Phú Thọ không có nhiều danh lam thắng cảnh nhưng mảnh đất nơi đây lại thu hút khách du lịch bởi những món ngon ăn một lần là bâng khuâng nhớ mãi.
Bánh tai
Bánh tai Phú Thọ được làm từ bột gạo tẻ, nhân là thịt băm nhuyễn trộn cùng với chút gia vị, sau đó đem hấp chín. Điểm độc đáo của món bánh này là bánh được nặn theo hình con trai trông khá ngộ nghĩnh, nên xưa kia bánh có tên là bánh trai. Sau đó người ta chuyển sang gọi là bánh tai vì có hình dáng giống đôi tai.
Bánh tai muốn trọn vị thì phải thưởng thức với chút nước mắm ngon của Phú Thọ. Nhấm nháp miếng bánh tai mềm thơm quyện vị nước chấm sẽ khiến ai thưởng thức một lần rồi nhớ mãi không quên.
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua của vùng đất Thanh Sơn, Phú Thọ được làm từ phần thịt tươi sống ngon nhất rồi thái thành từng lát vừa ăn. Sau đó thịt được ướp với thính gạo để chín một cách tự nhiên cho đến khi thịt có mùi thơm ngon, chua dịu là được.
Thịt chua Thanh Sơn khi ăn quấn trong lá sung, thêm chút lá đinh lăng và chấm với tương ớt cay để tăng hương vị. Món này có thể dùng làm đồ nhắm hoặc làm món ăn trong bữa cơm của mỗi gia đình.
Rau sắn
Chắc hẳn khi nghe đến rau sắn chúng ta sẽ nghĩ chẳng có gì độc đáo. Thế nhưng dưới bàn tay của người Phú Thọ, rau sắn lại trở thành món ăn dân dã nhưng lại thơm ngon khó cưỡng. Cách làm món rau sắn khá kỳ công và đòi hỏi người làm phải thực sự khéo léo mới có thể tạo ra thành phẩm ngon và hấp dẫn.
Rau sắn được làm từ những búp sắn non vẫn còn lớp phấn phía đầu chồi, sau đó đem ngâm qua nước để bớt nhựa rồi vò sao cho sắn nát nhưng phải đảm bảo không bị vụn mà thành từng đoạn, đều nhau và mềm. Tiếp đó sắn được đem trộn muối rồi ủ trong khoảng 5 đến 6 ngày cho đến khi lên men chua là được. Từ rau sắn muối có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như rau sắn trộn, rau sắn xào hay nấu canh cá đồng,…
Cọ ỏm
Mùa cọ khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 là thời điểm thích hợp nhất để làm món cọ ỏm từ những quả cọ chín có màu hơi nâu nâu pha tím đậm.
Cách làm cọ ỏm khá đơn giản, chỉ cần nấu một nồi nước sôi rồi cho nhỏ lửa và thả quả cọ vào đun tiếp trong khoảng 10 phút là có thể ăn được. Cọ ỏm có vị bùi, chát được chấm với nước mắm ngon hoặc chút gia vị bột canh, muối vừng… làm dậy vị thơm bùi của cọ.
Rêu đá
Rêu đá là một trong những món ngon của mảnh đất Phú Thọ. Để có món rêu đá ngon và sạch thì rêu cần được lấy tại những nơi có nước suối chảy xiết cùng nhiều tảng đá lớn, giũ ngay tại suối để loại bỏ cát, tạp chất bẩn…
Rêu đá có cách làm khá mất thời gian nhưng lại là món ngon có 1-0-2. Sau khi rêu được làm sạch, sẽ đem trộn gia vị, tỏi, mỡ lợn rồi gói vào lá đu đủ hoặc lá chuối. Đem ủ nóng dưới lửa than hồng cho đến khi lớp lá ngả màu xém vàng nhưng lớp rêu bên trong vừa chín là được. Thưởng thức món rêu đá hòa quyện mùi thơm của tỏi của gia vị… sẽ là một trải nghiệm khó quên khi đến với đất Tổ.
Cơm nắm lá cọ
Cơm nắm có lẽ không còn xa lạ gì với người dân Việt, nhất là ở vùng nông thôn. Nhưng có lẽ cơm nắm lá cọ chỉ có duy nhất ở Phú Thọ mà thôi.
Lá cọ được nhặt trên đồi, đem về hơ qua lửa cho mềm rồi lau sạch. Cơm được nấu từ loại gạo mới thu hoạch nên rất dẻo thơm. Nước để nấu cơm cũng phải là nước mưa tinh khiết để đảm bảo hương vị.
Những nắm cơm được ve tròn một cách kỳ công rồi được cuộn trong lá cọ trông rất đẹp mắt. Thưởng thức cơm nắm lá cọ với muối vừng lạc hay sườn lợn rang muối mới thấy hết được vị bùi ngậy của muối vừng, vị thơm của lá cọ hòa với vị dẻo ngọt của cơm.
(Theo Emdep.vn)