những giờ "xấu" hơn cũng ở mức 7-8 triệu đồng.

Theo dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật hàng không dân dụng đang được Cục Hàng không lấy ý kiến, các đường bay có 3 hãng hàng không tham gia khai thác được đề xuất bỏ giá vé trần. Nếu đề xuất này được thông qua và dịch Covid-19 được kiểm soát, giá vé cao điểm Tết 2022 chắc chắn không dừng ở mức 8 triệu đồng.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ Cục Hàng không đang đề xuất sửa đổi điều 116 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Cụ thể, với trường hợp đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

{keywords}
Giá vé máy bay Tết có thể tăng vọt với đề xuất mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mức giá 10 triệu đồng cho ai?

Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.

Còn với đường bay có trên 3 hãng hàng không tham gia khai thác hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Những đường bay nội địa nhộn nhịp nhất trong Tết và cao điểm nghỉ lễ đều có sự tham gia khai thác của 3 hãng trở lên, điển hình như đường bay từ TP.HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc hay đi các tỉnh thành miền Bắc, khu vực Bắc Trung bộ và miền Trung.

Một chuyên gia hàng không nhận định với Zing rằng với sức hấp thụ vé như thời điểm Tết 2020 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, nếu không có trần giá vé máy bay, chuyện giá vé khứ hồi từ TP.HCM về ăn Tết tăng lên trên 10 triệu đồng đã bao gồm thuế phí là hoàn toàn có thể xảy ra.

{keywords}
Những đường bay nội địa nhộn nhịp nhất trong Tết và cao điểm nghỉ lễ đều có sự tham gia khai thác của 3 hãng trở lên. Ảnh: Hoàng Hà.

"Thời điểm đó các hãng bay đã liên tục tăng chuyến và chạm mức khai thác tối đa do giới hạn slot bay (khung giờ cất hạ cánh) tại sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó về cung gần như đã không thể tăng thêm, trong khi nhu cầu của hành khách lại lớn. Nếu không có trần giá vé máy bay thì chắc chắn giá không dừng ở mức hơn 8 triệu đồng", vị này phân tích.

"Giá vé cao sẽ là rào cản với người lao động thấp và trung bình, tuy nhiên nhóm khách hàng này có thể giải quyết bài toán giá vé bằng cách đặt vé sớm để hưởng mức giá tốt nhất. Mức giá 9-10 triệu đồng một vé khứ hồi sẽ được các hãng bay dành cho nhóm mua sát giờ và thực sự có nhu cầu di chuyển gấp", vị này nói thêm.

Tỷ lệ lấp đầy cao

Cụ thể vào đầu tháng 1/2020, tức giai đoạn sát cao điểm Tết, Vietnam Airlines cho hay tỷ lệ lấp đầy ghế trên các đường bay “nóng” từ TP.HCM đi các tỉnh/thành phố miền Bắc và miền Trung giai đoạn từ ngày 9/1/2020 đến 8/2/2020 (tức từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng) đạt từ 80-90%.

Cùng thời điểm, Bamboo Airways cũng ghi nhận vé Tết hết nhanh trên chặng bay tương tự. Đại diện hãng chia sẻ với Zing 80% số ghế trên chặng bay TP.HCM đi các địa phương miền Bắc và miền Trung khi đó đã được lấp đầy.

Dù còn cách những ngày bay nhộn nhịp nhất của Tết Nguyên đán 2020 gần 2 tuần, giá vé trên chặng TP.HCM - Hà Nội khi đó đã đạt mức trên 7 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí.

Đại diện một hãng hàng không lập luận rằng trong nhiều năm qua, hành khách đã được hưởng lợi trực tiếp từ việc thị trường hàng không Việt Nam không có giá sàn. Liên tiếp các ưu đãi vé 0 đồng, 5.000 đồng, 39.000 đồng được các hãng bay đưa ra nhằm cạnh tranh thị phần đã giúp bình dân hóa ngành hàng không.

{keywords}
 

Người này cho rằng ở chiều ngược lại, các hãng bay lại bị trói buộc bởi trần giá vé máy bay, không thể tối ưu doanh thu khi thị trường thuận lợi.

"Khi thị trường thấp điểm, giá vé có thể hạ, hãng có thể chịu lỗ để hút khách nhưng khi đến mùa cao điểm, hãng lại không thể điều chỉnh giá vé phù hợp với cung cầu để bù đắp dịp thấp điểm. Bất cập này càng thể hiện rõ khi dịch bệnh tác động nghiêm trọng tới hàng không Việt Nam", đại diện này khẳng định.

Trong cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo ghi nhận giá vẻ hạng phổ thông cao kỷ lục, ở mức 8,4 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí, mức trần giá vé với hạng ghế này. Có thời điểm ghế phổ thông trên đường bay này đã hết, hành khách chỉ còn lựa chọn mua ghế thương gia.

Trước đó Vietnam Airlines cũng đề xuất nâng trần giá vé máy bay. Hãng đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1,6-1,7 triệu đồng. Với các đường bay từ 500 km đến dưới 8.50 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng), các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng), các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3.400.000 đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4.000.000 đồng (tăng 250.000 đồng). Mức giá này là giá vé gốc, chưa bao gồm thuế phí.

(Theo Zing)