Vợ chồng tôi đều 35 tuổi, từ tỉnh lẻ lên Hà Nội học tập, lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Thu nhập của chúng tôi không cao, tổng khoảng 25 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2020, vợ chồng tôi đưa ra quyết định liều lĩnh khi mua một căn nhà ở Long Biên, Hà Nội với giá hơn 2 tỷ đồng, chấp nhận vay mượn khoảng 50% giá trị nhà.

Chúng tôi có nhiều nguồn vay không mất lãi từ bạn bè thân thiết, người thân ruột thịt hai bên nội, ngoại. Người cho vay 20 – 50 triệu, người cho vay 100 – 150 triệu nên chỉ sau một thời gian ngắn huy động, chúng tôi đã vay được 700 triệu đồng. 300 triệu còn lại, vợ chồng tôi dự tính vay ngân hàng.

{keywords}
Nhiều cặp vợ chồng từ quê ra phố như vợ chồng tôi cũng đang đau đầu tính toán mua nhà Hà Nội (Ảnh minh hoạ)

Qua tham khảo, chúng tôi thấy có những ngân hàng quảng bá lãi suất cho hình thức thế chấp vay mua nhà chỉ hơn 5%/năm nhưng có khá nhiều quy định ràng buộc, thủ tục hơi khó khăn và thời gian giải ngân lâu. Một số ngân hàng thì ngược lại, lãi suất cao nhưng thủ tục dễ dàng. Sau quá trình cân nhắc, vợ chồng tôi đã lựa chọn cách thế chấp sổ đỏ ngôi nhà sắp mua để vay tiền một ngân hàng có lãi suất tầm trung, khoảng 8,2 – 8,9%/năm nếu thời hạn vay trong 1- 2 năm.

Thế nhưng, quá trình làm việc với nhân viên của ngân hàng đó về sau không thuận lợi. Trong các cuộc nói chuyện, cậu nhân viên này thường ngỏ ý muốn chúng tôi vay nhiều hơn vì “đằng nào cũng mất một công vay, một công làm hồ sơ, thẩm định”. Đương nhiên vợ chồng tôi không đồng ý. Sau đó cậu ấy bảo nếu chúng tôi vẫn chỉ muốn vay số tiền nhỏ trên thì mất mấy triệu phí làm hồ sơ.

Rắc rối không đáng có này khiến chúng tôi hơn ức chế. Kể chuyện này với gia đình nhà chồng, mọi người khuyên vợ chồng tôi nên thử vay mượn thêm người quen để không mất lãi. Tuy nhiên, tôi không muốn như vậy. Vay mượn tiền bạc vốn là chuyện nhạy cảm, rất dễ mất lòng nếu hai bên không có sự thân thiết nhất định.

Phải nhấn mạnh rằng, 700 triệu kia tôi chỉ vay của anh, chị, em ruột thịt, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, một vài người là cô, dì ruột và những người bạn thân thiết nhất. Đương nhiên, tôi vẫn có một số mối quan hệ có thể vay thêm tiền, nhưng vì không quá thân nên tôi không muốn hỏi vay, tránh sự ngượng ngùng cho cả đôi bên. Bởi họ không cho mình vay sẽ ngại, cho vay thì sẽ thiếu tin tưởng hoặc chỉ cho vay số tiền không đáng kể.

Tâm sự chuyện của mình với một người bạn cũng từng vay mượn mua nhà, tôi được cô bạn tiết lộ cho cách mà cô ấy từng áp dụng. Đó chính là vay khoản tiền tiết kiệm của những người họ hàng không quá thân cận, kinh tế khá giả, sống ở quê, rồi trả lãi như lãi ngân hàng. Người cho vay lẽ ra gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ được hưởng lãi suất huy động khá thấp, còn cô bạn tôi vay tiền của họ trả theo lãi suất cho vay của các ngân hàng. Người cho vay sẽ được hưởng chênh lệch lãi suất thêm vài %/năm, ví dụ bình thường họ gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất chỉ hơn 5% năm nhưng cho cô bạn tôi vay thì lãi suất hơn 8%/năm. Còn cô bạn tôi thì vay được tiền mà không phải qua ngân hàng, tránh được thủ tục rườm rà và các khoản phạt nếu vi phạm thời hạn trả lãi, gốc.

Chuyện của cô bạn giúp tôi tìm được đường sáng cho khoản vay 300 triệu. Quả thực ở các vùng quê, gia đình nào có điều kiện, làng trên xóm dưới đều biết. Mọi người ở quê vốn thích an toàn nên tiền tích lũy thường không dùng để đầu tư mà sẽ gửi ngân hàng lấy lãi. Tôi nhờ mẹ chồng hỏi hộ một vài người họ hàng và đưa ra mức lãi suất cao hơn mấy phần trăm. Gia đình chồng tôi ở quê được tiếng hiền lành, cũng chưa từng vay mượn ai bao giờ nên họ khá tin tưởng, vui vẻ cho vay ngay. Tùy từng người, tiền lãi sẽ trả theo tháng hoặc thành một đợt cuối năm. Tiền gốc cứ giữ nguyên. Khi nào có đủ, vợ chồng tôi sẽ trả gốc một lần vào cuối năm, coi như chấm dứt khoản vay.

Nhờ cách này, vợ chồng tôi nhanh chóng vay được 300 triệu thiếu hụt. Sau đó, quá trình sang tên sổ đỏ diễn ra nhanh gọn, không phải rắc rối với các thủ tục thế chấp sổ đỏ, vay tiền ngân hàng.

Mua được nhà, dưới áp lực nợ nần, suốt một năm qua, vợ chồng tôi cũng làm việc tích cực hơn để kiếm tiền. Nhờ vậy, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu nhập năm qua của vợ chồng tôi tốt hơn một chút so với thời điểm trước khi mua nhà. Chúng tôi đã trả được một phần khoản nợ gốc 300 triệu vay mất lãi, trả được một vài khoản nợ nhỏ 20, 30, 50 triệu vay không lãi của bạn bè, người thân vì họ có việc gấp cần dùng.

Tôi biết có nhiều cặp vợ chồng từ quê ra phố như vợ chồng tôi cũng đang đau đầu tính toán mua nhà Hà Nội. Tôi kể ra câu chuyện của mình, hy vọng mọi người có thể tham khảo thêm một cách vay mượn để bớt đi những áp lực về tài chính, tinh thần khi phải vay số tiền lớn mua nhà.

Thanh Hằng  (Hà Nội)

Độc giả chia sẻ ý kiến, thắc mắc, kinh nghiệm... trong việc mua bán nhà đất xin gửi ý kiến về email: [email protected]
Cú chốt lời 300 triệu giữa cơn sốt đất gom tiền chờ săn hàng ‘cắt lỗ’

Cú chốt lời 300 triệu giữa cơn sốt đất gom tiền chờ săn hàng ‘cắt lỗ’

Lúc tôi quyết mua căn nhà này, chồng một mực can ngăn. Mua được vài tháng thì bây giờ nhà đất lên cơn sốt, có người trả chênh căn nhà của tôi 300 triệu đồng, tôi không muốn bán còn chồng thì nằng nặc đòi “chốt lời”.