Tại giải chạy HCMC Marathon 2019 diễn ra vào ngày 13/1 tại TP.HCM, nam vận động viên (VĐV) Võ Văn T. (23 tuổi) bất ngờ ngã gục khi chạy đến km thứ 18. Dù được truyền ép tim, sốc điện và dẫn thuốc để hồi sức ngay lập tức nhưng nam thanh niên đã không qua khỏi.
Bác sĩ cho rằng nguyên nhân có thể do vận động viên hoạt động quá sức chịu đựng nên dẫn đến trụy tim. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn đang chờ kết quả giám định pháp y.
Được biết, T. là người giỏi nhiều môn thể thao. Cũng tại giải chạy này năm 2018, T. là một trong 90 người đầu tiên về đích ở cự ly chạy 42km.
VĐV Võ Văn T. |
Ngay khi biết T. tử vong, cộng đồng chạy bộ Việt Nam khá hoang mang, lo lắng vì hiện nay phong trào này ngày càng thu hút đông người tham gia. Vậy chạy như nào để an toàn?
Trao đổi với VietNamNet, TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc BV Thể thao Việt Nam nhấn mạnh, bất kỳ hoạt động thể lực nào, trong đó hoạt động thể dục thể thao đều phải được kiểm tra sức khoẻ, người kiểm tra phải là bác sĩ đa khoa.
“Nếu tham gia thi đấu ở các giải chuyên nghiệp thì bắt buộc phải là BV chuyên ngành như BV Thể thao VN mới đủ năng lực đánh giá trình độ thể lực của VĐV cũng như các bệnh lý tiềm tàng và bệnh lý có nguy cơ mắc phải khi thi đấu. Còn nếu chưa có kiểm tra sức khoẻ thì không được tham gia”, TS Kha thông tin.
Giám đốc BV Thể thao VN cho biết thêm, hiện tất cả các giải thi đấu, mới nhất là đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018, tất cả những VĐV không được kiểm tra sức khoẻ, không có kết luận của BV chuyên ngành thì đều không được thi đấu.
Khi kiểm tra sức khoẻ sẽ bao gồm kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực chuyên sâu. Trong đó kiểm tra chuyên sâu bao gồm các xét nghiệm sinh hoá, huyết học, các test thể lực, đặc biệt là các test gắng sức, đánh giá sự chịu đựng của hệ thống tim mạch, huyết áp, hô hấp, hệ thống vận động. Nếu các test đánh giá tiệm cận ngưỡng tối đa của cơ thể mà VĐV qua được thì thi đấu mới an toàn.
“Những trường hợp VĐV có bệnh lý tiềm tàng về tim mạch, huyết áp, hô hấp có nguy cơ rất cao có thể bị đột quỵ ngay trên đường chạy”, TS Kha cho hay.
TS Kha dẫn chứng, trong những năm qua, BV tiếp nhận nhiều trường hợp bị đột tử trong khi chạy hoặc đang đá bóng, đặc biệt đá bóng phủi, trong đó đã có trường hợp tử vong.
Do đó với người dân bình thường, TS Kha khuyến cáo, khi tham gia các giải chạy đường dài hay các hoạt động thể lực sức bền cần kiểm tra sức khoẻ tổng quát kèm kiểm tra sức khoẻ chuyên sâu, khi đó bác sĩ sẽ khai thác rõ tiền sử bệnh, từ đó tránh được các nguy cơ.
“Khi chạy đường dài, VĐV mất rất nhiều năng lượng do đó trước khi chạy cần mang theo nước khoáng bù điện giải, nước đường, bánh ăn liền hoặc thực phẩm tiêu hoá nhanh để bổ sung ngay khi cần thiết, tránh bị mất nước, tụt đường huyết”, TS Kha khuyến cáo.
Ngoài ra, người chạy cần tìm hiểu kĩ kĩ thuật chạy từ các VĐV chuyên nghiệp, chọn cự ly phù hợp với thể trạng, tình hình sức khoẻ, khởi động kĩ trước khi chạy và không gắng sức khi thấy cơ thể có dấu hiệu quá tải để tránh trụy tim.
Trong trường hợp phát hiện VĐV ngã quỵ khi đang chạy, nếu xe cấp cứu chưa đến kịp, người xung quanh cần kiểm tra xem nạn nhân có ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn hay không. Nếu phát hiện, lập tức nới rộng quần áo, thực hiện hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực rồi nhanh chóng gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt.
Thúy Hạnh
Vận động viên 23 tuổi tử vong ngay trên đường chạy HCMC Marathon 2019
- Vận động viên chạy đến km thứ 18 Giải chạy HCMC Marathon bất ngờ ngã gục. Dù được bác sĩ cấp cứu đưa đến đến bệnh viện gần nhất nhưng anh đã không qua khỏi.