"Êm êm một khúc sông Cầu..."
Từ Hà Nội đến Thổ Hà phải đi xuyên qua một cơ số các khu công nghiệp, đô thị mới của Bắc Ninh, ồn ào và đầy khói bụi. Chỉ đến khi đi đến địa phận Bắc Giang và ngoặt xe vào con đường quê độc đạo dẫn đến cổng làng Thổ Hà, mùi vị Kinh Bắc mới thực sự trỗi dậy, làm dịu đi những cái mũi quanh năm chỉ quen với mùi thành phố. Nó đến từ hương đồng gió nội, cây đa bến nước, và cả từ những viên gạch đỏ cũ màu lát trên đường đi.
Làng Thổ Hà nằm trọn trong một khúc quanh của sông Cầu, khiến nó trở thành một bán đảo kín đáo nằm tựa lưng vào con sông của người quan họ. Sinh ra ở sông, mà sống cũng nhờ sông, nên những nghề chính làm nên danh tiếng của Thổ Hà đều từ sông nước mà ra: buôn bán và làm gốm.
Đã từng có lúc nơi đây là một thương cảng tấp nập "trên bến dưới thuyền", là trung tâm kinh tế-thương mại của cả một vùng. Gốm làng Thổ Hà từ bến sông Cầu tỏa đi khắp nơi trên đất Bắc, và trở nên thân thuộc trong cuộc sống đời thường từ chum, vại trong nhà cho đến bộ tiểu sành để cải tang ngoài nghĩa trang.
Thời thế thay đổi, nghề làm gốm tàn phai dần và cuối cùng trở thành dĩ vãng. Dấu tích còn lại của gốm Thổ Hà, một thời cùng với Bát Tràng và Phù Lãng tạo ra "thế chân vạc" của gốm sứ Bắc Bộ, chỉ còn là những mảnh tiểu sành sót lại được dùng để xây...tường nhà.
Ở vai trò "đóng thế" này, chúng vẫn giữ được phẩm chất "bền vĩnh cửu" như từng được dân gian ca ngợi, kiêu hãnh chống chọi với rêu mốc và bao sương gió thời gian.
Cổng làng Thổ Hà ngày nay. Ảnh: Khắc Giang |
Đó cũng chính là chất hồn cốt để đem lại sự khác biệt nhìn thấy ngay cho làng Thổ Hà khi so sánh với những làng quê Bắc Bộ khác. Nhắc đến Đường Lâm người ta thường nói đến những ngôi nhà đá ong, còn về Thổ Hà thì nhớ ngay đến các bức tường xây nên từ tiểu sành. Âu đó cũng là một ví dụ minh chứng cho tính cách tiết kiệm của người Việt xưa, tận dụng triệt để những đồ phế phẩm, thói quen đang bị con cháu ngày nay làm cho mai một dần.
Thân phố thị, hồn phủ chúa
Dẫu nằm trọn trong xứ Kinh Bắc, Thổ Hà vẫn mang trong mình những nét riêng rất độc đáo so với các làng quê khác, mà có lẽ chỉ cần đặt chân đến đây một lần là sẽ cảm nhận được ngay.
Đầu tiên là Thổ Hà có chất "phố thị" rất đậm. Ở Thổ Hà không có những con đường quê rộng rãi, ao hồ chằng chịt, hay cả những hàng rào râm bụt và bụi tre, mà thay vào đó là hệ thống đường xá lát gạch kiểu chân rết tủa sang hai bên.
Hai bên chân rết là những con ngõ rất hẹp, nằm lọt thỏm giữa các khối tường nhà cao vót, đến nỗi nếu hai người to béo quá đi vào cùng một lúc thì chắc chắn sẽ bị kẹt lại.
Những con ngõ hẹp là nét đặc trưng của làng Thổ Hà. Ảnh: Khắc Giang |
Đi vào những cái ngõ như vậy khiến cho người ta có cảm giác như đang tụt sâu trong một ngóc ngách nào đó ở phố cổ Hà Nội, hay là Hội An, hơn là một ngôi làng nhỏ của đất kinh Bắc. Và nó cũng giúp thế hệ bây giờ hiểu được thế nào là "oan gia ngõ hẹp" như cha ông ngày xưa hay nói.
Chất phố thị còn thể hiện trong cả nghề nghiệp của người dân nơi đây. Trong khoảng 900 hộ, không có nhà nào làm nghề nông trồng lúa, mà chỉ chuyên các nghề thủ công, trong đó chủ yếu là làm bánh đa nem, ông Cáp Trọng Việt, trưởng thôn Thổ Hà, cho biết. Theo ông Việt, thu nhập từ làm bánh đa nem của làng lên tới 70 tỷ đồng/năm, nghĩa là thu nhập trung bình mỗi hộ rơi vào khoảng gần 80 triệu đồng/ năm.
Không biết tính xác thực của con số trên như thế nào, tuy vậy, một điều dễ nhận thấy ở nơi đây là đời sống của người người dân Thổ Hà sung túc hơn nhiều so với những làng quê Bắc Bộ khác.
