Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) - nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) hiện chiếm 60% thị phần Internet cả nước đang hướng mạnh việc phát triển dịch vụ đến các địa phương trong cả nước với dự báo hai thành phố tập trung một nửa số người dùng Internet của cả nước là Hà Nội và TP. HCM sẽ bão hòa trong một đến hai năm tới.
Trong ba ngày liên tiếp từ ngày 24-26/10, VDC cùng với Viễn thông Hải Phòng tổ chức chuỗi sự kiện "ngày hội MegaVNN", "chương trình tăng tốc cùng MegaVNN" nhân dịp có 50.000 thuê bao Internet tốc độ cao MegaVNN tại đây. Trong chuỗi sự kiện này, VDC và Viễn thông Hải Phòng tổ chức hội thảo ứng dụng Internet trong học tập, giải trí và thương mại điện tử; mở khu trưng bày giới thiệu dịch vụ MegaVNN, tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng Internet hữu ích cho khách tham gia.
Số lượng thuê bao MegaVNN phát triển mới của VDC tại Hải Phòng đã tăng từ 20.000 hồi đầu năm lên tới 55.000 hiện nay, chiếm 80% thị phần Internet tốc độ cao tại thành phố cảng. Với tốc độ phát triển này, ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC dự tính đến cuối năm nay, VDC sẽ có 88-100 nghìn khách hàng sử dụng dịch vụ MegaVNN tại thành phố này.
Theo ông Liên, sở dĩ Hải Phòng có được tốc độ phát triển thuê bao cao như vậy là do hệ thống mạng lưới được đầu tư mạnh trong thời gian qua. Tại Hải Phòng, VDC hiện có hệ thống mạng lõi cáp quang dung lượng 10 Gbps đảm bảo đủ nhu cầu cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho trên 100 ngàn thuê bao. Hệ thống mạng cáp quang của VDC đã lan tỏa cả tới cả những khu vực có nhu cầu thấp hơn.
Sau Hải Phòng, ông Liên cho biết sắp tới VDC sẽ tổ chức các sự kiện tương tự tại nhiều địa phương khác để quảng bá dịch vụ, năng lực hạ tầng và hướng dẫn người dùng cách khai thác Internet hiệu quả. "Không chỉ tập trung ở những thành phố lớn, định hướng lâu dài của VDC là hướng tới thị trường nông thôn với quan điểm coi phục vụ nhu cầu thị trường này cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội", ông Liên nói.
Số lượng thuê bao Internet của VDC từ các khu vực ngoài Hà Nội và TP.HCM ngày càng nhiều hơn. Năm ngoái, Hà Nội và TP.HCM chiếm hơn 60% số lượng thuê bao Internet của VDC, trong đó Hà Nội là 38%, TP.HCM khoảng từ 25-27%. Nhưng tính đến nay, theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm điện toán và truyền số liệu khu vực 1 của VDC, số lượng thuê bao tại hai thành phố này chỉ còn chiếm gần 50% trong tổng số hơn 1,1 triệu thuê bao của VDC, còn lại là từ các tỉnh khác. Cả năm nay, VDC dự kiến đạt 1,5 triệu thuê bao Internet.
Ông Hải dự báo chỉ khoảng một đến hai năm tới nhu cầu Internet ở Hà Nội và TP.HCM sẽ tiến đến điểm bão hòa, khi đó khách hàng mới sẽ chủ yếu là những thuê bao di chuyển giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, nhu cầu Internet lại đang tăng lên mạnh ở nhiều địa phương khác, đặc biệt là các khu vực thành thị.
Nguyên nhân của việc gia tăng nhu cầu dùng Internet tốc độ cao ở các địa phương là do mạng lưới Intenet băng rộng của VDC phủ sóng rộng rãi hơn, tốc độ cao hơn và giá truy cập Internet giảm. Từ đầu tháng 4/2008, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), công ty mẹ của VDC, đã điều chỉnh, nâng cấp các mức tốc độ của từng gói cước lên gấp 1,5 đến 2 lần so với trước. Đồng thời, VNPT thực hiện giảm cước thuê bao từ 14% đến 22% một số gói dịch vụ so với mức ban đầu. Ngoài ra, theo ông Hải thì việc giá máy tính ngày càng rẻ hơn cũng có tác động không nhỏ.
Nhằm đón trước nhu cầu Internet đang tăng cao ở các địa phương, ông Vũ Hoàng Liên cho biết VDC sẽ tăng dung lượng băng thông quốc tế từ 19 Gbps hiện tại lên 30 Gbps vào cuối năm nay. Mạng trục lõi quốc gia trong nước hiện đã đạt 7,5 Gbps cũng sẽ được tăng thêm trong thời gian tới. Về giá, VDC sẽ có chính sách giá ưu đãi tùy theo địa phương, những khu vực nông thôn sẽ có ưu đãi nhiều hơn. Ngoài việc giảm cước, VDC cũng sẽ có những hỗ trợ về thiết bị và giải pháp cho các trường trong việc ứng dụng CNTT và Internet, ví dụ như hỗ trợ phòng máy tính.
Đại diện VDC cho biết giá cước Internet sắp tới sẽ còn giảm tiếp. Sau khi mạng cáp quang biển nối đi Mỹ (tuyến AIG) hoàn tất thì giá cước thuê kênh sẽ giảm được khoảng 40%. Hiện tại, giá cước thuê kênh đang chiếm 30-40% giá cước dịch vụ Internet ADSL.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt