Dịch vụ cầm đồ cho vay theo dạng cầm cố tài sản, trong khi các công ty quản lý, điều hành app không có chức năng cho vay nên giữa app và đơn vị cầm đồ có cách thức phối hợp để giải ngân. 

Giải ngân cho các app là đơn vị cầm đồ

{keywords}
Ông Lê Thanh Huỳnh Cang - Giám đốc Công ty Tài chính Oncredit xác nhận giải ngân cho app Oncredit là đơn vị cầm đồ. Ành: PV

Nhiều app cho rằng có liên kết với công ty tài chính để giải ngân cho người vay, vì công ty vận hành và quản lý app không có chức năng cho vay. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện một số "công ty tài chính" đấy thực chất là đơn vị cầm đồ.

Cụ thể, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Tài chính OnCredit (phường An Phú, quận 2 - đơn vị vận hàng app OnCredit) liên kết với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lợi Tín (phường 10, quận Tân Bình) để giải ngân cho người vay. 

Công ty TNHH ATM Online Việt Nam (phường 25, quận Bình Thạnh - đơn vị vận hành web ATM Online) liên kết với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TM24H (phường 1, quận Phú Nhuận) để giải ngân cho người vay.

Công ty TNHH MTV Lendtop (đơn vị vận hàng 2 app oneclickmoney và moneycat - phường 12, quận Bình Thạnh) liên kết với Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ SaiGon Credit để giải ngân cho người vay.

Cả 3 công ty như Lợi Tín, TM24H và SaiGon Credit giải ngân khoản vay khách hàng của các app, có chức năng chính là kinh doanh cầm đồ.

{keywords}
Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ SaiGon Credit chức năng chính là cầm đồ, giải ngân cho app. Ảnh: PV

Trên thực tế, phần lớn các app cho vay hiện nay đều hoạt động và liên kết với một đơn vị cầm đồ để giải ngân khoản vay cho khách. Bởi về mặt pháp lý, các công ty vận hành app không có chức năng cho vay, chỉ là đơn vị kinh doanh hoạt động theo mô hình công ty Fintech (Financial technology - công nghệ trong tài chính).

Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Huỳnh Cang, Giám đốc công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Tài chính Oncredit xác nhận, giải ngân cho khách hàng vay qua app Oncredit là một đơn vị cầm đồ.

Theo ông Cang, Công ty Oncredit hợp tác với một công ty cầm đồ, có đầy đủ giấy phép hoạt động, đó là công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lợi Tín. Còn Công ty Oncredit là công ty tư vấn tài chính, có chức năng tạo ra các platform (nền tảng – PV) để khách hàng có thể tương tác với công ty cầm đồ.

Ông Phạm Phước Tài, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương Mại Sài Gòn Credit cho biết, Công ty Sài Gòn Credit có chức năng hoạt động chính là cầm đồ. Đối tác là app oneclickmoney và moneycat sẽ tìm khách hàng cho Công ty Sài Gòn Credit, sau đó thông báo khoản tiền khách cần vay để công ty giải ngân.

Tương tự như vậy, ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Công ty TNHH ATM Online Việt Nam cũng xác nhận, đối tác giải ngân cho app ATM Online là Công ty TM24H với chức năng chính là kinh doanh cầm đồ.

Cách thức đơn vị cầm đồ giải ngân cho app

{keywords}
Ông Vũ Khánh Long - Giám đốc điều hành Công ty TM24H. Ảnh: PV

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi vay qua web ATM Online khách hàng vay phải ký nhiều hợp đồng cùng lúc với hai công ty có chủ thể khác nhau.

Cụ thể, người vay phải ký "Hợp đồng cho thuê tài sản" và "Hợp đồng vay cầm cố" với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TM 24H. Cùng với việc ký 2 hợp đồng trên, khách cũng ký "Hợp đồng cung cấp dịch vụ" với Công ty TNHH ATM Online Việt Nam.

Lý giải về việc ký các hợp đồng này, dại diện Công ty TM24H cho biết, Công ty TM24H là đơn vị cầm đồ giải ngân khoản vay cho khách theo phương thức cầm cố tài sản là chiếc điện thoại của khách vay.

Tuy nhiên, trên thực tế TM24H không cầm giữ tài sản của khách vay, vì vậy giữa khách hàng và công ty sẽ ký thêm hợp đồng cho thuê tài sản và hoặc nhờ giữ tài sản. Điều này đồng nghĩa, khách hàng vay trên danh nghĩa là cầm cố chiếc điện thoại, nhưng chiếc điện thoại đấy khách vẫn giữ và sử dụng bình thường.

{keywords}
Các công ty cầm đồ giải ngân cho app đều có cách thức giống nhau. Ảnh: PV

Nhiều "công ty tài chính" giải ngân cho app đều có cách thức tương tự như Công ty TM24H. Các công ty này, chức năng chính là kinh doanh cầm đồ, nhưng thực tế không hoạt động theo kiểu cầm đồ truyền thống, mà chủ yếu lập ra để giải ngân khoản vay cho các app. Một số công ty vận hành app và công ty giải ngân cho app là do cùng một chủ đầu tư lập ra. Tuy nhiên, trên danh nghĩa pháp lý thì hai công ty này có tư cách pháp nhân và chủ sở khác nhau.

{keywords}
Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Công ty TNHH ATM Online Việt Nam. Ảnh: PV 

Ông Phạm Phước Tài, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV TM DV Sài Gòn Credit cho biết, do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên công ty hoạt động dưới danh nghĩa là công ty cầm đồ để giải ngân khoản vay cho app theo phương thức cho vay cầm cố.

Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Công ty TNHH ATM Online Việt Nam cũng xác nhận, do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên nhiều công ty Fintech (Financial technology - công nghệ trong tài chính) hoạt động chưa được công khai, minh bạch.

"Các công ty Fintech phải có pháp nhân và được kiểm toán báo cáo tài chính đầy đủ. Công ty Fintech cung cấp các khoản vay cho phân khúc khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng và công ty Tài chính nên việc thiếu chính sách quản lý như: tỷ lệ nợ xấu, các hệ số an toàn vốn có thể gây hạn chế sự phát triển của Fintech và gây bùng phát tín dụng đen"- ông Hải nói.

Luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TPHCM:

"Công ty cầm đồ, chắc chắn không phải là công ty tài chính theo quy định của Luật Ngân hàng. Vì vậy, họ không có chức năng cho vay để người đi vay dùng tiền đó để mua tài sản. Việc xác định tư cách của các công ty này rất quan trọng, bởi nó liên quan đến phần lãi suất cho vay theo luật.

Công ty cầm đồ không có chức năng cho thuê tài sản. Bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự, thì trong thời gian cầm đồ, đơn vị cầm đồ phải trông giữ, quản lý tài sản để trả lại cho người cầm. Họ không được quyền khai thác tài sản cầm cố. Họ chỉ được quyền khai thác, bán tài sản đang được cầm cố, sau khi hết thời hạn cầm, mà người đi cầm không thực hiện việc trả tiền theo thỏa thuận.

Trong quá trình cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng, các bên có thể liên kết với nhau để cùng cung ứng sản phẩm. Thế nhưng vấn đề chính ở đây là: trong từng giai đoạn ấy, các bên cung ứng phải có chức năng hoạt động theo quy định của pháp luật."

(Theo Lao Động)