Không phải chỉ đến bây giờ, khi nghề bánh đa nem của làng "lên ngôi" và được buôn bán khắp đất Bắc thì Thổ Hà mới trở nên khá giả, mà truyền thống "làm giàu" của làng đã có từ thời xa xưa, ít nhất là từ thế kỉ XV, XVI khi nghề gốm vẫn đang ở trong thời kì hoàng kim.
Những cụ cao niên ở Thổ Hà vẫn còn rất tự hào khi nhắc lại câu thơ đề tặng của Lê Quý Đôn khi ghé qua làng:
"Đường thông bãi biển tôm cua rẻ
Đất có nghề nung chĩnh vại nhiều
Lên xuống bến đò như mắc cửi..."
Thổ Hà còn nổi tiếng là nơi cư ngụ của nhiều con cháu nhà chúa Trịnh trong thời kì Đàng trong-Đàng ngoài, và cũng là nơi nương thân của người thuộc phe này khi quân Tây Sơn tiến quân ra bắc.
Những bức tường làm bằng tiểu sành chỉ riêng có ở làng Thổ Hà. Ảnh: Khắc Giang |
Dấu tích của nhà họ Trịnh vẫn còn để lại ở đình làng Thổ Hà, với những hình ảnh điêu khắc đặc trưng như đôi vẹt (linh vật của chúa Trịnh), hay cô gái vuốt râu rồng (vốn được cho là của người nhà chúa Trịnh bỡn cợt vua Lê).
Trong làng Thổ Hà hiện nay, họ Trịnh và họ Cáp, cũng là một dòng họ khởi nguồn từ đất Thanh Hóa, hiện vẫn là hai họ có số lượng đông đảo nhất.
Hơn cả những biểu hiện bên ngoài đó, cái hồn của chúa Trịnh còn phảng phất trong cả tính cách của con người Thổ Hà. Từ cách họ cư xử, tiếp chuyện, cho đến cách ăn mặc, đi lại, đều toát lên một vẻ gì đó rất nhã nhặn, đủ thân mật nhưng cũng dư khoảng cách, chứ không thoải mái tự nhiên như ở các làng quê khác.
Cụ Trịnh Đắc Cường, 86 tuổi, một nghệ nhân làm gốm xưa của làng, cho rằng người Thổ Hà vốn khéo léo, biết làm ăn, giỏi xoay sở, tuy không thực sự thành công lắm trong con đường quan lộ hay thi cử. Cụ nói, thế cũng không mấy quan trọng, miễn là cuộc sống của dân làng khi nào cũng no đủ, chẳng bao giờ lo thiếu ăn thiếu mặc.
"Con trai Thổ Hà vì thế mà vẫn đắt giá từ xưa," Cụ cười khà rồi đọc lên hai câu ca dao xưa
"Trời mưa cho ướt lá khoai,
Đố ai lấy được con trai Thổ Hà..."
Bên bờ kia có gì?
Đời sống văn hóa của Thổ Hà cũng đa dạng không kém lịch sử đầy thăng trầm của nó. Làng có các liền anh quan họ thuộc hàng nhất nhì xứ Kinh Bắc, cùng với đó là các nghệ nhân dân gian đủ các thể loại từ ca trù, hát tuồng, cho đến múa trống rồng.
Về ngôn ngữ thì có lớp dạy chữ Hán do các cụ cao niên trong làng đích thân giảng dạy, thu hút được tới gần trăm học viên đến từ khắp vùng xung quanh sông Cầu đến học. Thậm chí đến cả mặt tâm linh, làng cũng có những thầy cúng uy tín "đủ để xuất khẩu sang cả châu Âu để kiếm tiền," Cụ Trịnh Đắc Cường nửa đùa nửa thật.
Đường làng bây giờ với những tấm phên phơi bánh đa nem. Ảnh: Khắc Giang |
Tuy nhiên, vòng xoáy đô thị hóa và thương mại hóa rốt cuộc cũng không buông tha cho ngôi làng cổ độc đáo bên sông Cầu này. Đó là khi những ngôi nhà ống kiểu thành phố mọc dần lên nhiều hơn trong làng, khiến cho khối kiến trúc cổ kính bây giờ chẳng khác nào bánh chưng được cắm nến. Đường xá cũng trở nên bẩn và nhếch nhác hơn, với rách rưởi tung hoành từ bến phà cho đến các ngõ ngách bé xíu.
Những đứa trẻ con cũng đã bắt đầu tóc xanh tóc đỏ, ăn nói "bạo miệng" hơn nhiều so với cha ông đi trước.
Bờ bên kia sông Cầu là phường Vạn An, khu phố mới được thành lập của thành phố Bắc Ninh, một trong những trung tâm công nghiệp hóa-đô thị hóa của cả nước. Khu vực này vẫn đang trong quá trình phát triển, ô tô đi lại như mắc cửi phục vụ cho những công trình đang dần mọc lên. Không biết "bán đảo sông Cầu" Thổ Hà còn lãnh đạm và khư khư giữ lấy cái nét riêng còn lại của mình được đến bao giờ?