Chị Nguyễn Thúy Giang, ngụ quận 3, TPHCM cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh nên chị bị thất nghiệp. Vừa qua, do gia đình có việc nên chị lên mạng tìm các website cho vay trực tuyến. Tại website vaytienaz.com, chị được giới thiệu nhiều khoản vay trả góp với lãi suất khoảng 20%/năm. “Website này giới thiệu mình là công ty tài chính VaytienAZ, là đối tác của nhiều ngân hàng lớn nên tôi rất tin tưởng” – Chị Giang kể.
Chị Giang vay 3,5 triệu đồng trong 14 ngày nhưng chỉ nhận được 2,3 triệu đồng, số tiền còn lại được cho là lệ phí làm hồ sơ vay. Tiền lãi mỗi ngày là 23.000 đồng, khoảng 1%/ngày, tương ứng 365%/năm.
Trang website vay tiền tự nhận mình là công ty tài chính |
Tại website chovaytienmat..., người tư vấn giới thiệu là công ty tài chính AK Finance, có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước nên có năng lực tài chính mạnh, trả góp mức lãi suất tương đương ngân hàng. Tuy nhiên theo tìm hiểu thì mức lãi suất nơi đây cũng tương ứng 1%/ngày. Trên hệ thống Ngân hàng Nhà nước không có công ty tài chính nào tên là AK Finance.
Hai website này chỉ là một trong những địa chỉ cho vay tiền trực tuyến trên mạng “tự phong” là công ty tài chính. Nhiều trang website là điểm cho vay nặng lãi, thu các loại phí vô lý với người vay, đòi nợ theo phương thức "khủng bố" và xã hội đen... Đó là chưa kể trên mạng còn xuất hiện tràn ngập các ứng dụng vay tiền trực tuyến từ những công ty chỉ có chức năng kết nối thông tin, tư vấn tài chính.
Mạng xã hội Facebook tràn ngập các lời rao cho vay tiền từ các ứng dụng |
Trước thực trạng này, Cục Canh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý và khuyến cáo người tiêu dùng không nên vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu như: Không có thông tin giới thiệu chứng minh năng lực của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng có chức năng cho vay; hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay,
Các tổ chức, cá nhân cho vay không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài.
Không công khai các chính sách thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; không niêm yết các điều kiện, điều khoản giao dịch chung; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch.
Không gửi trước mẫu hợp đồng vay và các nội dung chi tiết liên quan đến hợp đồng vay để người tiêu dùng đọc trước khi xác nhận ký kết giao dịch và không cung cấp hợp đồng đã ký kết để người tiêu dùng lưu giữ sau khi đã hoàn thành giao dịch.
Đồng thời do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến khích người vay nên chủ động gửi văn bản hoặc email đến các đơn vị vay tiền để đề xuất giải pháp hỗ trợ xử lý giãn nợ, tránh tình trạng để nợ quá hạn, phát sinh các khoản tiền phạt và trách nhiệm pháp lý liên quan.
Theo Báo Điện tử Phụ Nữ TP HCM