Ứng dụng CNTT trong hoạt động tại các cơ quan hành chính ở TP.HCM. Ảnh: N.V.K |
Vẽ đường để bước tiếp
Trong bài phát biểu chào mừng tại Hội nghị chuyên đề CPĐT Việt Nam lần thứ 5, diễn ra tuần qua tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp CNTT-TT.
Thứ trưởng đặc biệt là TP. HCM đã có những đóng góp đáng kể trong việc xây dựng một chính phủ điện tử (CPĐT) từ trung ương đến địa phương, bước đầu thu được những kết quả khích lệ.
Tuy nhiên, trước những thời cơ mới và thách thức mới, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì việc xây dựng một CPĐT là việc làm tất yếu và phải trong một tư thế sẵn sàng. Ông cũng hy vọng rằng những gì thu được trong thời qua cần được phát huy, và sớm khắc phục những gì còn yếu kém, tồn tại, lấy đó làm bài học để Việt Nam có một CPĐT phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Ông Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT cho hay việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đến năm 2010 theo Nghị định 64/2007 sẽ tập trung vào các vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống CSDL, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ và bảo mật thông tin. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2010, phải có 100% các cơ quan nhà nước thực hiện trao đổi thông tin văn bản qua môi trường mạng và 100% các công chức sử dụng các hệ thống thông tin để phục vụ các công việc cải cách hành chính, 70% các cổng thông tin điện tử của nhà nước phải cung cấp các dịch vụ hành chính công ở mức độ 2.
Ông James S.L.Yong, tác giả của cuốn sách “CPĐT ở Châu Á: Cho phép những cải tiến dịch vụ công vào thế kỷ 21”, đã đúc kết: CNTT-TT là chìa khóa cho sự phát triển của CPĐT. Còn bà Lim Hooi Ling, Giám đốc Dự án cấp cao, Trung tâm Lãnh đạo CPĐT và Học viện Khoa học các hệ thống thuộc ĐH Quốc gia Singapore thì nhận định: để phát triển thành công chương trình CPĐT, vấn đề then chốt cho các quốc gia là lập kế họach và triển khai một cơ sở hạ tầng vững vàng.
TP. HCM: Không có Internet thì không có CPĐT
Giám đốc Sở BCVT TP. HCM Lê Mạnh Hà đã tập trung phân tích bức tranh toàn cảnh về quá trình phát triển CPĐT tại TP. HCM và kế hoạch trong thời gian tới. Theo ông Hà, từ năm 1998-2001 việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đã được thực hiện một cách tự phát. Giai đoạn 2001 - 2004 tuy phát triển phong phú nhưng lại có nhiều phức tạp nhất, mặc dù có “Đề án 112” nhưng lại triển khai chậm, không ít bất cập. “Dù sao, đây cũng thực sự là một đề án lớn, nhằm tạo bước đột phá trong ứng dụng CNTT, tác động mạnh vào nhận thức và bước đầu thay đổi được ý thức của chính quyền các cấp về vai trò của CNTT”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Với ý thức năng động, hàng loạt các sở, ngành của TP. HCM đã có những ƯDCNTT vào công việc thường ngày thành công, điển hình như Quận Bình Thạnh. Quận 1, Sở KHĐT. Điểm nổi bật là website của chính quyền thành phố ra đời và nay trở thành trang tin điện tử nổi tiếng nhất của các cơ quan nhà nước. Năm 2004, trang web Alexa.com đã xếp trang web này là một trong 15.550 trang web được truy cập nhiều nhất thế giới và được truy cập nhiều nhất trong các trang của cơ quan nhà nước Việt Nam. Đến nay, việc xây dựng CPĐT tại thành phố đã mang tính chuyên nghiệp hơn, với mục tiêu rõ ràng, kế hoạch trọng tâm và triển khai bài bản. Những nội dung cơ bản trong xây dựng CPĐT đã được TP. HCM xác định, đó là: Chuyển dịch vụ công thông thường sang dịch vụ công trực tuyến; Chuyển từ xử lý hồ sơ bằng tay sang xử lý bằng máy tính; Kết nối các máy tính riêng lẻ vào một hệ thống máy tính..., với mục tiêu hướng tới là: phục vụ người dân; giúp cơ quan quản lý xử lý thông tin nhanh, nhiều và chính xác; công khai, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.
TP. HCM đã vạch ra bước đi những năm tiếp theo, đó là xây dựng “Một cửa điện tử” cung cấp thông tin một cách tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ cấp phép trong kinh doanh, lao động và văn hoá. Người dân có thể dùng phương tiện liên lạc thông dụng nhất hiện nay là điện thoại để được trả lời tự động về tình trạng hồ sơ bằng thoại, tin nhắn qua “một cửa điện tử”. “Một cửa điện tử” cũng là công cụ hữu hiệu để người dân và lãnh đạo giám sát các dịch vụ công. Người dân được cung cấp thông tin ở mọi nơi, 24/7 và không phụ thuộc vào tinh thần làm việc hay thái độ của cán bộ nhà nước. Đến nay đã có 19 quận, huyện tham gia hệ thống “một cửa điện tử”.
Thực tế cũng cho thấy, TP. HCM là nơi đi đầu trong cấp phép trực tuyến như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép thành lập VPĐD. Hàng ngàn doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký trực tuyến. Với các quận, huyện cấp 52 loại giấy phép thì đã có 50 loại thuộc 6 lĩnh vực được ứng dụng CNTT. Một số loại giấy phép trong lĩnh vực đất đai - xây dựng đã được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ hệ thông tin địa lý (GIS). Ngay tại Sở BCVT đã thí điểm hiệu quả trung tâm chứng thực chữ ký số.
Ông Lê Mạnh Hà khẳng định không có Internet thì sẽ không có CPĐT tại TP. HCM. Tại thành phố, tính đến tháng 10/2007 đã có 8,6 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 1,6 triệu thuê bao cố định và 7 triệu thuê bao di động, chiếm 25% của cả nước. Internet băng thông rộng từ 5.000 thuê bao ADSL năm 2003 đến nay đã có gần 400 ngàn, tăng 80 lần trong 5 năm và chiếm 50% số thuê bao ADSL cả nước. “Do vậy, TP. HCM sẵn sàng cho một giai đoạn mới về CPĐT ở Việt Nam”, ông Hà khẳng định.
Hồng Loan
*Bài đăng trên số 99 năm 2007 báo Bưu điện Việt Nam