- Lãi suất tuy không thấp nhưng thủ tục giấy tờ đơn giản, lại được bảo trợ bởi một ngân hàng nên nhiều người hí hửng vay tín chấp. Đến lúc trả nợ, họ uất nghẹn vì số tiền phải trả thực tế cao gấp nhiều lần.
“Chém” khác gì cho vay nặng lãi
Một công ty cho vay tài chính vừa lên mạng "khoe" hiện có các mức lãi suất vay tín chấp phổ biến là 1,42%, 1,66%, 2,17% và 2,95%/tháng, tính trên dư nợ cố định. Các mức này tương đương với mức lãi suất từ 30-55%/năm, tính theo dư nợ giảm dần.
Tuy lãi suất cao, song, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng đăng kí vay do các ưu thế về giấy tờ, thủ tục đơn giản và được bảo trợ bởi một ngân hàng.
Không biết có bao nhiêu khách hàng thật sự tỉnh táo, khi vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp với lãi suất kể trên của công ty này, nhưng số người vay xong, đến lúc trả nợ mà không khỏi ngỡ ngàng thì rất nhiều.
Một khách hàng là công nhân tại TP.HCM cho biết có vay số tiền 24 triệu đồng của công ty cho vay tài chính trên, với kỳ hạn 18 tháng. Số tiền mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi là 1,75 triệu đồng. “Tôi đóng được 5 tháng, tổng cộng là 8,88 triệu đồng với lãi suất 5% một tháng. Sau đó, tôi xin thanh lý hợp đồng, vậy nhưng số tiền mà tôi phải nộp là 24,2 triệu đồng. Mức lãi xuất 5% không khác gì cho vay nặng lãi, trong khi nhân viên đi phát tờ rơi chỉ ghi có 1,6-2,7%/tháng”.
Quảng cáo cho vay tín chấp với thủ tục rất thông thoáng |
Khi được hỏi, nhân viên công ty tài chính trả lời, lãi suất từ 1,6-2,7%/tháng được tính trên dư nợ ban đầu, còn 5%/tháng tính theo dư nợ giảm dần. Lãi suất cho vay cao là do chi phí vốn của công ty tài chính cao, giá trị của khoản vay thấp nên các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay cao hơn bình thường và vay tín chấp nên rủi ro cao.
Tuy nhiên, khi so sánh với một công ty khác cũng đang cho vay tín chấp có lãi suất từ 23-39,5%/năm, thì nhân viên kia trả lời vòng vo, không giải thích được vì sao lại có chênh lệch lớn như vậy.
Phải chăng, do lợi nhuận "khủng" mà thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ồ ạt thâu tóm, thành lập công ty tài chính để phát triển cho vay tiêu dùng?
Không chỉ tự chèo kéo khách vay, các công ty tài chính còn kết hợp với nhiều DN bán lẻ để "dụ" khách vay mua hàng điện máy, gia dụng... và cũng khiến nhiều người khốn khổ.
Một khách hàng tại Hà Đông (Hà Nội) kể rằng, anh mua chiếc điện thoại Oppo N1 mini với giá 8,6 triệu đồng tại một siêu thị điện máy ở Hà Đông. Nhân viên bán hàng tư vấn, anh chỉ cần trả trước 3,5 triệu đồng, số còn lại sẽ được một công ty tài chính cho vay và trả dần trong vòng 12 tháng, mỗi tháng trả khoảng 700.000 đồng. Thấy hàng tháng chỉ trả khoản nhỏ, có thể trả được nên đồng ý mua. Khi về đến nhà, ngồi tính lại mới tá hỏa, khoản vay chỉ 5,1 triệu đồng mà trả cả gốc lẫn lãi trong 12 tháng, tổng số tiền lên đến 8,3 triệu đồng, quy ra lãi suất đến 64%/năm.
Cách tính lãi với cho vay tín chấp đang là “điểm bẫy” cực kỳ nguy hại. |
Mới đây, một khách hàng tại TP.HCM đã gửi đơn khiếu nại việc vay tín chấp để mua hàng điện máy, cuối cùng té ngửa ra lãi suất lên tới 85%. Khi muốn tất toán trước hạn thì vẫn bị tính mức lãi suất "tín dụng đen" này bằng đúng thời gian ghi trên hợp đồng.
Đặc biệt, với cho vay tín chấp thì các khách hàng càng nghèo thì càng bị "chém" nặng. Một khách hàng có thu nhập 20 triệu, có chức vụ, có nhà cửa ổn định thì sẽ có khả năng hoàn trả cao hơn một người thu nhập 3 triệu và ở nhà thuê. Do đó, lãi suất của hai đối tượng này cũng khác nhau và người nghèo đương nhiên chịu lãi suất cao nhất.
Đã có nhiều khuyến cáo dành cho khách hàng có ý định vay tín chấp, nhưng các công ty tài chính rất khôn khéo trong việc che đậy lãi suất cao khiến nhiều người khi vay xong mới biết mình bị mắc bẫy. Chẳng hạn, do hiểu tâm lý khách hàng khi vay thường quan tâm đến lãi suất cao hay thấp, nên các công ty tài chính đánh lừa bằng hình thức đưa ra lãi suất vay tính trên dư nợ ban đầu. Lãi suất này tưởng như không cao, nhưng tính ra cũng không khác bị "cắt cổ" là bao.
Bẫy khách hàng bằng cách tính lãi
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất cho vay, trong đó có vay tiêu dùng, dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên nên không có khung quy định chi tiết. Tuy nhiên, lãi suất cho vay từ 20%-25%/năm là cao, trên 30%/năm là khá cao, trên 40%/năm là rất cao và nếu khách hàng phải vay với mức lãi suất trên 50%/năm là “cắt cổ”. Còn những khoản vay lãi suất lên đến 70-80%/năm có thể được xem là tín dụng đen.
Với các công ty tài chính, hoạt động cho vay thường là tín chấp, không có tài sản bảo đảm nên rủi ro lớn, lãi suất phải cao là dễ hiểu. Nhưng cũng không thể lấy lý do rủi ro cao để tha hồ “chặt chém” khách hàng khi áp dụng mức lãi suất như tín dụng đen.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, tình trạng nhá nhem lãi suất, thông tin mập mờ với hợp đồng vay, cách tính lãi đang là “điểm bẫy” cực kỳ nguy hại cho đời sống tài chính cũng như niềm tin người dân. Các công ty tài chính hiện nay không bị quản thúc bởi Luật Tổ chức tín dụng về lãi suất nên hầu hết áp lãi suất thỏa thuận với khách hàng. Tình trạng mạnh ai nấy làm, hoạt động lộn xộn, bát nháo khiến thị trường cho vay tiêu dùng không biết định nghĩa như nào cho chuẩn. Điều này có thể gây "mầm bệnh" cho nền tài chính.
Trần Thủy