Tại Việt Nam, người dân tin rằng vảy Tê tê có tác dụng quý trong chữa bệnh xương khớp và tăng cường sinh lý cho nam giới. Chính vì vậy, Tê tê là loài động vật hoang dã được mua bán nhiều. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần bắt giữ các trường hợp vận chuyển, mua bán trái phép Tê tê.

Trên toàn thế giới có tám loài Tê tê khác nhau, bốn loài phân bố ở châu Phi và bốn loài phân bố ở châu Á. Tại Việt Nam có hai loài Tê tê sinh sống là Tê tê Java và Tê tê vàng. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của Tê tê là nạn săn bắt và buôn bán trái pháp luật các sản phẩm của chúng, bao gồm vảy và thịt. Tại Việt Nam, Tê tê bị săn bắt phục vụ mục đích tiêu thụ trong nước và buôn bán quốc tế. Việt Nam đồng thời là quốc gia trung chuyển Tê tê giữa châu Á và châu Phi. Tê tê là loài có số lượng bị bắt giữ nhiều nhất tại Việt Nam giai đoạn 2020-2021. 

Mặc dù chúng ta đã đưa ra nhiều chiến dịch bảo vệ Tê tê như “không có người mua – không có kẻ giết”. Tuy nhiên, tình trạng mua bán liên tục tăng. Theo báo cáo của tổ chức WCS Việt Nam năm 2020, cả nước bắt giữ 250 kg tê tê, đến năm 2021 tỷ lệ này tăng lên hơn 2 tấn và năm 2022 tăng lên gấp ba với 6,4 tấn.

Theo Trung tâm bảo vệ thiên nhiên (ENV) trong năm 2019, ENV đã ghi nhận gần 17 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê bị bắt giữ tại cảng Hải Phòng. Đây cũng là một cảng biển lớn, nơi tê tê thường bị vận chuyển lậu vào Việt Nam trước khi bị đưa lên vùng biên giới phía bắc.

vay te te.png
Mô hình Tê tê tại Bảo tàng Vườn quốc gia Cát Tiên. 

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Bay – Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vảy Tê tê được dùng làm thuốc trong đông y theo kinh nghiệm. Hiện không có nghiên cứu khoa học nào khẳng định vảy Tê tê chữa được bệnh. Một số sách đông y cổ của Trung Quốc ghi chép lại vảy Tê tê dùng làm thuốc chữa bệnh xương khớp, đau nhức xương, chứng phong tê thấp, mụn nhọt, bế kinh, tắc sữa, lao hạch, sốt đờm tích. Còn vảy Tê tê không dùng chữa ung thư hay tăng cường sinh lý.  Dùng vảy Tê tê không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe vì vảy Tê tê có độc tố.

Ngoài ra, xương và thịt của Tê tê cũng không tốt hơn các loại thịt động vật như gà, bò, lợn. Những lời đồn về tác dụng trong dân gian đã khiến có cho loài động vật này bị săn bắt nhiều nhất trên thế giới. Riêng tại Việt Nam và Trung quốc là hai quốc gia có nhu cầu tiêu thụ hàng đầu.

Các chương trình bảo vệ đông vật hoang dã được triển khai tại Việt Nam thường xuyên tuyên truyền ngưng sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã để bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Phó giáo sư Bay cho rằng, trong y học cổ truyền có nhiều bài thuốc có tác dụng như vảy Tê tê, người dân có thể sử dụng thay thế như kim ngân hoa, kinh giới, cam thảo, bồ công anh, có sữa lá lớn. 

Cùng quan điểm, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đức – Khoa Dược, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết,  các tác dụng chữa bệnh của vảy Tê tê, sừng Tê giác hay cao hổ chỉ là đồn đại và đường thêu dệt thêm. Ông Đức cho biết, không có công trình nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của những bài thuốc trên.

Nếu chỉ dựa vào truyền miệng, con người tìm cách tận diệt các động vật hoang dã quý hiếm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái tự nhiên. Hiện vảy Tê tê được người ta chào bán từ 20 đến 30 triệu đồng/kg. Ông Đức cho rằng chi số tiền lớn mua bài thuốc chỉ truyền miệng là lãng phí. Người dân có bệnh cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cộng đồng chung tay nói không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã sẽ không còn người săn bắn, nuôi nhốt trái quy định. Để mang tính răn đe, ông Đức cho biết chúng ta cần tăng cường các hình phạt với những người mua bán động vật hoang dã trong đó có Tê tê.

Thế Mỹ và nhóm PV, BTV