- Giữ những báo nhiều người đọc, thu đủ tự nuôi, hay những báo nhà nước phải bỏ tiền in, mua, phát tận tay mà không biết có đọc không? – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao đổi về quy hoạch báo chí.  

Thảo luận tổ về sửa luật Báo chí chiều nay, các ĐB cũng rất quan tâm việc sắp xếp, quy hoạch báo chí đang tiến hành song song. ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) gọi đây là “vấn đề chấn động”, nhưng trong dự thảo luật chưa đề cập cụ thể.

ĐB Trần Du Lịch cùng đoàn tâm tư: Báo chí ta quá nhiều, trong 845 cơ quan báo chí chỉ 284 là tự chủ, còn lại nhà nước nuôi, thậm chí nuôi cả đầu vào và đầu ra.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch

“Báo chí phát triển cần bớt chuyện nhà nước nuôi, không được dùng ngân sách nữa, ra được báo thì ra, không có quyền bắt cấp dưới mua báo”, ông Lịch cho rằng quy hoạch báo chí nên hướng tới cơ chế tự chủ tài chính.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thì lưu ý việc sắp xếp tránh dàn hàng ngang, phải nhìn từ góc độ thị trường.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) thấy việc này nhạy cảm, cần tính đến đặc thù từng địa phương, lĩnh vực.

Trao đổi lại, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đồng tình nhận định hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí dựa vào ngân sách.

“Nhiều báo nhà nước cấp tiền in, khi ra báo nhà nước lại bỏ tiền mua chuyển đến các đơn vị mà ở đó, họ đọc không chúng ta không biết. Đó là lý do phải quy hoạch báo chí, để ngày càng gọn và chất lượng”, Bộ trưởng Son nói.

Xem CLIP Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son nói về "bài toán" quy hoạch báo chí:

Tuy vậy, ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận báo chí vừa phải là vũ khí tư tưởng của Đảng, nhà nước, vừa phải tự chủ tài chính, là việc khó cho cả người làm báo và người quản lý báo chí.

“Một tỉnh, thành sẽ chỉ có một cơ quan báo chí và nhiều ấn phẩm khác. Như vậy sẽ có những cơ quan báo chí phải thay chủ quản, nhất là các báo tuy không thuộc thành uỷ, tỉnh uỷ hay UBND, nhưng ti–ra rất lớn, trở thành báo toàn quốc, nguồn thu đủ nuôi sống tờ báo, và vẫn thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích”, Bộ trưởng TT&TT nói.

“Vậy ta để lại những tờ báo đó, hay là những tờ mà nhà nước phải bỏ tiền in và rồi mua cho bưu chính, bưu tá phát đến tận tay những người không biết có đọc không? Về cùng đầu mối chủ quản thì nhập anh nào vào anh nào?”

Lấy ví dụ câu chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Nguyễn Bắc Son tỏ ý ủng hộ “nhập yếu vào mạnh chứ không làm ngược lại”.

Chưa sòng phẳng với mạng xã hội

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng dự thảo luật Báo chí vẫn còn khoảng trống lớn về truyền thông xã hội.

“Với sự phát triển của internet hiện nay, mỗi người có smartphone đều có thể làm báo. Nhưng dự luật nói chưa hết, dường như còn tránh. Như thế không sòng phẳng, một bên báo chí thì kiểm soát kỹ, một bên truyền thông xã hội thì không kiểm soát”, ông Thường nói.

ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) thấy lo lắng khi luật không kiểm duyệt thông tin đưa lên mạng.

“Có người lợi dụng mạng đăng tải thông tin, người bị đưa tin muốn thanh minh lại hay khắc phục hậu quả đều rất khó. Trên mạng còn có rất nhiều những comment [bình luận] thiếu văn hóa”, bà Nhi nói.

{keywords}
ĐB Trần Thị Diệu Thúy

ĐB Trần Thị Diệu Thúy thì lưu ý về các trang thông tin điện tử, dẫn lại thông tin của các báo nhưng rất hỗn loạn, thậm chí sai, mà không xử lý được.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong các dự thảo trước đã từng đưa một số chế tài đối với trang thông tin điện tử và truyền thông xã hội.

“Nhưng sau khi thảo luận thì thấy nếu đưa hai khái niệm này vào luật Báo chí, vô hình trung là chấp nhận báo chí tư nhân. Chế tài cho trang thông tin điện tử và truyền thông xã hội đã có trong Nghị định 72, sau này có thể nâng lên thành luật”, Bộ trưởng TT&TT nói.

T. Hằng – T.Hạnh – C.Hoàng – P.Hải - H.Duyên